Nhiều kỳ vọng khi nhà ở xã hội được “mở cửa”

Thứ Ba, 21/02/2023, 08:05

Nhà ở thương mại có mức giá 25 - 30 triệu đồng/m2 thời gian qua đã trở thành "của hiếm", trong khi đó nhà ở xã hội có nguồn cung quá ít, dẫn đến cơ hội sở hữu nhà ở của đại đa số người dân có thu nhập trung bình, thấp càng xa vời.

Vì thế, thông tin Bộ Xây dựng đang đề xuất Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110 nghìn tỉ đồng để dành cho nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân (giống gói 30 nghìn tỉ đồng trước đây) rất được chờ đợi. "Cánh cửa" tín dụng đối với phân khúc này được mở ra sẽ là niềm vui đối với hàng triệu người có thu nhập thấp.

1.jpg -0
Nguồn cung nhà ở xã hội hiện nay mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của người dân. Ảnh: CTV.

Mong gói tín dụng sớm được triển khai

Gần 10 năm sinh sống và làm việc tại Hà Nội, câu chuyện để sở hữu được một căn nhà làm chốn an cư với vợ chồng anh Đoàn Mạnh Quân (quê ở Kim Sơn, Ninh Bình) vẫn chỉ là mơ ước. Hai vợ chồng cùng làm nhân viên văn phòng, trang trải đủ tiền thuê nhà, và lo toan sinh hoạt gia đình, con nhỏ đi học, mỗi tháng nhu nhập không dư dả được bao nhiêu.

"Mỗi tháng tiền thuê nhà, điện nước cũng ngót nghét gần 6 triệu đồng, nhưng để có thể mua được nhà thì không đủ điều kiện. Năm 2019, vợ chồng tôi có dành dụm được chút tiền, định bụng sẽ vay thêm ngân hàng để tìm mua một căn nhà ở xã hội khu vực Hoài Đức. Nhưng khi ra tìm hiểu thì giá nhà ở xã hội ở khu này cũng lên đến hơn 19 triệu đồng/m2. Một căn hộ khoảng 60m2 cũng có mức giá khoảng 1,2 tỷ đồng. Quá sức nên vợ chồng đành chấp nhận cứ đi ở thuê rồi tính sau. Thời gian qua, giá nhà ngày càng tăng cao, để có thể mua được nhà càng khó hơn gấp bội", anh Quân chia sẻ.

Nếu Nhà nước triển khai gói tín dụng khoảng 110 nghìn tỷ đồng cho nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân như gói 30 nghìn tỷ trước đây, vợ chồng anh sẽ phải cân nhắc. Anh Quân lý giải, nếu người mua nhà ở xã hội được vay vốn ưu đãi với lãi suất cố định khoảng 4,5%/năm, thời gian vay khoảng 15 năm sẽ phù hợp với khả năng chi trả của đa phần người người lao động hiện nay.

Mong gói tín dụng này sẽ sớm được thông qua và triển khai cũng là chia sẻ của anh Nguyễn Hữu Tuấn (quê ở Triệu Sơn, Thanh Hóa). Anh Tuấn cho biết, vợ chồng anh cũng đã sinh sống và làm việc ở Hà Nội hơn 7 năm nay. Tuy nhiên để có thể mua được một căn nhà làm nơi sinh sống ổn định đối với anh hiện đang rất gian nan.

"Nhà ở xã hội thời gian qua nguồn cung quá ít. Vợ chồng tôi cũng đã từng nộp hồ sơ để đăng ký mua nhà ở xã hội tại một dự án ở Hà Đông, nhưng thiếu điểm nên bị trượt. Giá nhà hiện nay thì quá cao, lãi suất ngân hàng cũng thế nên vợ chồng tôi chưa dám nghĩ đến việc mua nhà. Tuy nhiên, nếu Nhà nước triển khai gói 110 nghìn tỷ cho nhà ở xã hội thì những người như chúng tôi sẽ dám nghĩ đến việc sở hữu nhà. Lãi suất ưu đãi, thời gian vay dài phù hợp với khả năng chi trả, doanh nghiệp cũng được vay ưu đãi để xây nhà ở xã hội sẽ có thêm nhiều nguồn cung để người dân lựa chọn như thời điểm triển khai gói 30 nghìn tỷ. Chúng tôi mong gói tín dụng này sẽ sớm được thông qua và triển khai", anh Tuấn cho hay.

Gói tín dụng cần thiết trong bối cảnh hiện nay

Dự kiến khoảng 50% (55 nghìn tỉ đồng) dành cho chủ đầu tư vay ưu đãi, 50% còn lại sẽ dành cho người mua và thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vay. Đây là những thông tin ban đầu về gói tín dụng này và sẽ được quyết định trong thời gian tới. Ở góc độ của doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Cây - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Contrexim-HOD cho rằng, đây là tín hiệu mừng cho cả doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội và người mua nhà trong thời gian tới. Với gói tín dụng 110 nghìn tỷ đồng sẽ tháo gỡ được rất nhiều khó khăn để phát triển phân khúc nhà ở đang rất "nóng" này.

"Gói tín dụng này được triển khai thì rất có lợi và cũng sẽ là cơ hội cho nhiều người có cơ hội tiếp cận nhà ở bởi nếu vay mua nhà với lãi suất ngân hàng tăng cao hiện nay thì sẽ thực sự khó khăn cho người mua. Không chỉ người mua nhà mà ngay cả các doanh nghiệp tham gia cũng được hưởng lợi bởi 50% giá trị gói tín dụng là dành cho doanh nghiệp. Người mua được vay vốn ưu đãi, thanh khoản sẽ tốt hơn và doanh nghiệp cũng sẽ nhanh bán được hàng, thu hồi vốn. Hy vọng, gói tín dụng này sẽ sớm được thông và triển khai với thủ tục dễ tiếp cận cho cả người dân và doanh nghiệp", ông Cây nói.

Trong khi đó, đặt trong bối cảnh thị trường bất động sản đang "nguy kịch" như hiện nay, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, những thông tin này mang lại sinh khí và hy vọng cho thị trường bất động sản. Theo ông Đính, hệ lụy của thị trường bất động sản trầm lắng như hiện nay đang ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều ngành khác như lao động việc làm, sản xuất vật liệu xây dựng. Khi gói tín dụng được triển khai, vừa tạo động lực cho thị trường bất động sản tích cực, vừa thúc đẩy an sinh xã hội, đồng thời giúp nhiều người có cơ hội tiếp cận nhà ở.

"Chúng ta có thể thấy, giai đoạn năm 2012, thị trường bất động sản cũng đứng trước rất nhiều khó khăn, có thể nói là "đóng băng". Nhưng lúc đó Nhà nước đã triển khai gói 30 nghìn tỉ đồng hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội và đã có nhiều tác động tích cực. Không ít doanh nghiệp đã xin chuyển hướng đầu tư từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Phân khúc nhà ở xã hội "ấm" lên, từ đó lan tỏa ra các phân khúc khác và cả nền kinh tế", ông Đính dẫn chứng.

 Cũng nhận định gói tín dụng này sẽ tác động rất lớn đến thị trường bất động sản và nền kinh tế nhưng ông Vũ Quang Nam, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn đầu tư xây dựng Nam Thanh cho rằng, song song với việc triển khai gói tín dụng thì cũng cần gỡ khó các vấn đề về chính sách và pháp lý.

"Thời gian để một dự án hoàn thành thủ tục đầu tư hiện nay không ngắn. Nếu được bơm vốn nhưng dự án chưa triển khai được thì doanh nghiệp cũng không vay được, mà người dân cũng không vay được vì đã có sản phẩm đâu. Cho nên để triển khai gói tín dụng này có hiệu quả thì các cơ quan chức năng cũng cần nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn về pháp lý cho doanh nghiệp. Từ đó mới tạo được động lực để doanh nghiệp tham gia phát triển phân khúc nhà ở này, mới có sản phẩm đưa vào thị trường để người dân tiếp cận", ông Nam cho hay.

Phan Hoạt
.
.
.