Siết tín dụng bất động sản: Người nghèo có mua được nhà?
Khách hàng có nhu cầu thực về nhà ở, vẫn được thuận lợi tiếp cận vay vốn ngân hàng. Đây là khẳng định của lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước NHNN) trước nhiều băn khoăn của thị trường, khi có ý kiến cho rằng việc kiểm soát nguồn vốn cho vay bất động sản (BĐS) sẽ khiến thị trường BĐS bị đình trệ, doanh nghiệp thiếu vốn để tiếp tục các dự án, người dân khó vay vốn để mua nhà.
Thị trường nhà đất thời gian qua tăng nóng và nhanh chóng đóng băng khi nhiều thông tin cho rằng NHNN siết tín dụng chảy vào BĐS. Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, chủ đề siết tín dụng BĐS được không ít đại biểu đưa ra thảo luận, chất vấn. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng khi siết chặt tín dụng đối với BĐS có thể dẫn đến hệ lụy là thị trường sẽ đình trệ, doanh nghiệp thiếu vốn để tiếp tục các dự án và người nghèo, nhất là người nghèo ở đô thị khó có thể mua được nhà giá rẻ hơn như mong muốn.
Trong khi đó, mục đích quản lý của Nhà nước là chống đầu cơ, chống bong bóng BĐS và trên thực tế vẫn có nhiều doanh nghiệp BĐS làm ăn nghiêm túc, đúng pháp luật. Bởi vậy, các ý kiến đề nghị cần có giải pháp giúp thị trường BĐS phát triển lành mạnh.
Về vấn đề này, trao đổi với báo giới, ông Phạm Chí Quang - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, dòng vốn đầu tư vào thị trường BĐS rất đa dạng, bao gồm vốn FDI, vốn huy động từ thị trường quốc tế thông qua phát hành TPDN hoặc vay các tổ chức nước ngoài, huy động từ thị trường chứng khoán, từ phát hành TPDN, nguồn vốn tự có, tự tích lũy của các tổ chức, cá nhân và vay từ tổ chức tín dụng (TCTD). Như vậy nguồn vốn tín dụng từ hệ thống ngân hàng chỉ là một trong số các nguồn vốn đầu tư vào thị trường BĐS.
Theo quy định pháp luật hiện hành, hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận, căn cứ khả năng đáp ứng các điều kiện vay vốn của khách hàng và khẩu vị rủi ro của TCTD. Đối với khách hàng có dự án/phương án kinh doanh khả thi, có khả năng tài chính để trả nợ, khách hàng có nhu cầu thực về nhà ở đáp ứng điều kiện vay vốn, TCTD được toàn quyền chủ động xem xét cho vay phù hợp tình hình hoạt động và khẩu vị rủi ro của TCTD, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật liên quan.
Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, tín dụng nói chung và tín dụng BĐS nói riêng trong các tháng đầu năm 2022 tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm 2021. Đến tháng 5/2022, tín dụng BĐS tăng 12,31% so với cuối năm 2021, trong đó tín dụng BĐS tập trung chủ yếu vào mục đích tự sử dụng, chiếm tỷ trọng 66,3%.
Ngoài việc cho vay đối với lĩnh vực BĐS, thời gian qua hệ thống TCTD còn triển khai một số chương trình cho vay về nhà ở đối với các đối tượng chính sách, tín dụng nhà ở xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP... Ngoài ra, NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay ngân hàng thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đồng thời nhanh chóng ban hành Thông tư 03/2022/TT-NHNN trong cùng ngày hướng dẫn NHTM thực hiện Nghị định 31.
Như vậy, các chính sách, giải pháp được NHNN triển khai nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư kinh doanh BĐS nhưng vẫn đảm bảo khách hàng có nhu cầu thực về nhà ở, khách hàng có phương án vay vốn hiệu quả, khả thi vẫn được thuận lợi tiếp cận vay vốn ngân hàng“, ông Quang cho biết.
Về định hướng điều hành tín dụng đối với lĩnh vực BĐS trong thời gian tới, với vai trò là cơ quan quản lý trong lĩnh vực tiền tệ, NHNN đã ban hành các quy định và thực hiện nhiều giải pháp nhằm kiểm soát rủi ro đối với tín dụng BĐS, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, đồng thời cung ứng đủ, kịp thời vốn cho nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực BĐS, góp phần phát triển thị trường BĐS lành mạnh; từ đó lan tỏa đến các ngành kinh tế khác, tạo động lực tăng trưởng kinh tế bền vững.