Cần sớm tháo gỡ vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội tại Thừa Thiên Huế
Nhu cầu nhà ở xã hội (NƠXH) của tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030 cần khoảng 10.000 căn hộ. Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn tỉnh này mới chỉ đáp ứng được hơn 1.800 căn hộ thu nhập thấp. Việc thiếu nguồn cung NƠXH, khiến mong ước của nhiều gia đình, trong đó có các gia đình trẻ có một nơi ở ổn định và sớm được an cư rất khó thành hiện thực.
Chị Trịnh Thị Th. (trú tại huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) cùng chồng đều từ quê lên thành phố lập nghiệp, điều kiện kinh tế còn khó khăn. Sau khi sinh con đầu lòng, sống ở phòng trọ khá bất tiện nên hai vợ chồng muốn vay mượn tiền đầu tư mua mảnh đất, xây nhà. Sau khi tìm hiểu nhiều vị trí đất khác nhau nhưng giá quá cao, vợ chồng chị Th quyết định chuyển sang chọn mua một căn NƠXH để định cư. Thế nhưng, việc tìm kiếm NƠXH cũng không dễ. Gần 1 năm nay, hai vợ chồng chị Th tìm đến các dự án NƠXH trên địa bàn nhưng đều nhận được câu trả lời “đã hết”. Nếu mua lại các căn hộ thương mại với giá khá cao…
Tương tự, vợ chồng chị Trương Thị Ng. (trú tại tỉnh Quảng Trị) vào Huế lập nghiệp 3 năm nay và có nhu cầu mua NƠXH nhưng đến nay vẫn chưa mua được nhà hợp với túi tiền của mình. Theo chị Ng, giá đất ở Huế dù không phải cao so với các tỉnh, thành phố lân cận song đối với những cặp vợ chồng trẻ, có thu nhập bình thường với khoảng 15 triệu đồng/tháng thì không thể đủ tiền để mua được. Nhiều người có thu nhập thấp tại Thừa Thiên Huế đang ước mơ thoát khỏi cảnh ở trọ và rất kỳ vọng vào các dự án NƠXH trên địa bàn. Tuy nhiên, số lượng căn NƠXH tại Huế còn thấp nên cơ hội người dân nộp hồ sơ đăng ký mua cũng rất hạn chế…
Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, đến nay, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chấp thuận đầu tư 9 dự án NƠXH đã và đang triển khai xây dựng, trong đó, có 4 dự án NƠXH độc lập đã hoàn thành, trên diện tích 4,11ha đất, với 1.773 căn hộ. Tất cả các dự án đã bán và bàn giao đưa vào sử dụng 1.764 căn hộ. Mới đây, Công ty CP Đầu tư và Phát triển bất động sản Cotana Capital đã tổ chức khởi công xây dựng khu nhà ở xã hội tại khu phức hợp Thủy Vân giai đoạn 2, thuộc Khu B đô thị mới An Vân Dương (Ecogarden), TP Huế. Khu NƠXH tại dự án Ecogarden được đầu tư xây dựng với quy mô hơn 1.000 căn hộ trên diện tích 3,5ha tại 2 khu đất. Các căn hộ được bố trí từ 1 - 3 phòng ngủ có diện tích từ 32m2 đến 74,9m2 với đầy đủ công năng, đáp ứng nhu cầu của đa dạng đối tượng khách hàng…
So với chương trình, phát triển nhà ở tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (giai đoạn 2016-2020), lũy kế đến nay đã phát triển NƠXH khoảng 128.336m2 sàn, đạt tỷ lệ 36%. Theo chương trình phát triển nhà ở tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh sẽ dành 372,37ha đất phát triển các dự án NƠXH đến năm 2025 và đến năm 2030 là khoảng 400ha…
Nguyên nhân khiến các chỉ tiêu của chương trình phát triển NƠXH không đạt được như mong muốn một phần do doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, thủ tục cùng các ưu đãi hỗ trợ kinh phí đầu tư hạ tầng khiến các doanh nghiệp chưa mặn mà để phát triển các dự án NƠXH. Ngoài ra, vướng mắc hiện nay về việc bố trí quỹ đất 20% để đầu tư nhà ở thương mại và bố trí 20% NƠXH trong dự án nhà ở thương mại là một nguyên nhân khiến nhà đầu tư thiếu mặn mà. Thủ tục lựa chọn nhà đầu tư còn chồng chéo, chưa thống nhất với quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, đất đai dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng và làm chậm tiến độ kêu gọi đầu tư, triển khai dự án.
Bên cạnh đó, chính sách phát triển NƠXH vẫn còn một số nội dung chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chưa được bổ sung, sửa đổi hoàn thiện như: đối tượng đăng ký mua, thuê NƠXH theo quy định tại Điều 49 Luật Nhà ở 2014 quy định về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về NƠXH (gồm 10 đối tượng) là rất rộng, hầu hết các đối tượng đều mua được NƠXH nếu đáp ứng điều kiện quy định của Luật Nhà ở, nên rất khó khăn cho các chủ đầu tư trong việc xem xét, lựa chọn đối tượng đăng ký mua NƠXH.
Hiện có rất nhiều công nhân đang làm việc tại các KCN: Phú Bài, Phong Điền; Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô… mong muốn được mua NƠXH độc lập gần nơi mình đang làm việc để thuận tiện nhưng hiện tại các khu này vẫn chưa có khiến nhiều công nhân gặp khó khăn. Trong khi đó thực tế hiện nay, quỹ đất phát triển dự án NƠXH cho công nhân lao động tại KCN chủ yếu tập trung tại các KCN và do các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tại KCN đầu tư xây dựng để bố trí cho công nhân lao động thuê hoặc tạo điều kiện cho công nhân ở xa đến làm việc, làm hạn chế quyền lợi của chủ đầu tư NƠXH. Đây cũng là lý do khiến nhiều nhà đầu tư vẫn chần chờ, chưa mặn mà đầu tư NƠXH cho công nhân tại KCN, làm ảnh hưởng rất lớn đến chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội cho công nhân theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh đã đề ra...
Vừa qua, Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế cũng kiến nghị địa phương thực hiện điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc phải lập quy hoạch chi tiết 1/500 dự án NƠXH. Bố trí dành 20% tổng diện tích đất ở trong dự án đầu tư xây dựng NƠXH để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trước khi tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Thường xuyên rà soát các dự án NƠXH đã và đang triển khai để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc pháp lý của dự án.