Hiện thực hóa mục tiêu “đại đô thị” cho TP Hồ Chí Minh
47 năm sau Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cùng với sự phát triển nhanh về quy mô kinh tế - xã hội, thì không gian đô thị của TP Hồ Chí Minh cũng không ngừng được mở rộng. Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu đã trở thành một “đại đô thị” của cả nước và đang dần vươn tầm quốc tế.
Vóc dáng “đại đô thị” TP Hồ Chí Minh tiếp tục có sự phát triển vượt bậc về quy mô khi những ngày tháng 4 này, chính quyền và nhân dân Thành phố đang khẩn trương xúc tiến việc triển khai xây dựng đề án đầu tư - xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố trực thuộc TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2021-2030.
Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, đây là tiền đề, cơ sở để chuyển các huyện ngoại thành vốn đang trong quá trình đô thị hóa nhanh ở cửa ngõ Thành phố chính thức trở thành đô thị. Việc chuyển các huyện vùng ven lên quận cũng nhằm cụ thể hóa chương trình đột phá đổi mới trong quản lý Thành phố đã được Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.
Sau 47 năm với sự phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội, TP Hồ Chí Minh chỉ còn 5 huyện ngoại thành, gồm Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi và Cần Giờ. Các huyện này đều có vị trí đắc địa là nằm ở các vị trí cửa ngõ Thành phố, kết nối các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ. Cùng với tốc độ phát triển chung của Thành phố đầu tàu, những năm qua các huyện ngoại thành của TP Hồ Chí Minh có tốc độ đô thị hóa rất nhanh, nhiều khu đô thị, hạ tầng, tuyến cao tốc đã và đang hình thành.
Trình độ dân trí, lối sống đô thị ở 5 huyện ngoại thành cũng không khác nhiều so với các quận nội thành. Đối chiếu với các quy định hiện nay của Trung ương về đô thị như dân số, diện tích, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng đô thị... huyện Bình Chánh đã đạt 26/30 tiêu chí; Nhà Bè và Củ Chi đạt 23/30 tiêu chí; Hóc Môn đạt 22/30 tiêu chí và huyện đảo Cần Giờ cũng đã đạt 19/30 tiêu chí. Thực hiện kế hoạch chuyển các huyện thành quận, TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục rà soát, đánh giá lại các tiêu chuẩn của huyện, xã, thị trấn theo quy định về phân loại đô thị, tiêu chuẩn về đơn vị hành chính để tập trung nguồn lực đầu tư phát triển đô thị đạt chuẩn của quận hoặc thành phố và phường trực thuộc.
Các huyện sẽ căn cứ nội dung đề án để tổ chức triển khai thực hiện, bảo đảm phù hợp với đặc điểm, điều kiện và đặc thù của địa phương mình. Để hỗ trợ các huyện trong quá trình chuyển đổi thành quận, TP Hồ Chí Minh sẽ ưu tiên bố trí ngân sách để lập, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch: phân khu đô thị, phát triển hạ tầng, khu đô thị mới.
Ngoài ra, Thành phố cũng tạo cơ chế để huy động nguồn lực từ người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch, khu thương mại... trong đó sẽ đưa ra đấu giá đất tại các đô thị mới để tạo vốn phát triển hạ tầng của các huyện. TP Hồ Chí Minh cũng sẽ có kế hoạch đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút nhân tài đáp ứng yêu cầu của phát triển, nâng cao trình độ dân trí, khoa học - công nghệ, văn minh đô thị; năng lực tổ chức vận hành bộ máy, quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực cho các huyện.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh nhận định, theo xu thế đô thị hóa của các huyện ngoại thành, những năm tới hàng chục nghìn ha đất nông nghiệp tại các địa phương này cũng sẽ dần được chuyển thành đất công nghiệp dịch vụ hoặc nông nghiệp công nghệ cao.
Trong đó, huyện Củ Chi với diện tích 43.000ha, đang có khoảng 14.000ha đất nông nghiệp và trong 5 năm tới, huyện này chỉ còn 4% số hộ dân làm nông nghiệp. Huyện Hóc Môn với diện tích đất nông nghiệp chiếm 21% diện tích tự nhiên, thì trong 5 năm sắp tới số hộ dân làm nông nghiệp giảm chỉ còn 0,6%. Huyện Bình Chánh dù còn đến 7.900ha đất nông nghiệp, nhưng đến năm 2025, địa phương này chỉ còn 0,4% số hộ dân sống bằng nghề nông. Huyện Nhà Bè hiện diện tích đất nông nghiệp còn ít hơn, nhưng số hộ sản xuất nông nghiệp cũng sẽ giảm mạnh. Xu hướng đô thị hóa tại 5 huyện ngoại thành cũng tiếp tục tăng nhanh khi trước đó Chính phủ đã cho phép TP Hồ Chí Minh chuyển đổi 26.000ha đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị và nhà ở.
Tuy nhiên, góp ý về vấn đề đô thị hóa của Thành phố, TS- KTS Võ Kim Cương, chuyên gia vế quy hoạch đô thị đã lưu ý, chuyển các huyện lên quận không có nghĩa toàn bộ diện tích của TP Hồ Chí Minh sẽ là đất đô thị, được bê tông hóa, mà đô thị sẽ được quy hoạch theo hướng bảo đảm môi trường sống và nhu cầu sinh thái cho người dân.
Hiện thực hóa mục tiêu “đại đô thị” cho TP Hồ Chí Minh, những ngày tháng Tư lịch sử này, chính quyền Thành phố đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện Củ Chi và Hóc Môn. Theo đó, đã có 55 dự án với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 285.000 tỉ đồng thuộc các lĩnh vực như hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị, công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ và văn hóa - thể thao… được đưa ra để mời gọi đầu tư. Trong đó riêng lĩnh vực hạ tầng giao thông - kỹ thuật đã chiếm tới 18 dự án.
Qua đó, nhiều dự án đã được doanh nghiệp quan tâm, cam kết đầu tư. Sự thành công của hội nghị xúc tiến đầu tư vào các huyện phía Tây Thành phố đánh dấu việc mở rộng hơn nữa không gian phát triển kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh, giúp nâng cao đời sống của người dân địa phương và tạo đà để các huyện này nhanh chóng đảm bảo đủ tiêu chí của một quận nội thành. Kết quả này cũng sẽ là động lực để TP Hồ Chí Minh tiếp tục mời gọi đầu tư phát triển hạ tầng và kinh tế - xã hội cho các huyện còn lại.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, xây dựng Trung tâm Tài chính của khu vực và quốc tế tại Thành phố là mong muốn của nhiều thế hệ lãnh đạo Thành phố những năm qua. Việc này không chỉ được nhiều chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế ủng hộ, mà Trung ương cũng đã thống nhất đưa vào Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Năm 2021 vừa qua, chính quyền Thành phố đã triển khai công tác chuẩn bị như: Thành lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc để xây dựng đề án; mời đơn vị tư vấn nghiên cứu bước đầu về mô hình, cơ chế hoạt động của Trung tâm này.
Xây dựng Trung tâm Tài chính của khu vực và quốc tế tại Thành phố là mong muốn của nhiều thế hệ lãnh đạo Thành phố những năm qua. Việc này không chỉ được nhiều chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế ủng hộ, mà Trung ương cũng đã thống nhất đưa vào Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi.