Bất động sản “bất động” giữa đại dịch
Không thể triển khai dự án, không phát sinh giao dịch mới… là tình trạng chung của thị trường bất động sản (BĐS) các tỉnh, thành vùng (ĐBSCL) trong lúc dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
Đầu năm 2020, thị trường BĐS tại Cần Thơ chịu tác động từ dịch COVID-19 rơi vào trầm lắng. Đến cuối năm 2020, thị trường khởi sắc trở lại với nhiều kỳ vọng. Nhưng mọi thứ thay đổi khi làn sóng COVID-19 lần thứ 4 bùng phát ở tất cả 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Hiện, Cần Thơ đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 khiến các giao dịch BĐS trực tiếp không thể thực hiện. Nếu có chỉ là các giao dịch nhỏ lẻ dựa trên sự tin tưởng giữa người mua, người bán. Nhiều khu dân cư đô thị đã hoàn thành hạ tầng, đưa vào kinh doanh, như: Khu dân cư Hồng Phát An Bình; khu dân cư STK An Bình (quận Ninh Kiều); khu dân cư Stella Mega City (quận Bình Thủy)... nhưng việc ra hàng gặp nhiều khó khăn.
Năm 2018-2019, khi thị trường BĐS ở Cần Thơ lên cơn sốt, có hàng chục công ty kinh doanh dịch vụ BĐS ra đời. Nhưng nay công ty dịch vụ, môi giới BĐS chỉ còn trên đầu ngón tay. Ông Lê Phương Đông, Trưởng Văn phòng đại diện Hội môi giới BĐS Việt Nam khu vực ĐBSCL cho biết, thị trường BĐS tại Cần Thơ có mức giá tương đối thấp so với nhiều thành phố lớn khác. Khách hàng chủ yếu là người dân các tỉnh lân cận mua nhà cho con đi học, mua sản phẩm để an cư, hoặc có mua đầu tư cũng không có tình trạng mua gom hàng với số lượng lớn. Do đó, BĐS biến động giảm giá sâu trong mùa dịch chưa nghiêm trọng như ở nhiều địa phương khác. Những trường hợp giảm giá chủ yếu là giảm so với mức giá kỳ vọng đã rao trước đây hoặc rao bằng với giá gốc tại thời điểm mua nếu đang chịu áp lực lãi vay ngân hàng. Trên thị trường xuất hiện một số giao dịch đặt cọc khi bên mua, bên bán là người quen từ trước và hoàn tất thủ tục sau khi giãn cách.
“Giai đoạn hiện nay, các sàn môi giới BĐS gặp nhiều khó khăn do chủ đầu tư không triển khai dược dự án, nên không có sản phẩm chào bán. Các sàn còn gánh áp lực thuê mặt bằng, trả lương cơ bản cho môi giới. Nhưng mức lương này cũng chỉ mang tính chất hỗ trợ phần nào”, ông Đông nói.
Ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Công ty địa ốc Tín Phát (Cần Thơ) cho rằng, từ 20 năm, chưa bao giờ thị trường BĐS Cần Thơ khó khăn như hiện nay. Quý II-2019, thị trường nhà đất “nóng” hừng hực, một miếng đất nền dự án giá từ 2 đến 3 tỷ, trong ngày có thể tăng lên thêm đến 200 triệu, thì nay rao không ai hỏi chứ đừng nói mua. Ngay bây giờ nếu giảm 500 triệu đồng để bán nhanh cũng không có người mua. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ làm cho những người kinh doanh nhà đất từ vốn vay ngân hàng 50-70% trên tổng giá trị mua nhà, đất sẽ thua lỗ, thậm chí phá sản.
Tại Vĩnh Long, nhà đất hiện nay cũng “im như thóc đổ bồ”. Ông Đỗ Hoàng Thọ, Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường BĐS (Sở Xây dựng TP Cần Thơ) cho rằng, khi thị trường BĐS tại Cần Thơ “đứng” thì thị trường các tỉnh trong vùng khó khăn hơn nhiều.
Cuối tháng 8 vừa qua, Hội môi giới BĐS Việt Nam tổ chức khảo sát ý kiến hội viên, tổng hợp đưa ra đề xuất với các cơ quan chức năng nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho các sàn môi giới, giao dịch. Những đề xuất này tập trung một số nội dung như bổ sung nhóm ngành BĐS trong đó có dịch vụ môi giới BĐS được hưởng các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, cho phép các sàn giao dịch được hoãn, giãn thời hạn nộp các khoản thuế phải nộp; giảm 50% thuế thu nhập cho doanh nghiệp sàn giao dịch BĐS có phát sinh từ tháng 5 đến hết năm 2021 để có điều kiện sớm phục hồi hoạt động kinh doanh.
Bên cạnh đó, Hội đề xuất ngân hàng giảm tiến độ trả nợ, điều chỉnh lãi suất hợp lý. Các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ vướng mắc trong giải quyết thủ tục hành chính cho các dự án đầu tư BĐS làm tăng nguồn cung cho thị trường và kích thích hoạt động đầu tư toàn xã hội. Hội cũng đề nghị các chủ dự án hỗ trợ, tạo điều kiện, không phạt hợp đồng nếu các sàn không thực hiện đúng cam kết tiến độ bán hàng do thực hiện giãn cách xã hội. Các đơn vị, cá nhân cho thuê mặt bằng có thể hỗ trợ một phần tiền nhà, hoặc giãn nộp tiền thuê trong thời gian giãn cách xã hội…