Mong mỏi đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ
5 chung cư cũ gồm: G6A, G6B, G22, G23, G24 tại khu tập thể Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) sẽ được xây mới là thông tin đáng mừng với hộ dân đang sinh sống tại các khu nhà này.
Đồng thời, đây cũng là thông tin được rất nhiều gia đình hiện đang sinh sống tại hơn 1.500 chung cư cũ xuống cấp trên địa bàn Hà Nội mong đợi bởi điều này cho thấy quyết tâm của thành phố trong việc cải tạo các chung cư cũ. Theo kế hoạch cải tạo chung cư cũ của TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025, tập thể Thành Công là một trong 10 khu chung cư cũ được cải tạo trong đợt đầu tiên.
Mong muốn quy hoạch đồng bộ
Thực tế tại 5 khu nhà chung cư cũ được xây mới này, khu nhà G6A gồm 3 khối nhà 5 tầng được đánh giá là xuống cấp nghiêm trọng nhất. Trong đó, hai khối 1 và 2 được đánh giá mức độ nguy hiểm cấp D, khối 3 cấp C. Từ năm 2016, tòa G6A khu tập thể Thành Công đã được cơ quan kiểm định công bố là nhà nguy hiểm cấp độ D, phải di dân để phá dỡ, xây dựng lại. Tại 2 khối nhà nguy hiểm cấp độ D, UBND phường Thành Công đã vận động di dời và quây tôn cảnh báo. Còn tại khối nhà 3, người dân vẫn sinh sống ổn định.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Minh Tâm (khu nhà G6A, Tổ trưởng Tổ dân phố 22, phường Thành Công) cho biết, ngày 6/3 vừa qua, UBND quận Ba Đình đã tổ chức họp lấy ý kiến của các hộ dân tại đây về phương án xây dựng lại 5 khu chung cư cũ này. 5 khu nhà cũ sẽ được phá dỡ để xây dựng lại thành 3 toà nhà 24 tầng. Toà nhà được xây mới tại vị trí khu nhà G6A và G6B hiện nay sẽ là toà nhà tái định cư cho 218 hộ dân. 2 toà nhà xây mới còn lại sẽ được dùng để kinh doanh thương mại.
“Theo công bố của UBND quận Ba Đình thì sau khi lấy ý kiến đồng thuận của người dân sẽ tiến hành lựa chọn các nhà đầu tư. Thuận lợi thì có thể trong năm 2024 sẽ hoàn thành việc kêu gọi đầu tư. Sau đó mới họp bàn đến việc đền bù thế nào, hệ số ra làm sao”, bà Tâm cho biết.
Theo trao đổi của bà Tâm, tại cuộc họp lấy ý kiến người dân của UBND quận Ba Đình, đa số ý kiến của các hộ đều mong muốn và đồng tình với việc cải tạo lại để có nơi ở mới sạch sẽ, đàng hoàng hơn. Bản thân bà và đa số người dân đều mong muốn chính quyền sẽ quyết liệt triển khai các phương án và đẩy mạnh tiến độ cải tạo. Nhưng cùng với đó, vẫn còn có những ý kiến ngần ngại. Lý do bởi họ đang làm ăn, buôn bán yên ổn. Ý kiến khác thì lo lắng khi xây dựng lại chất lượng công trình sẽ không được như mong muốn bởi thực tế thời gian qua không ít nhà tái định cư xuống cấp. Cùng với đó, hạ tầng không được mở rộng sẽ khiến người dân ngột ngạt hơn.
“Do đó, mong muốn của người dân là khi cải tạo lại thì phải đồng bộ cả khu. Cơ sở hạ tầng phải đáp ứng được quy hoạch mới. Xây dựng lại để có nơi ở mới đẹp hơn tất nhiên là ai cũng mong muốn, nhưng cư dân cũng mong chính quyền giải quyết bài toán quy hoạch thế nào để phù hợp, tránh tình trạng manh mún. Nếu cải tạo mà chỉ chú trọng mỗi việc xây nhà, không quan tâm đến cơ sở hạ tầng thì không hợp lý”, bà Tâm cho hay.
Theo UBND quận Ba Đình, hiện chính quyền đã tổ chức lấy ý kiến dân cư về phương án cải tạo lại 5 khu chung cư cũ này. Trong đó, quận đã đưa ra phương án tổng mặt bằng tỉ lệ 1/500 và phương án kiến trúc cải tạo sơ bộ. Dự kiến, 218 hộ dân sẽ được tái định cư tại chỗ ở vị trí nhà G6A, G6B hiện nay với hệ số đền bù K=2 (nhà có diện tích 40m2 sẽ được tái định cư căn hộ rộng khoảng 80m2). Do toà nhà G6A xuống cấp nguy hiểm cấp độ D nên khi khởi công đầu tư xây dựng sẽ xây tòa chung cư tại vị trí nhà G6A, G6B trước. Toàn bộ hộ dân ở nhà G22, G23, G24 sẽ được tạm cư tại chỗ, chờ đến khi nào tòa nhà xây xong thì dọn về. 2 tòa thương mại được đề xuất xây tại khu đất vị trí nhà G22, G23, G24 hiện tại. Để tránh quá tải dân số, 2 toà nhà thương mại này sẽ được dùng để kinh doanh thương mại và không bố trí nhà ở.
Không tạo thêm áp lực dân số
Theo số liệu từ Sở Xây dựng Hà Nội, hiện Thành phố có khoảng 1.516 chung cư cũ với qui mô từ 2 đến 5 tầng, cơ bản được xây dựng từ năm 1960 đến năm 1990, đến nay đã xuống cấp về chất lượng công trình cũng như quá tải về hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, cần phải được cải tạo, xây dựng lại. Các chung cư này tập trung chủ yếu ở các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm (là khu vực hạn chế phát triển theo quy hoạch chung đã được phê duyệt) và một số khu tại Hoàng Mai, Thanh Xuân... hầu hết đã được bán lại cho người dân theo Nghị định 61/CP.
Theo kế hoạch của TP Hà Nội, năm 2022 – 2023 tập trung cao độ để hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt đồng bộ quy hoạch chi tiết toàn bộ các khu, nhóm, chung cư cũ độc lập, riêng lẻ. Việc này nhằm làm cơ sở lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng và lựa chọn chủ đầu tư xây dựng, cải tạo lại chung cư cũ. Tuy nhiên thực tế, các mốc tiến độ này đã “vỡ kế hoạch” không có khu nhà chung cư cũ nào được phê duyệt quy hoạch chi tiết.
Liên quan đến công tác cải tạo chung cư cũ, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện nay, công tác kiểm định nhà chung cư cũ đã xem xét thông qua 53 kết quả kiểm định. Trong thời gian tới, dự kiến sẽ có 126 kết quả kiểm định được thành phố thông qua.
“Đây là vấn đề được UBND TP Hà Nội rất quan tâm và chỉ đạo sát sao. Việc xác định hệ số K và tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư là 2 nội dung rất quan trọng trong quá trình thực hiện đề án cải tạo chung cư cũ của TP Hà Nội. Do đó, TP Hà Nội đang chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, các quận, huyện đẩy nhanh công tác quy hoạch để có cơ sở xác định hệ số K, lựa chọn chủ đầu tư…”, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh cho hay.
Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam thì cải tạo chung cư cũ là vấn đề đã được TP Hà Nội đặt ra hơn 20 năm qua. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà kết quả đến nay vẫn còn thấp. TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, thực trạng ì ạch trong công tác cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội đang đặt ra yêu cầu bức thiết cần sớm có những cơ chế chính sách đột phá, đặc biệt là về quy hoạch.
“Hoàn thành việc lập quy hoạch chi tiết là một trong những điều kiện tiên quyết, tạo cơ sở quan trọng cho việc đẩy nhanh tiến độ dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ. Tuy nhiên, trên thực tế, phần việc này đang triển khai chậm so với kế hoạch đề ra. TP Hà Nội cần chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch với tinh thần quy hoạch tái thiết đồng bộ cả khu chung cư cũ chứ không “xé lẻ” quy hoạch từng cụm nhà. Các quy hoạch này cũng phải thống nhất với quy hoạch chung theo nguyên tắc giảm mật độ xây dựng, tăng tầng cao công trình. Đặc biệt không làm gia tăng dân số để gây áp lực lên hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật của khu vực. Quỹ đất dư dôi thì sẽ làm trường học, cây xanh và các công trình dịch vụ công cộng”, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm góp ý.