Chuyển đổi dự án nhà ở sinh viên nghìn tỷ bỏ hoang: Phù hợp để tránh lãng phí

Chủ Nhật, 16/04/2023, 09:30

Được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách lên tới 1.900 tỷ đồng, dự án nhà ở cho sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp được kỳ vọng sẽ cung cấp chỗ ở cho khoảng 22 nghìn sinh viên trên địa bàn Thủ đô. Tọa lạc trên một khu đất rộng hơn 40 nghìn m2 với 6 khối nhà cao tầng, có vị trí khá đắc địa ngay cửa ngõ ra vào thành phố, thế nhưng từ khi triển khai năm 2009 đến nay, chỉ có 2 khối nhà được hoàn thiện để đưa vào sử dụng, còn lại là bỏ hoang. Để tránh lãng phí, trong kế hoạch phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021 – 2025 mới được UBND TP Hà Nội phê duyệt, thành phố sẽ bố trí một khoản kinh phí để hoàn thành, điều chỉnh các hạng mục tại một số tòa nhà tại dự án này thành nhà ở xã hội cho thuê.

Hoang tàn, vắng lặng

Dự án nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp gồm 6 tòa nhà A1, A2, A3, A4, A5 và A6. Được khởi công từ tháng 10/2009, đến tháng 1/2015, 2 khối nhà A5 và A6 đã được đưa vào sử dụng nhưng lượng sinh viên vào ở cũng không quá đông. Khối nhà A4 chưa được triển khai do chưa có mặt bằng, các khối nhà còn lại mới chỉ hoàn thành phần xây thô và bị bỏ hoang cả chục năm nay. Sau nhiều năm bị bỏ hoang, khung cảnh hoang tàn, nhếch nhác, xuống cấp khiến ai nhìn cũng phải xót xa cho một dự án được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.

sv1.jpg -0
Những tòa nhà được xây xong phần thô và bỏ hoang nhiều năm nay.

Theo ghi nhận của PV, tại các tòa nhà xây xong phần thô rồi bỏ hoang, dưới chân nhà cỏ dại mọc um tùm, trên các bức tường chưa được trát thì thấm nước rong rêu bao phủ, tường trát xi măng rồi thì bong tróc loang lổ. Tại tòa nhà đã hoàn thiện phần thô thì lan can bằng sắt đã bong tróc hết các lớp sơn, hoen gỉ do phải phơi nắng, phơi sương nhiều năm liền.

Hà Nội là nơi đất chật, người đông, thế nhưng quanh khu vực dự án này lại vắng vẻ, lạnh lẽo đến lạ thường dù nằm trong khu đô thị Pháp Vân – Tứ Hiệp. Dấu ấn của con người chỉ thấy qua việc một số người dân xung quanh tận dụng những khoảng đất trống bên trong dự án để làm những khoảng vườn trồng rau bé bé. Một số đoạn đường nội bộ được cánh tài xế xe tải, xe khách đường dài tranh thủ làm chỗ đỗ xe. Ông Nguyễn Quang Định, bán quán nước chè khu này cho biết, do những tòa nhà này đã bỏ hoang gần chục năm nay nên cả khu này rất ít người qua lại. “Do bỏ hoang quá lâu nên gần đây có một vài người dân xung quanh vào tận dụng trồng ít rau cỏ, một số xe tải chở hàng đường dài vào đây đỗ nên thi thoảng còn thấy bóng người. Trước đây vào đó cảm giác còn sờ sợ, nhất là vào buổi chiều tối”, ông Định cho biết.

Theo quan sát của chúng tôi, bên cạnh những khối nhà mới chỉ xây xong rồi bỏ hoang thì khối nhà A1 khi dịch bùng phát được tận dụng làm nơi điều trị bệnh nhân COVID-19, nay được trả lại mặt bằng cũng đang bị bỏ hoang nhếch nhác. Đi ngược lại một đoạn, hai khối nhà A5 và A6 dù đang được cho sinh viên thuê nhưng tỷ lệ phòng trống cũng chiếm đa số. Câu chuyện về việc dự án nhà ở cho sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp không thu hút được sinh viên là câu chuyện không mới, đã được báo chí phản ánh nhiều năm qua. Những tòa nhà cao tầng với cả ngàn căn hộ bỏ hoang “trơ gan cùng tuế nguyệt” cũng đã được nhắc đến rất nhiều. Sự lãng phí này cũng đã được dư luận không ít lần đặt ra câu hỏi khi triển khai vị trí dự án làm nhà ở sinh viên không hợp lý, quá xa các trường đại học, giao thông không thuận tiện.

sv2.jpg -0
Một số người dân xung quanh tận dụng trồng rau trong sân dự án.

Cần tính toán quy hoạch hạ tầng xã hội

Câu chuyện chuyển đổi dự án này sang nhà ở xã hội để tránh lãng phí không phải bây giờ mới được đặt ra. Năm 2017, UBND TP Hà Nội cũng đã chủ động xin đề xuất chuyển đổi các khối nhà còn lại sang nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng cũng đã báo cáo Chính phủ. Tuy vậy, mọi việc vẫn “giậm chân tại chỗ” sau nhiều năm bởi các vướng mắc về cơ chế, pháp lý về đầu tư, quy hoạch, vốn... Tuy nhiên, mới đây UBND TP Hà Nội đưa việc điều chỉnh một số hạng mục tại dự án này để chuyển đổi thành nhà ở xã hội cho thuê vào kế hoạch phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021 – 2025 được nhiều chuyên gia đánh giá dù có chậm nhưng là phù hợp khi nhu cầu nhà ở xã hội đang rất bức thiết hiện nay.

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, dự án này có vị trí rất thuận lợi cửa ngõ phía Nam Hà Nội, khá gần trung tâm. Cùng với đó, do nằm trong Khu đô thị Pháp Vân – Tứ Hiệp nên hạ tầng đảm bảo đáp ứng được cho việc chuyển đổi thành nhà ở xã hội. “Mỗi căn hộ có diện tích khoảng gần 60m2, hợp lý đối với căn hộ gia đình. Nếu chuyển đổi thì đây sẽ là nguồn cung số lượng khá lớn căn hộ khi thị trường đang khan hiếm hiện nay, phù hợp với người lao động đang làm việc các quận lân cận. Chắc chắn lượng người quan tâm sẽ rất lớn”, ông Nghiêm nhận định.

Tuy nhiên, có một vấn đề ông Nghiêm lưu ý, theo thiết kế của dự án nhà ở sinh viên này thì các căn hộ không có bếp, không được chia phòng riêng, rồi còn các hệ thống điện, nước, phòng cháy chữa cháy… nên phải tính toán kỹ khi chuyển đổi. Cùng với chuyển đổi công năng các tòa nhà, còn phải tính toán đến không gian để phát triển các hạ tầng xã hội như nhà trẻ, y tế, các nơi cung cấp dịch vụ đời sống cho cư dân.

 Trao đổi với PV, PGS.TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng cho rằng, việc chuyển đổi dự án nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp thành nhà ở xã hội cho thuê là hợp lý trong bối cảnh hiện nay. PGS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng, việc để một số tòa nhà xây xong rồi bỏ hoang nhiều năm qua là một sự lãng phí rất lớn về quỹ đất và nhà ở. Đây cũng là bài học kinh nghiệm cho việc quy hoạch, triển khai các dự án nhà ở cho sinh viên.

“Phân khúc nhà ở xã hội cho thuê, thuê mua đang rất thiếu so với nhu cầu hiện nay. Dự án này cũng được triển khai bằng vốn ngân sách nhà nước, do đó chuyển đổi sang nhà ở xã hội cho thuê như mô hình nhà ở cho thuê ở bên khu đô thị Việt Hưng là hợp lý. Mỗi căn hộ có diện tích khoảng 60m2 là phù hợp với quy mô của nhà ở xã hội. Các tòa nhà này cũng chỉ mới xây xong phần thô nên việc điều chỉnh công năng sẽ không quá khó. Vấn đề lớn nhất ở đây là bài toán quy hoạch hạ tầng xã hội làm sao để phù hợp với cư dân đô thị như: nhà trẻ, trường học, y tế… Câu chuyện chuyển đổi ở đây không chỉ đơn thuần là chuyển đổi kiến trúc do đó phải có sự tính toán kỹ trước khi triển khai thực hiện”, PGS.TS Hoàng Văn Cường nhận định.

Phan Hoạt
.
.
.