Đấu giá quyền sử dụng đất: Không nên áp dụng hình thức trực tiếp bằng lời nói

Thứ Năm, 27/01/2022, 08:11

Theo Hiệp hội bất động sản (BĐS) TP Hồ Chí Minh, sau các cuộc đấu giá 4 lô đất thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm vừa qua đã cho thấy rõ các bất hợp lý và sự cần thiết phải sớm sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Đấu giá tài sản 2016 và cácquy định pháp luật có liên quan, nhất là các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh BĐS, nhà ở, khu đô thị.

Bởi đấu giá quyền sử dụng đất nhằm mục đích trên hoàn toàn khác biệt với đấu giá từng nền nhà, từng căn hộ hoặc đấu giá tài sản thanh lý… nên đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất nhằm mục đích thực hiện dự án đầu tư kinh doanh BĐS, nhà ở, khu đô thị, phù hợp nhất vẫn là áp dụng hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá, hoặc hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp. Hiệp hội BĐS đề nghị không nên áp dụng hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất nhằm các mục đích trên thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở, khu đô thị, như đã thực hiện trong thời gian qua vì không phù hợp.

Đề nghị sửa đổi quy định nộp tiền đặt trước để được tham gia đấu giá quyền sử dụng đất nhằm thực hiện dự án đầu tư kinh doanh BĐS, nhà ở, khu đô thị, Hiệp hội BĐS chỉ rõ, Luật Đấu giá 2016 chưa quy định nhà đầu tư phải chứng minh đã có sẵn tiền trong tài khoản của tổ chức tín dụng; phải nộp thêm tiền đặt trước hoặc phải chứng minh có giá trị tổng tài sản và phải có văn bản bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán tài sản trúng đấu giá đối với cuộc đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện mục đích trên do các lô đất, khu đất đưa ra đấu giá thường có giá trị rất lớn. Do quy định nộp tiền đặt trước có giá trị thấp hơn rất nhiều so với giá trúng đấu giá, nên trong thực tế đã có một số trường hợp nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất nhưng sau cuộc đấu giá đã “xù” không thanh toán tiền trúng đấu giá, chấp nhận chịu mất tiền đặt trước, hoặc có trường hợp nhà đầu tư dây dưa kéo dài việc thanh toán, như trường hợp đấu giá mặt bằng số 23 Lê Duẩn, quận 1 TP Hồ Chí Minh vào năm 2014 nhưng mãi đến năm 2017 nhà đầu tư mới chấp nhận thanh toán tiền trúng đấu giá và nộp phạt do chậm thanh toán.

Quy định về tiền đặt trước trongLuật Đấu giá tài sản 2016 cũng không thống nhất và không đồng bộ với quy định của pháp luật về chứng khoán. Quy định về tiền đặt trước trong Luật Đấu giá 2016 cũng chưa thống nhất với các quy định của Bộ Luật Dân sự 2015 do Bộ Luật Dân sự 2015 không sử dụng khái niệm tiền đặt trước.

Phân tích về một số bất cập của Luật Đấu giá tài sản 2016 và công tác thực thi pháp luật về điều kiện khi tham gia đấu giá, Hiệp hội BĐS cho rằng, Luật Đấu giá tài sản 2016 đã không giao cho Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện về điều kiện khi tham gia đấu giá, nhất là điều kiện nhà đầu tư có năng lực tài chính và không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai, dẫn tới nội dung này chưa được quy định trong các văn bản dưới Luật Đấu giá tài sản 2016.

Đ.Thắng
.
.
.