Trăm sự tại 'buông lỏng quản lý'?
Hàng trăm trường hợp vẫn tồn tại như thách đố dư luận và cơ quan chức năng. Không những thế, trên những tuyến đường mới mở còn chưa kịp thông xe, đã lại xuất hiện thêm nhiều trường hợp siêu mỏng, siêu méo.
Báo chí đã tốn rất nhiều giấy mực để nói về những căn nhà có hình thù kì dị, được liệt vào dạng nhà siêu mỏng, siêu méo trên tuyến đường “đắt nhất hành tinh” Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu. Dù đã được thông xe cả năm nay, hàng loạt văn bản của UBND TP Hà Nội yêu cầu có phương án giải quyết nhưng đến thời điểm này, những ngôi nhà trên vẫn tồn tại, vừa làm mất mỹ quan đô thị, vừa khiến dư luận bức xúc. Trong khi những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo trên các tuyến đường đã mở còn chưa kịp giải quyết, tại nhiều tuyến đường mới vừa thông xe kỹ thuật, còn chưa hoàn thành đã lại tiếp tục “mọc” lên những ngôi nhà bé tí, méo mó, kì dị như thách thức với chính quyền.
Tuyến đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài nối từ ngã ba Nguyễn Văn Huyên - Nguyễn Khánh Toàn (quận Cầu Giấy) ra đến khu vực đầu đường Cầu Giấy chỉ dài chừng 500m. Thực tế tại con đường này mặc dù đã thông xe nhưng thời điểm hiện tại vẫn chưa hoàn thiện. Hai bên đường hệ thống cống thoát nước đang được các nhà thầu thi công nên vẫn đang bị đào bới nham nhở. Hệ thống dải phân cách, vỉa hè mới đang được triển khai thi công. Thế nhưng hình ảnh để lại ấn tượng nhất đối với người qua lại chính là những căn nhà “siêu dị” đã được hoàn thiện, chờ sẵn khi con đường này hoàn thành.
Ngay đầu đường, nằm cách ngã rẽ vào từ đường Cầu Giấy khoảng chừng 70m, liên tục 3 căn nhà nằm sát nhau đang được gia chủ bước vào giai đoạn hoàn thiện. Điều đáng nói, mỗi căn nhà này chiều sâu chỉ chừng 3m, chiều rộng cũng chừng hơn 3m. 3 căn nhà này được xây mới hoàn toàn, mục đích có lẽ chờ con đường này hoàn thiện để kinh doanh nên mặt trước chủ yếu được bài trí bằng khung nhôm kính.
Đi tiếp khoảng 100m nữa, là hình ảnh một căn nhà đã được hoàn thiện sẵn, chủ nhà đã khóa cửa chờ xong đường. Căn nhà này lại có kiểu dáng “mong manh” hơn rất nhiều so với những căn phía trước. Chiều sâu có lẽ chừng 2m, nhưng bề rộng lại dài tới cả chục mét.
![]() |
Một căn nhà siêu mỏng vừa mọc lên chờ sẵn trên đoạn đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài (Cầu Giấy) dù đoạn đường này vẫn chưa hoàn thành. |
Tính đến thời điểm này, theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn Hà Nội hiện có 172 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo, đa số đã bị đình chỉ xây dựng, song mới chỉ có 2 trường hợp bị cưỡng chế dỡ bỏ.
Trao đổi với chúng tôi, Tiến sỹ Phạm Sỹ Liêm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng cho rằng, việc để xảy ra tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo là do công tác triển khai thực hiện các tuyến đường mới không đúng Luật Quy hoạch. Khi làm đường trong đô thị thì phải tính tới cả quy hoạch chung hai bên đường. Trong khi đó hiện nay, chúng ta lại đang thực hiện hai công việc là làm đường và quy hoạch phát triển hai bên đường riêng rẽ. Cách làm này là chưa phù hợp. Đặc biệt với những con đường trong nội đô, làm đường không chỉ có mỗi chức năng phục vụ giao thông mà còn phải làm cho đường phố đẹp và đô thị khang trang hơn nữa.
Còn theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Thọ cho biết, trong một cuộc họp về xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn TP mới đây, phần lớn nhà siêu mỏng, siêu méo đều xuất hiện sau khi giải phóng mặt bằng (GPMB) mở đường. GPMB là việc khó nên chủ đầu tư chỉ tập trung thu hồi đất theo chỉ giới mở đường, mà không quan tâm đến phần ngoài chỉ giới nên dẫn đến tình trạng tồn tại nhà hoặc thửa đất không đủ điều kiện xây dựng, dư luận vẫn gọi là nhà siêu mỏng, siêu méo...
Bên cạnh đó, tình trạng này tồn tại còn do giá đất sau khi GPMB tăng cao hàng chục lần nên người dân cố tình không chấp hành pháp luật. Chính quyền địa phương cũng chưa vào cuộc ngăn chặn kịp thời, TP chưa có chế tài xử lý đủ mạnh.
Chỉ tính riêng trong năm 2014, UBND TP Hà Nội đã có gần 10 cuộc họp chỉ để bàn phương án giải quyết dứt điểm các trường hợp này, nhưng sự quyết liệt mới chỉ thể hiện ở các cuộc họp và văn bản yêu cầu, ra hạn thời gian giải quyết xong. Sau đó, khi các đơn vị được giao nhiệm vụ không thực hiện đúng thời gian yêu cầu, TP lại họp, lại ra văn bản và tiếp tục gia hạn về thời gian, chưa có cán bộ, công chức phụ trách trực tiếp tại quận, phường có nhà siêu mỏng, siêu méo nào bị kỷ luật nên tình trạng “nhờn thuốc” vẫn phổ biến.
Nếu không quyết liệt, Hà Nội sẽ lại tiếp tục gia tăng số lượng nhà siêu mỏng, siêu méo và hậu quả sẽ là thêm nhiều năm nữa, Hà Nội sẽ tiếp tục là hình ảnh xấu với những kiến trúc nhếch nhác, làm mất mỹ quan đô thị.