Nơi ở mới phải phù hợp với điều kiện sống của người tái định cư

Chủ Nhật, 14/01/2024, 09:03

Những năm qua, TP Hồ Chí Minh đã có nhiều cuộc điều tra xã hội học, rà soát công tác tái định cư (TĐC) để có chính sách phù hợp hơn với người dân thuộc diện phải di dời. UBND thành phố cũng đã nỗ lực trong việc tạo lập quỹ nhà, đất nhằm bố trí TĐC cho người dân với phương châm nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ.

Song thực tế, các khu TĐC tập trung được xây dựng khá khang trang với cả chục nghìn căn hộ ở TP Thủ Đức và ở huyện Bình Chánh đều bị bỏ hoang nhiều năm do người dân không chịu nhận nhà TĐC, không dọn đến ở do không phù hợp với điều kiện sống hiện tại. Trước khi xây dựng các dự án chung cư TĐC, chính quyền đã không khảo sát kỹ nhu cầu, nguyện vọng của người dân; không đầu tư hạ tầng xã hội hoàn chỉnh và nhất là không ràng buộc người dân trong việc cam kết nhận căn hộ TĐC. Chỉ có quan điểm tạo nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ cho người TĐC là chưa đủ, mà còn cần tiêu chí nơi ở mới phải phù hợp với điều kiện sống của người dân.

dinh cu copy.jpg -0
Khu tái định cư tập trung tại TP Thủ Đức nhiều năm không có người nhận nhà.

Kết quả giám sát của HĐND thành phố cho thấy, đa số người dân mong muốn được TĐC tại chỗ hoặc trên cùng địa bàn phường, quận, không muốn TĐC ở các chung cư, nhất là những địa điểm xa nơi ở cũ. Với các quận trung tâm không có nơi TĐC tại chỗ, người dân nhận bồi thường cao và có công việc ổn định nên phần lớn tự lo chỗ ở mới. Ở khu vực ngoại thành, tại các huyện Cần Giờ, Hóc Môn có đến 100% người dân thuộc diện TĐC tự lo chỗ ở mới. Huyện Nhà Bè tỷ lệ người dân nhận nhà, đất TĐC cũng rất thấp, ở Bình Chánh, người dân nhận suất TĐC cũng chỉ ở mức 60%. Cách đây nhiều năm, UBND thành phố đã xác định còn khoảng 1.805 căn hộ TĐC không có người nhận. Dù vậy các khu TĐC tập trung 30ha ở xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh và chương trình 12.500 căn hộ tái định cư phục vụ TĐC cho người dân bị giải tỏa để xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm vẫn tiếp tục được hoàn thiện.

Kết quả rà soát của HĐND thành phố cho thấy, nhìn chung người dân TĐC có nơi ở khang trang hơn so với trước. Nhưng do phải chờ các dự án TĐC nên nhiều người đã tự lo nơi ở mới để ổn định cuộc sống và chuyển suất TĐC cho người khác. Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật các khu TĐC chưa hoàn chỉnh, hạ tầng xã hội cũng phát triển chậm do phải chờ số lượng người dân nhất định vào ở mới có thể hình thành nên các khu TĐC không thu hút được người dân trong thời gian đầu. Đa số người dân đều gặp khó khăn về thu nhập so với trước khi nhiều người dân trong diện di dời đang mưu sinh bằng việc buôn bán nhỏ, lặt vặt, lao động phổ thông… với thu nhập thấp và không ổn định, nhất là người dân ở TP Thủ Đức, quận 4, quận 8. Nhận giá trị bồi thường hỗ trợ thấp, phải bù tiền chênh lệch và chuyển đến sống ở chung cư xa nơi ở mới nên người dân gặp rất nhiều khó khăn phải quay về nơi ở cũ để buôn bán, lao động kiếm sống.

HĐND thành phố cũng đã thẳng thắn nhìn nhận: Các chính sách bồi thường và hỗ trợ di dời mới chỉ dừng lại ở mức, bồi thường, hỗ trợ thiệt hại về đất đai, tài sản và hỗ trợ di dời chứ chưa tính đến các thiệt hại vật chất khác được tạo ra tại nơi ở cũ mà khi đến nơi ở mới không thể có được. Công tác hỗ trợ, chăm sóc người dân sau TĐC cũng chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là vấn đề phục hồi thu nhập. Việc quan tâm của chính quyền mới chỉ dừng lại ở những vấn đề cơ bản, chưa giải quyết được vấn đề căn cơ là thu nhập người dân sẽ như thế nào khi chuyển đến nơi ở mới. Tình trạng trên dẫn đến nghịch lý là Nhà nước bỏ số tiền rất lớn để tạo lập quỹ nhà, đất TĐC nhưng người dân thì lại đem bán suất TĐC.

Ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, UBND thành phố đã giao 5.228 căn hộ, nền đất cho các quận, huyện để bố trí TĐC cho 263 dự án đầu tư công có giải phóng mặt bằng; dành 1.448 căn hộ, nền đất dự phòng bố trí TĐC khi xảy ra tình trạng khẩn cấp như cháy nổ, chung cư hỏng năng, sạt lở bờ sông… còn lại 4.967 căn hộ và nền đất tiếp tục đưa ra đấu giá sau nhiều lần chào bán không thành công.

Cuối tháng 12 vừa qua, UBND quận 12 đã được ngân sách thành phố đầu tư hơn 300 tỷ đồng nhằm xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại khu TĐC tập trung có diện tích lên tới 38ha ở phường Tân Thới Nhất. Thực hiện khu TĐC này, quận 12 đã phải bồi thường, giải tỏa đối với 778 hộ dân. Với chính sách TĐC tại chỗ, các hộ dân đã đồng loạt bàn giao mặt bằng và đăng ký nhận nền đất TĐC.

Phần diện tích TĐC còn lại, địa phương này dự kiến dành để bố trí cho người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án trên địa bàn. Tuy nhiên, nếu tiếp tục xây dựng chung cư để bố trí TĐC bằng căn hộ, chính quyền địa phương cần khảo sát kỹ nhu cầu, thậm chí là đề nghị người dân cam kết nhận suất TĐC trước khi xây dựng nhằm tránh lặp lại tình trạng nhà, đất TĐC không có người nhận hoặc nhận để đem bán như đã xảy ra thời gian qua.

Bảo Sơn
.
.
.