Giải quyết nhà ở cho người thu nhập thấp: Khó càng thêm khó

Thứ Tư, 27/10/2021, 09:35

Giá nhà tăng càng làm tăng khó khăn về giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng có thu nhập thấp. Đây là nhận định của Bộ Xây dựng trong báo cáo triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 vừa được công bố ngày 26/10.

Để bảo đảm an sinh xã hội, Bộ Xây dựng cho biết, đã báo cáo Chính phủ về việc bố trí nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện các dự án nhà ở xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Hàng ế, giá vẫn tăng

Theo báo cáo thị trường bất động sản quý III/2021 với cập nhật cụ thể tại địa bàn Hà Nội của Savills Việt Nam thì lượng giao dịch giảm một nửa so với quý trước đó, nhưng nghịch lý là giá thì vẫn đều đặn tăng.

Theo Savills Việt Nam, do ảnh hưởng của COVID-19 nghiêm trọng, cộng với việc giãn cách toàn TP Hà Nội trong vòng hai tháng cho nên trong quý III/2021, số lượng căn bán được khoảng 2.400 giảm (50% theo quý). Nguồn cầu thấp, tuy nhiên nhờ chất lượng dự án được cải thiện, cơ sở hạ tầng nâng cấp và giá thép tăng gần đây đã dẫn đến giá bán căn hộ tăng. Các căn hộ có giá trên 1.500 USD/m2 chiếm 66% nguồn cung mới của thành phố, tăng 32% theo năm.

Theo báo cáo, tính đến hết tháng 9, nhu cầu cho các sản phẩm có giá từ 1.500 USD/m2 đến 2.000 USD/m2 tăng và chiếm 50% số lượng căn bán được. Hầu hết các dự án nằm ở Từ Liêm, Cầu Giấy, Long Biên và Gia Lâm. Các quận Hai Bà Trưng, Ba Đình và Cầu Giấy, tập trung chủ yếu các dự án Hạng A, có giá chào bán cao nhất trên 3.000 USD/m2. Theo sau là quận Đống Đa và Tây Hồ với mức giá biến động từ 2.000 USD/m2 đến 3.000 USD/m2 .

Trong khi đó, Bộ Xây dựng cũng khẳng định, trong quý III/2021, nhiều địa phương thực hiện giãn cách nên giao dịch bất động sản thành công hầu như không đáng kể. Tuy nhiên, giá căn hộ chung cư (bình dân, trung cấp, cao cấp) đều vẫn giữ giá hoặc vẫn tăng nhẹ (khoảng 1% - 2%).

Lý giải việc giá bất động sản vẫn tăng bất chấp những ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, Bộ Xây dựng cho rằng, ngay từ đầu năm, do gặp khó khăn trong hầu hết các hoạt động, lĩnh vực đầu tư, kinh doanh khác, các nhà đầu tư và kể cả người dân xem bất động sản như một kênh đầu tư an toàn, có thể bảo toàn nguồn vốn trong dài hạn. Nguồn vốn dịch chuyển vào đầu tư nhà, đất cùng với tác động của nhiều yếu tố khác đã tạo nên các cơn sốt đất nền cục bộ, nhưng xuất hiện ở nhiều địa phương trên cả nước. Đỉnh điểm giá đất nền tại một số khu vực, địa phương tăng 30% – 50% so với thời điểm cuối năm 2020.

“Cùng với sự khó khăn, thậm chí đứt gãy trong sản xuất, cung ứng giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào của các dự án bất động sản tăng, đặc biệt là các sản phẩm phải nhập khẩu. Có thời điểm, giá sắt thép đã tăng xấp xỉ 30% - 40% so với cuối năm 2020, vật liệu xây dựng khác, như: xi măng, cát, gạch... cũng tăng, từ đó, làm tăng giá thuế của hầu hết các loại hình, phân khúc bất động sản. Từ đầu năm, giá bán nhà ở các phân khúc bình dân, trung cấp, cao cấp đều có xu hướng tăng, càng làm tăng khó khăn về giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng có thu nhập thấp”, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS cho hay.

Sớm tháo gỡ khó khăn cho nhà ở xã hội

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến nay trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng hơn 142.000 căn, với tổng diện tích hơn 7.100.000m2; đang tiếp tục triển khai 278 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 276.000 căn, với tổng diện tích khoảng 13.800.000m2. Trong giai đoạn từ đầu năm 2021 đến nay chưa có dự án nhà ở xã hội nào được hoàn thành bàn giao do ảnh hưởng chung của dịch COVID-19 nên hầu hết các dự án bị chậm tiến độ. Tuy vậy, Bộ Xây dựng cho rằng, với số lượng dự án nhà ở xã hội đã xây dựng mới chỉ đạt được khoảng 41,4% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Thực tế, nhu cầu nhà ở xã hội cũng như loại hình nhà ở giá rẻ thu hút được rất nhiều người dân. Thậm chí, nhu cầu của người mua rất nhiều nhưng nguồn cung ra thị trường thì không đủ đáp ứng. Tại một số dự án nhà ở xã hội trên địa bàn Hà Nội cho thấy nhu cầu ở của người dân loại hình này là rất cao, khi đưa vào khai thác, sử dụng thì người dân về ở rất nhanh. Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội hiện nay vẫn quá chậm, nguyên nhân được Bộ Xây dựng xác định là do nguồn vốn tín dụng dành để cấp bù lãi suất cho các chủ đầu tư dự án và các đối tượng được ưu đãi vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội vẫn còn thiếu. Đi cùng với đó là trách nhiệm của các địa phương khi chưa quan tâm chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, đặc biệt là kế hoạch phát triển nhà ở xã hội.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, để giải quyết khó khăn, triển khai nhanh các dự án nhà ở xã hội đảm bảo an sinh xã hội, Bộ Xây dựng đã đề nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa danh mục phát triển nhà ở xã hội vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025. Đồng thời, sớm bố trí nguồn vốn 3.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội theo Nghị quyết 41/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ.

“Bộ Xây dựng cũng đã kiến nghị bổ sung gói tín dụng khoảng 30.000 tỷ đồng theo hình thức tái cấp vốn cho chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất vay để đầu tư phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân, góp phần đảm bảo “mục tiêu kép”: bảo đảm an sinh xã hội - nhà ở cho các đối tượng yếu thế (người thu nhập thấp, công nhân). Gói tín dụng này cũng sẽ thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp gắn với hỗ trợ phát triển thị trường nhà ở và bất động sản”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết.

Phan Hoạt
.
.
.