Phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân vẫn gặp khó
Cả nước đã có hơn 392 khu công nghiệp (KCN) được thành lập, trong đó đã có 286 KCN hoạt động với tổng diện tích đất lên đến hơn 85 nghìn ha, tập trung rất đông lao động. Nhưng theo số liệu của Bộ Xây dựng, các địa phương cũng mới chỉ dành được khoảng 600ha để làm nhà ở cho công nhân các KCN.
Đến nay cả nước đã có 253 dự án nhà ở dành cho công nhân, nhưng cũng mới chỉ có 112 dự án hoàn thành. Phát triển nhà ở công nhân vẫn đang gặp một loạt khó khăn về vốn vay, về cơ chế, chính sách… khiến việc xây triển khai rất chậm.
Dự án nhà lưu trú công nhân ở Khu chế xuất Linh Trung 2 tại TP Hồ Chí Minh có 2 block nhà cao 12 tầng với tổng cộng 360 căn hộ, đã khai thác từ cách đây 9 năm. Song cũng phải chờ đến dịp 30/4 năm ngoái, giai đoạn 2 của dự án với quy mô 480 căn hộ làm nhà lưu trú công nhân mới xong các thủ tục để được TP Hồ Chí Minh cho làm lễ động thổ. Thế nhưng sau gần 1 năm động thổ, dự án vẫn không thể "động đậy" và phải quay lại con số 0 về pháp lý.
Nguyên do, theo ông Nguyễn Văn Lợi, Giám đốc Công ty Thiên Phát - chủ đầu tư dự án, khu vực làm nhà lưu trú công nhân được Thành phố cắt ra một khoảnh từ diện tích KCX Linh Trung 2 hiện vẫn đang là đất thương mại. Muốn làm nhà lưu trú công nhân, khu đất có diện tích khoảng 5.000m2 này phải được thu hồi, phê duyệt quy hoạch lại thành đất ở.
Với một loạt thủ tục phải làm lại từ đầu, chưa tính thời gian, riêng khoản chi phí hợp lý cho việc làm lại các thủ tục pháp lý đã tốn khoảng 10 tỷ đồng. Chi phí này sẽ được chủ đầu tư tính vào giá thành sản phẩm để từ đó đưa ra mức giá cho thuê.
Tại Đồng Nai, với 1,2 triệu lao động làm việc trong và ngoài KCN, nhu cầu nhà ở xã hội (NOXH) cần khoảng 150 nghìn căn. Mục tiêu đến năm 2025 địa phương này sẽ phát triển đạt khoảng 116 nghìn căn, trong khi đến nay mới chỉ có vài nghìn căn. Việc phát triển NOXH tại địa phương này đang bị đẩy trách nhiệm về cho cấp huyện.
Theo danh sách do Sở Xây dựng Đồng Nai đưa ra đầu tháng 3 này, Đồng Nai sẽ dành 176ha diện tích đất công, đất 20% tại các dự án bất động sản (BĐS) thương mại và đất ở các khu tái định cư để phát triển 44.598 căn NOXH.
Trong số 40 dự án được lên kế hoạch, hiện có rất ít dự án đã hoàn thành thủ tục hoặc được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt chủ trương đầu tư. Số còn lại hoặc phải đến năm 2024 mới xong thủ tục để đưa ra đấu giá, mời gọi đầu tư hoặc đã bị các Sở liên quan đẩy trách nhiệm về cho cấp huyện lập hồ sơ chủ trương đầu tư, đấu thầu, chọn nhà đầu tư…
Sau khi gói vốn cho vay ưu đãi 110 nghìn tỷ cho doanh nghiệp làm NOXH vay không trở thành hiện thực, gần đây gói tín dụng ưu đãi 120 nghìn tỷ tiếp tục được đưa ra. Tuy nhiên, khoản vay này không có nhiều ý nghĩa đối với giá thành sản phẩm khi thời gian vay đã ngắn, lãi suất cũng chỉ thấp hơn lãi vay thương mại được 1,5-2%. Gói tín dụng này chỉ như liều thuốc "an thần" cho doanh nghiệp làm NOXH.
Cái chính bây giờ là nguồn vốn dài hạn với lãi suất 5% cho người mua NOXH vay. Phân khúc nhà ở trung và cao cấp đang "đứng hình", khó bán ra như hiện nay chính là cơ hội tốt để người nghèo có nhà. Thúc đẩy phát triển NOXH cũng góp phần làm ấm lại thị trường BĐS. Nhu cầu mua NOXH, nhu cầu thuê nhà ở công nhân luôn rất lớn.
Trong báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ đối với Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NOXH cho người thu nhập thấp, công nhân KCN giai đoạn 2021-2030", Bộ Xây dựng cho rằng: Vấn đề khó đối với mục tiêu này là nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh doanh BĐS lớn vẫn chỉ tập trung vào phát triển các khu đô thị, nhà ở, khu nghỉ dưỡng cao cấp chứ chưa quan tâm đến việc đầu tư phát triển NOXH cho người thu nhập thấp và cho công nhân KCN. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có đông công nhân trong các KCN cũng chưa quan tâm đến vấn đề nhà ở cho công nhân, người lao động của mình. Do đó, vấn đề phát triển NOXH, nhà ở công nhân vẫn đang kỳ vọng vào một Nghị quyết mang tính "khơi thông"của Quốc hội.