Nhà đầu tư “lướt sóng” kiếm vài trăm tỷ đồng
Kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2021 về việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Khu đất làm dự án bất động sản trên đường Bến Vân Đồn, quận 4 với diện tích 6.202m2 là đất có nguồn gốc thuộc sở hữu Nhà nước.
Khu đất này do 2 đơn vị là Tổng Công ty TNHH MTV Tổng Công ty cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su quản lý. Tháng 12/2009, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho Công ty TNHH Phú Việt Tín, địa chỉ trụ sở ngay tại khu đất này để làm dự án nhà ở.
Ngay sau giao đất, 2 công ty này đã góp một chút vốn rất nhỏ, chỉ có ý nghĩa tượng trưng, tổng cộng 6 triệu đồng, trong đó, Công ty TNHH MTV Tổng Công ty cao su Đồng Nai góp 4,32 triệu đồng, chiếm 72% vốn điều lệ và Công ty cao su Bà Rịa góp 1,68 triệu đồng, chiếm 28%. Tháng 3/2010, UBND thành phố đã có quyết định thu hồi và giao khu đất trên cho Công ty TNHH Phú Việt Tín đầu tư, kinh doanh theo quy hoạch.
Tuy vậy, kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ xác định, Công ty TNHH Phú Việt Tín không lập dự án đầu tư là vi phạm quy định của Chính phủ. Việc UBND thành phố ra quyết định thu hồi, giao đất và chỉ định cho Công ty TNHH Phú Việt Tín là pháp nhân mới làm nhà đầu tư thực hiện dự án mà không thông qua đấu giá là không đúng quy định của Luật Đất đai 2003 và Thông tư số 03/2009 hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư thực hiện đầu tư dự án có sử dụng đất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Ngày 25/3/2021 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng đã có ý kiến chỉ đạo yêu cầu Thanh tra Chính phủ bổ sung một số nội dung liên quan như: Phương án sắp xếp xử lý nhà, đất; việc đầu tư dự án của Công ty TNHH Phú Việt Tín; việc sáp nhập Công ty Phú Việt Tín vào doanh nghiệp khác...
Tuy nhiên, theo phản hồi của các sở, ngành thuộc UBND thành phố thì vị trí đất này đã được chuyển đổi chủ sử dụng nhiều lần, chuyển nhượng cổ phần từ các Công ty Cao su Đồng Nai và Bà Rịa cho một số doanh nghiệp khác qua thời gian dài.
Trong khi đó vì điều kiện về thời gian và phạm vi theo kế hoạch tiến hành thanh tra nên Đoàn thanh tra chưa tiến hành kiểm tra chi tiết các nội dung này. Theo Thanh tra Chính phủ, vị trí nhà đất trên là tài sản công nên việc giải quyết phải được thực hiện theo phương án săp xếp, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước đã được phê duyệt.
Vì vậy, Thanh tra Chinh phủ đề nghị Bộ Tài chính tiến hành kiểm tra, có biện pháp xử lý theo đúng pháp luật. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện dấu hiệu hình sự gây thiệt hại tài sản Nhà nước thì chuyển hồ sơ, tài liệu đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật, không để thất thoát tài sản của Nhà nước.
Ngay sau khi Thanh tra Chính phủ có kết luận, Bộ Tài chính cũng đã vào cuộc kiểm tra về công tác quản lý Nhà nước đối với việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP Hồ Chí Minh.
Báo cáo về việc thực hiện Kết luận của Thanh tra Chính phủ với UBND TP Hồ Chí Minh năm 2022, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) khẳng định, nhà đất nêu trên thuộc tài sản công, bản chất của việc cho phép Công ty TNHH Phú Việt Tín được đầu tư dự án là Nhà nước cho phép doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) được tiếp tục sử dụng đất theo quy hoạch được duyệt mà không phải là việc giao đất cho đối tượng khác không thông qua đấu giá, nhất là khi Công ty TNHH Phú Việt Tín có chức năng kinh doanh bất động sản.
Trong khi đến nay quan điểm xử lý đối với khu đất công này vẫn còn có ý kiến khác, thì ngay từ năm 2015, khi giải trình với Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh về việc chậm công bố thông tin các nghị quyết HĐQT liên quan đến nội dung nhận, chuyển nhượng dự án…
Công ty CP Quốc Cường Gia Lai đã cho biết việc thu được khoản lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng từ doanh nghiệp làm chủ khu đất công có dự án trên. Cụ thể, ngày 14/8/2014, HĐQT Công ty CP Quốc Cường Gia Lai đã ra quyết định cử bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc làm đại diện phần vốn góp lên đến 5,94 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 99% vốn của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai tại Công ty TNHH Phú Việt Tín.
Rất nhanh chóng, ngày 10/9/2014, HĐQT Công ty CP Quốc Cường Gia Lai đã ra quyết định nhận chuyển nhượng nốt 0,72% phần vốn góp, tương đương 43,2 triệu đồng từ Công ty TNHH MTV Tổng Công ty cao su Đồng Nai. Nhận chuyển nhượng 0,28% phần vốn góp, tương đương với 16,8 triệu đồng từ Công ty TNHH MTV cao su Bà Rịa.
Chưa đầy 1 tháng sau khi quyết định sở hữu gần như toàn bộ Công ty TNHH Phú Việt Tín, ngày 3/9/2014 HĐQT Công ty CP Quốc Cường Gia Lai đã ra quyết định chuyển nhượng 30 triệu đồng vốn góp, tương đương với 0,5% vốn điều lệ trong Công ty TNHH Phú Việt Tín cho một cá nhân là bà Lại Thị Hoàng Yến với tổng giá trị chuyển nhượng lên đến 3 tỷ đồng. Hơn 2 tháng sau, ngày 14/11/2014, HĐQT Công ty CP Quốc Cường Gia Lai tiếp tục ra quyết định chuyển nhượng 94% phần vốn góp của minh trong Công ty TNHH Phú Việt Tín cho 2 công ty khác.
Cụ thể, chuyển nhượng cho Công ty CP bất động sản Thịnh Vượng 76 tỷ đồng phần vốn góp, tương đương với 40% vốn điều lệ Công ty TNHH Phú Việt Tín với giá trị chuyển nhượng lên đến hơn 340 tỷ đồng. Chuyển nhượng cho Công ty CP biệt thự Thành phố 102,6 tỷ đồng phần vốn góp, tương đương với 54% vốn điều lệ Công ty TNHH Phú Việt Tín với giá chuyển nhượng hơn 459 tỷ đồng.
Như vậy, tận dụng triệt để tình trạng 2 DNNN dù được giao làm dự án bất động sản nhưng chỉ góp vốn rất ít, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai đã bỏ tiền thôn tính toàn bộ vốn điều lệ tại Công ty TNHH Phú Việt Tín.
Sau đó nhanh chóng sang bán lại cho các doanh nghiệp và cá nhân khác để kiếm lợi hàng trăm tỷ đồng. Phi vụ làm ăn “một vốn bốn mươi lời” này khiến dư luận, người dân đặt vấn đề: Vì sao Công ty TNHH Phú Việt Tín không có thực lực vẫn được giao đất để làm dự án tòa nhà thương mại dịch vụ và căn hộ?
Việc 2 DNNN bán phần vốn sở hữu dù ít ỏi trong Công ty TNHH Phú Việt Tín cho tư nhân, nhưng giá trị rất lớn nằm ở khu đất mà không đưa ra đấu giá thì có hợp pháp hay không? Công ty CP Quốc Cường Gia Lai kê khai, nộp thuế như thế nào với số lợi nhuận kếch xù từ phi vụ “lướt sóng” cổ phần trên… là những nội dung đang cần được làm rõ.