Cần hạ lãi suất cho vay đối với nhà ở xã hội
Mặc dù gói 120 nghìn tỷ đã được triển khai để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, tuy vậy sau một thời gian, gói hỗ trợ này vẫn chưa phát huy hiệu quả như mong muốn. Lý do được đưa ra là mức lãi suất cho vay vẫn cao (khoảng 8,2 – 8,7%/năm), và với mức lãi suất này rất khó để người mua nhà ở xã hội có thể đáp ứng khả năng chi trả.
Do đó, cần hạ mức lãi suất cho vay là ý kiến được nhiều chuyên gia đưa ra tại Hội thảo "1 triệu căn nhà ở xã hội: Giải pháp nâng cao khả năng thụ hưởng cho người thu nhập thấp" do Báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt tổ chức ngày 28/6 dưới sự chủ trì của Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước.
Lãi suất quá sức người mua nhà
Thực tế sau gần 2 tháng triển khai, dư nợ gói 120 nghìn tỷ để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân phát sinh chưa đáng kể. Nguyên nhân đầu tiên được cho là nguồn cung nhà ở xã hội hiện nay quá ít, khách hàng không có nhiều sự lựa chọn mua nhà và ngân hàng cũng không thể giải ngân. Tuy nhiên, một nguyên nhân khác rất đáng chú ý cũng được đưa ra là lãi suất của gói tín dụng này hiện quá cao khoảng 8,2 – 8,7%.
Lý giải về việc tại sao lãi suất gói tín dụng này lại được áp dụng như thế, ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng hoàn toàn là sử dụng vốn huy động của người dân, không phải sử dụng vốn ngân sách. Do đó, việc cho vay theo quy định của ngân hàng. Thời gian qua, các ngân hàng đã nỗ lực tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay về mức thấp nhất.
"Lãi suất theo quy định thấp hơn mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường từ 1,5% - 2%. Tuy nhiên, nếu tính bao gồm cả các ngân hàng thương mại cổ phần, mặt bằng lãi suất trên thị trường sẽ cao. Hiện đã thống nhất dùng lãi suất cho vay của 4 ngân hàng lớn có lãi suất tương đối thấp (Agribank, VietinBank, BIDV và Vietcombank) – điều này thể hiện sự quan tâm của Ngân hàng Nhà nước. Tất nhiên, mức lãi suất này chưa thể hoàn toàn đáp ứng được mong muốn của khách hàng vay vốn", ông Bắc thông tin.
Ông Bắc cho biết thêm, việc cho phép điều chỉnh lãi suất 6 tháng một lần, khi mặt bằng lãi suất giảm, lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội từ gói tín dụng này cũng sẽ giảm.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì mức lãi vay ưu đãi 8,2% dành cho người mua nhà ở xã hội chưa thực sự hấp dẫn. Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng lãi suất cho vay để mua, phát triển nhà ở xã hội nên nằm ở mức khoảng 5%/năm (tương tự như gói vay 30 nghìn tỷ trước đây) mới thực sự là hỗ trợ doanh nghiệp bỏ vốn, vay ngân hàng để làm nhà ở xã hội.
“Cần có cơ chế thiết thực hơn theo hướng ngân hàng thương mại vẫn cho vay theo lãi suất thương mại nhưng nhà nước đứng ra cấp bù lãi suất, điều này mới thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia, đồng thời cũng mới có thể hỗ trợ được người mua nhà. Người mua nhà ở xã hội là các đối tượng chính sách, người có thu nhập thấp mà vay mua nhà mỗi tháng trả cả lãi lẫn gốc đến mười mấy triệu đồng thì làm sao đủ sức", ông Đính phân tích.
Để giảm được 1,5 – 2% lãi suất cho vay đối với các ngân hàng thương mại tham gia triển khai gói 120 nghìn tỷ đồng này là sự cố gắng rất lớn, tuy nhiên TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, để phát triển được nhà ở xã hội cần nguồn vốn bền vững nhưng ngân hàng là các tổ chức tín dụng thương mại, do đó cần có sự hỗ trợ từ ngân sách.
Triển khai nhiều giải pháp để sớm có 1 triệu căn hộ
Nêu ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, TS Cấn Văn Lực cho rằng, cần phải thống nhất quan điểm, coi đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội là chính sách kinh tế nhân văn, mang cả ý nghĩa kinh tế và an sinh xã hội. Do đó cần xây dựng một đề án tổng thể, bài bản. Mục đích sử dụng nhà ở xã hội dành cho cả nhu cầu mua và nhu cầu thuê. Vị trí, bố trí nhà ở xã hội riêng khu hay đan xen với nhà ở thương mại nên linh hoạt theo từng địa phương. Đối tượng được mua nhà ở xã hội cũng nên mở rộng hơn, linh hoạt theo từng địa phương.
“Để phát triển được nhà ở xã hội, chúng ta cần tăng tính thị trường, tính hấp dẫn cho nhà ở xã hội (quy hoạch, hệ sinh thái, hạ tầng...). Cùng với đó, phải khắc phục được các nhược điểm mà dư luận đề cập bấy lâu nay như tình trạng trục lợi chính sách và cần chính sách phù hợp, công khai, minh bạch. Cơ quan quản lý Nhà nước cần làm tốt hơn công tác khảo sát, đánh giá thực trạng, phân tích và dự báo về cung - cầu nhà ở xã hội. Bên cạnh đó là phải đẩy mạnh thu hút được các chủ đầu tư tham gia với các ưu đãi thực sự về thuế, phí…”, TS Cấn Văn Lực nêu ý kiến.
Ở góc độ khác, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, cần có thêm những ưu đãi và tăng tỷ trọng nhà ở xã hội cho thuê để đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội triển khai có hiệu quả. TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, để thực hiện đề án đã có nhiều cơ chế chính sách được ban hành với hàng lang pháp lý đã cơ bản. Vấn đề cần quan tâm hiện nay là nhận thức chỉ đạo của địa phương, sự tham gia của doanh nghiệp, kế hoạch triển khai và quy trình thực hiện. Ngoài các giải pháp về cơ chế chính sách, về nguồn vốn phát triển, về thu hút xã hội hóa đầu tư, về cải cách thủ tục hành chính... rất cần quan tâm trước hết các giải pháp về quy hoạch và quản lý.
“Hiện nay, nhiều địa phương xây dựng các dự án nhà ở xã hội tập trung, riêng lẻ còn cho thấy thiếu đồng bộ, nhất là các dịch vụ hạ tầng như trường học, chợ, không gian xanh công cộng, ở vị trí không thích hợp với đối tượng sử dụng, khó kết nối giao thông, là tồn tại cần có đổi mới. Đây là vấn đề cần phải được quan tâm trước hết. Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia đi trước về phát triển nhà ở xã hội là nhà ở xã hội cho thuê. Việc ưu đãi và tăng tỷ trọng nhà cho thuê không chỉ góp phần giải quyết mất cân đối cung và cầu của thị trường bất động sản mà còn là yếu tố đẩy nhanh đề án ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội", TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nêu quan điểm.