Giá căn hộ chung cư tăng cao nhất trong 5 năm: Người dân ngày càng khó tiếp cận

Thứ Ba, 18/01/2022, 08:03

2 năm liên tiếp, đại dịch COVID-19 hoành hành, đặc biệt với các làn sóng dịch trong năm 2021 khiến nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, thu nhập của người dân giảm mạnh, thế nhưng giá bất động sản (BĐS) vẫn liên tục tăng.

Đây là nghịch lý rất lớn của thị trường BĐS hiện nay, và Bộ Xây dựng cũng đã phải thừa nhận vấn đề này. Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tăng giá này, nhưng cốt lõi nằm ở việc nhu cầu tăng cao, trong khi nguồn cung giảm mạnh, nếu "nút thắt" này không được tháo gỡ, giá sẽ còn tiếp tục tăng, đa số người dân càng khó tiếp cận.

Tăng giá 12 quý liên tiếp

Theo báo cáo tổng kết thị trường căn hộ bán tại Hà Nội năm 2021 vừa được CBRE công bố, tính tới cuối năm 2021, giá bán sơ cấp trung bình tại thị trường Hà Nội đạt 1.596 USD/m2, tương đương gần 37 triệu đồng (chưa bao gồm VAT và phí bảo trì), tăng 13% theo năm. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua.

Theo báo cáo này, trong năm 2021, có khoảng 17.000 căn hộ mở bán tại Hà Nội, giảm 7% theo năm. Đây là năm thứ hai liên tiếp, thị trường Hà Nội ghi nhận nguồn cung mở bán mới giảm, dưới tác động của dịch COVID-19. Trong đó, phân khúc căn hộ trung cấp vẫn là sản phẩm phổ biến nhất trên thị trường, chiếm 72% tổng nguồn cung mới. Tiếp đến là  phân khúc cao cấp chiếm tỷ trọng gần một phần tư tổng nguồn cung mở bán mới.

cap-nhat-gia-ban-can-ho-chung-cu-cac-khu-vuc-tai-ha-noi-dau-nam-2020-17-.8743.jpg -0
Giá căn hộ chung cư ngày càng tăng cao so với mặt bằng thu nhập của người dân.

CBRE dự báo, trong năm 2022, nguồn cung chào bán mới dự kiến sẽ tăng trưởng trở lại, đạt ngưỡng 26.000 - 28.000 căn. Doanh số bán hàng dự kiến sẽ hồi phục trong năm khi các hoạt động bán hàng dần trở lại bình thường. Mức giá sơ cấp cũng được đơn vị này dự báo sẽ tiếp tục tăng khoảng 5-7%/năm trong vòng 3 năm tới, do sản phẩm của các khu đô thị tiếp tục nâng cấp định vị cũng như kỳ vọng các dự án cao cấp và hạng sang mở bán ở một số vị trí đắc địa, trung tâm.

Trong khi đó, báo cáo mới nhất của Savills Việt Nam cũng nhận định, thị trường nhà ở Hà Nội những tháng cuối năm đã sôi động trở lại. Tuy nhiên, nguồn cung mới trong thị trường đang ở con số thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Hạn chế nguồn cung đã đẩy giá căn hộ Hà Nội tăng 12 quý liên tiếp.

"Đối với căn hộ chung cư, tỷ lệ hấp thụ đạt 19% và giá tiếp tục tăng quý thứ 12 liên tiếp. Nguồn cung hạn chế và ảnh hưởng của đại dịch khiến số lượng giao dịch cả năm 2021 chỉ đạt hơn 16 nghìn căn, mức thấp nhất trong vòng 5 năm. Trong khi đó, thị trường biệt thự/nhà liền kề Hà Nội cũng đã liên tục thiếu hụt nguồn cung sơ cấp trong một thời gian dài. Nguồn cung mới trong năm 2022 chủ yếu đến từ các dự án, khu đô thị lớn ở ngoài trung tâm TP. Hà Nội sẽ giúp khắc phục tình trạng này. Tuy vậy, đây là những khu vực có cơ sở hạ tầng cải thiện cho nên giá bán cũng sẽ có sự tăng trưởng đáng kể", bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Tư vấn Savills Hà Nội cho biết.

Sớm tháo gỡ chồng chéo, vướng mắc pháp lý   

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam cũng cho rằng, nghịch lý của thị trường BĐS hiện nay là dù nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19, nhưng giá bán BĐS trên toàn thị trường Hà Nội đã liên tục tăng thời gian qua.

Đơn cử trước khi dịch bệnh xảy ra, giá chung cư thu nhập thấp đều chào bán ở mức khoảng 14 triệu đồng/m2 thì này đã tăng lên trên dưới 20 triệu đồng/m2, phân khúc chung cư trung bình từ 20-25 triệu đồng/m2 thì này đã tăng lên mức 30- 35 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá đất nền cũng tăng vọt ở khắp nơi.

"Giá nhà tăng cao được lý giải là do vướng mắc về thủ tục pháp lý kéo dài, khiến nguồn cung khan hiếm. Do đó, theo tôi chính sách pháp luật trong việc phát triển các dự án đầu tư phải thật cụ thể, thật rõ ràng. Làm sao phải để không còn những mâu thuẫn, chồng chéo, tạo điều kiện hành lang pháp lý tốt nhất để cho thị trường BĐS pháp triển tốt nhất đúng với mục tiêu mà Nhà nước đã đề ra. Chính vì hạn chế trong chính sách mà hiện nay đã gây ra những hệ lụy như thiếu nguồn cung, mà nhu cầu tăng cao. Sang năm 2022, xu hướng giá BĐS có thể tiếp tục tăng ở mức cao vì nguồn cung yếu do thủ tục đầu tư vẫn chưa được tháo gỡ triệt để và lực cầu đang được duy trì, thậm chí có thể mạnh hơn. Giá càng tăng thì đa số người dân có thu nhập trung bình hiện nay càng khó tiếp cận nhà ở", ông Đính đánh giá.

image001.jpg -0
Giá căn hộ chung cư ngày càng tăng cao so với mặt bằng thu nhập của người dân.

Bộ Xây dựng thừa nhận, giá BĐS liên tục tăng, giá nhà ở đặc biệt là tại khu vực đô thị quá cao so với mặt bằng thu nhập chung của người dân, cũng được coi là một tồn tại cần tháo gỡ cho thị trường BĐS.

Giá BĐS một số khu vực, một số phân khúc đặc biệt là đất nền tăng nhanh trong thời gian ngắn do xuất hiện các thông tin chưa rõ ràng về: quy hoạch hành chính từ huyện, thị xã lên quận, thành phố; về chủ trương đầu tư xây dựng các khu đô thị, khu du lịch mới, đầu tư xây dựng sân bay, dẫn đến giới đầu cơ, môi giới lợi dụng để thổi giá thu lợi. Trong khi đó, nguồn cung thiếu là do các dự án BĐS còn nhiều thiếu sót, chưa hoàn thiện về hồ sơ, trình tự thủ tục pháp lý.

Điều này dẫn đến chưa đủ cơ sở pháp lý để các cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt theo thẩm quyền. "Bộ Xây dựng đang và sẽ đề xuất, kiến nghị nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, đặc biệt là các chính sách nhằm khuyến khích và đẩy mạnh phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà ở có giá phù hợp với người thu nhập thấp; đẩy mạnh tiến độ cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.

Các cơ quan Trung ương cũng sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện chính sách pháp luật có liên quan nhằm tháo gỡ những chồng chéo, vướng mắc về thủ tục pháp lý, tạo cơ chế thông thoáng cho thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh", Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết.

Phan Hoạt
.
.
.