Nới điều kiện tiếp cận nhà ở xã hội

Thứ Ba, 30/07/2024, 08:07

Người độc thân thu nhập không quá 15 triệu đồng/tháng, đã kết hôn thì thu nhập hai vợ chồng không quá 30 triệu đồng/tháng, cùng với đó nhiều thủ tục hành chính phức tạp cũng bị loại bỏ đối với người mua nhà ở xã hội.

Đây là một trong những điểm nổi bật của Nghị định số 100/2024 quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội vừa được Chính phủ ban hành. Theo đánh giá của các chuyên gia, việc nới điều kiện như vậy là phù hợp và tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận tốt hơn với chính sách nhà ở xã hội.

Điều kiện dễ hơn

Theo Nghị định 100/2024 quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội vừa được Chính phủ ban hành quy định rõ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. 2 điều chính để người dân có thể tiếp cận nhà ở xã hội mà người mua nhà phải đáp đứng là chưa có nhà ở và đảm bảo điều kiện về thu nhập.

hud_me_linh-1722301682719.jpg
Người dân sẽ dễ tiếp cận với nhà ở xã hội hơn khi các thủ tục hành chính rườm rà đã được lược bỏ. (Ảnh minh họa)

Theo quy định mới này, trường hợp chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình được xác định theo quy định và vợ hoặc chồng của đối tượng đó (nếu có) không có tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có dự án nhà ở xã hội đó tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký mua, thuê mua nhà ở xã hội. Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị xác nhận có tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, văn phòng/chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có dự án nhà ở xã hội đó thực hiện việc xác nhận đối với trường hợp quy định này. Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị xác nhận diện tích nhà ở bình quân đầu người, UBND cấp xã thực hiện việc xác nhận đối với trường hợp quy định này.

Đối với điều kiện về thu nhập, Nghị định quy định trường hợp người đứng đơn mua nhà ở xã hội là người độc thân thì thu nhập thực nhận không quá 15 triệu đồng/tháng tính theo bảng tiền công, tiền lương do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nơi đối tượng làm việc xác nhận. Thời gian xác định điều kiện về thu nhập trong 1 năm liền kề, tính từ thời điểm đối tượng quy định ở trên nộp hồ sơ hợp lệ cho chủ đầu tư để đăng ký mua, thuê mua nhà ở xã hội. Trường hợp người đứng đơn đã kết hôn theo quy định của pháp luật thì người đứng đơn và vợ (chồng) của người đó có tổng thu nhập hằng tháng thực nhận không quá 30 triệu đồng tính theo bảng tiền công, tiền lương do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nơi đối tượng làm việc xác nhận. Thời gian xác định điều kiện về thu nhập trong 1 năm liền kề, tính từ thời điểm đối tượng quy định trên nộp hồ sơ hợp lệ cho chủ đầu tư để đăng ký mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Theo quy định trước đây, để có thể làm hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội, người dân bắt buộc phải đáp ứng được thêm tiêu chí cư trú. Đây được coi như tiêu chí “đánh đố” người mua nhà bởi không ít người rất khó khăn trong việc xin xác nhận từ phía chính quyền địa phương. Nhưng với quy định mới này, tiêu chí cư trú đã được lược bỏ. Cùng với đó, điều kiện về thu nhập cũng đã được nới rộng từ thu nhập không quá 11 triệu đồng/tháng lên thành không quá 15 triệu đồng/tháng.

Điều chỉnh phù hợp thực tế

Nói về việc nâng tiêu chí thu nhập để được mua nhà ở xã hội, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng cho rằng, đây là thay đổi phù hợp và rất cần thiết. Bởi theo ông Phòng, không phải ai đóng thuế thu nhập cũng đủ điều kiện mua nhà trong bối cảnh giá nhà ở cao như hiện nay.

Theo ông Phòng, quy định hiện nay thì thu nhập trên 11 triệu đồng phải đóng thuế thu nhập. Thế nhưng thực tế những người những người có thu nhập khoảng 10 – 15 triệu đồng một tháng, với mức chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ như hiện nay, rồi phải nuôi con, thuê nhà thì không nhiều người có thể tiết kiệm được. Mà nhà ở thương mại thì giá dưới 3 tỷ đồng/căn hiện nay tìm còn khó, đến bao giờ những người này mới tiếp cận được.

“Do đó, không phải cứ đóng thuế thu nhập là cuộc sống không còn khó khăn. Những người đóng thuế thu nhập ở mức thấp cũng cần được mua nhà ở xã hội. Một căn nhà ở khoảng 1,5 tỷ đồng, đóng trước 20% giá trị (khoảng 300 triệu đồng), thời gian vay ngân hàng 1,2 tỷ đồng trong 20 năm với lãi suất là khoảng 8%, mỗi tháng người mua phải trả cả vốn lẫn lãi là khoảng 10 triệu đồng. Hai vợ chồng vừa nuôi con, vừa trả tiền mua nhà là phù hợp”, ông Phòng phân tích.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính, hiện nay giá nhà liên tục tăng, đa phần người dân hiện nay tiếp cận nhà ở còn khó khăn, chứ không nói đến những người có thu nhập thấp. Căn hộ thường thường bậc trung giờ cũng 4 – 5 tỷ, thu nhập tăng theo cấp số cộng, giá nhà lại tăng theo cấp số nhân thì bài toán nhà ở của người dân sẽ rất căng thẳng, rất khó cho đại đa số người dân đang có thu nhập trung bình, thấp hiện nay tạo lập được nhà ở.

Do đó, ông Đính cho rằng, nới lỏng một số điều kiện cho người mua nhà ở xã hội sẽ tạo thuận lợi hơn cho người có nhu cầu. Tuy nhiên, cần xem xét việc người mua nhà ở xã hội làm ở đâu, thu nhập thế nào thì mới được mua để thuận lợi trong việc trả nợ.

“Việc nhanh chóng ban hành các quy định hướng dẫn thi hành luật và có những điều chỉnh phù hợp với thực tế cho thấy sự vào cuộc mạnh mẽ từ Chính phủ và các cơ quan hữu quan trong việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và giải bài toán nhà ở cho người dân. Tuy nhiên, tôi cho rằng vấn đề cốt lõi với nhà ở xã hội bây giờ vẫn còn về quỹ đất và pháp lý. Đây là gốc rễ của vấn đề. Vì vậy, Nhà nước cần sớm tạo quỹ đất để thu hút doanh nghiệp tham gia đấu giá làm nhà ở xã hội. Khi nguồn cung nhà ở xã hội tăng lên, sẽ gia tăng cơ hội cho người thu nhập thấp mua được nhà”, ông Đính nói.

Phan Hoạt
.
.
.