Trách nhiệm trong việc tồn đọng hơn 28.000 căn hộ chờ cấp sổ hồng

Thứ Tư, 16/09/2020, 10:45
Theo phản ánh của giới kinh doanh bất động sản (BĐS) , nguyên nhân khiến nhiều DN địa ốc tại TP HCM rơi vào cảnh khốn khó hiện nay có trách nhiệm của những cơ quan chuyên môn, trong đó có Sở Tài nguyên - Môi trường (TN&MT) và Sở Tài chính.

Dịch bệnh COVID-19 kéo dài từ đầu năm đến nay đã khiến nhiều doanh nghiệp (DN) nói chung, DN địa ốc tại TP HCM nói riêng lâm vào cảnh hết sức khó khăn, bi đát. Tuy nhiên, theo phản ánh của giới kinh doanh bất động sản (BĐS), nguyên nhân khiến nhiều DN rơi vào cảnh khốn khó hiện nay còn có trách nhiệm của những cơ quan chuyên môn, trong đó có Sở Tài nguyên - Môi trường (TN&MT) và Sở Tài chính.

Nếu như những năm gần đây, mỗi năm TP HCM thu ngân sách số tiền sử dụng đất rất lớn; ít nhất là 14,65 ngàn tỷ và cao nhất là 20,92 ngàn tỷ đồng/năm, thì trong 8 tháng đầu năm nay, tiền sử dụng đất (SDĐ) thành phố thu ngân sách chỉ còn đạt vẻn vẹn 4.453 tỷ đồng. 

Tiền SDĐ thu nộp ngân sách giảm rất mạnh do dự án bị tắc nghẽn, kéo theo số lượng nhà ở do các DN cung cấp ra thị trường cũng có sự thay đổi mạnh, từ mức 42.991 căn vào năm 2017 giảm còn 23.046 căn vào năm 2019 và giảm xuống chỉ còn vẻn vẹn 4.569 căn trong nửa đầu năm nay. 

Thị trường khó khăn là vậy, nhưng hàng chục DN đầu tư BĐS vẫn đang phải kêu cứu vì không được nộp tiền SDĐ khiến dự án bị ách tắc, kéo theo hàng chục ngàn căn hộ không được cấp sổ hồng cho người mua nhà.

Theo thống kê của Hiệp hội BĐS thành phố tại 53 dự án thuộc 12 tập đoàn và doanh nghiệp địa ốc, có đến 28.324 căn nhà (gồm 25.631 căn nhà, chủ yếu là căn hộ chung cư và 2.693 căn officetel) đã bị chậm cấp sổ hồng. Những DN lớn như Tập đoàn Hưng Thịnh bị nghẽn cấp sổ hồng đến 13 dự án với số lượng gần 8.800 căn; Tập đoàn Novaland còn 11 dự án bị chậm cấp sổ hồng với số lượng hơn 7.300 căn.... 

Đặc biệt, trong tổng số 490 dự án nhà ở được phê duyệt từ năm 2015 đến năm 2019, Sở TN&MT thành phố thừa nhận hiện còn hơn 100 dự án đã nộp hồ sơ đề nghị tính tiền SDĐ nhưng chưa được giải quyết. Trước tình trạng bức xúc của DN địa ốc và người mua nhà, ngày 15/9, Sở TN-MT đã tổ chức lễ trao 1.000 sổ hồng cho DN BĐS để trả cho người dân. 

Tuy nhiên, theo giới kinh doanh địa ốc, việc này chỉ là cách để Sở TN&MT “làm màu”, né tránh trách nhiệm với DN. Bởi số lượng sổ hồng trên chẳng thấm vào đâu so với lượng căn hộ tại các dự án đang bị tắc việc cấp sổ hồng từ phía Sở này.

Dự án căn hộ vướng tiền sử dụng đất khiến hàng chục ngàn căn hộ vẫn đang phải chờ được cấp sổ hồng.

Trong văn bản đề nghị UBND thành phố và các sở ngành “đặc biệt quan tâm, khẩn cấp cứu xét” gần đây, Tập đoàn Novaland cho biết, để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN, đồng thời giúp ổn định tâm lý và đời sống cư dân của dự án. 

Novaland đã nhiều lần đề nghị được thành phố xem xét hỗ trợ giải quyết các thủ tục pháp lý còn tồn đọng của dự án. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được xem xét giải quyết các vướng mắc tại 11 dự án (gồm dự án khu phức hợp nhà ở và thương mại dịch vụ tại số 119 Phổ Quang, quận Phú Nhuận; dự án cao ốc văn phòng - thương mại - dịch vụ officetel và căn hộ tại số 38 Trương Quốc Dung, quận Phú Nhuận; dự án khu phức hợp nhà ở và thương mại dịch vụ tại số 130-132 đường Hồng Hà, quận Phú Nhuận; dự án khu nhà ở cao tầng kết hợp thương mại, dịch vụ tại số 108-112B-114 đường Hồng Hà, quận Tân Bình…). 

Những dự án này đều đã được UBND thành phố cho phép chuyển mục đích SDĐ dự án cách đây vài năm. Ngay sau đó, Sở TN&MT đã triển khai thủ tục định giá tiền SDĐ, nhưng đến nay việc này vẫn chưa hoàn tất, chủ đầu tư mới chỉ được tạm nộp tiền SDĐ và còn phải chờ rà soát pháp lý nên hồ sơ nằm tại Sở TN&MT, Sở Tài chính. 

Thậm chí dự án khu thương mại, dịch vụ, văn phòng, officetel và căn hộ tại số 8 Hoàng Minh Giám, quận Phú Nhuận; dự án khu phức hợp thương mại, dịch vụ, văn phòng và căn hộ tại số 146 Nguyễn Văn Trỗi và 223-223B Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận; dự án trung tâm thương mại, officetel và căn hộ tại số 39-39B Bến Vân Đồn, phường 12, quận 4… của Novaland đã được UBND thành phố duyệt phương án giá đất theo giá thị trường và đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính từ lâu; chủ đầu tư cũng đã bán, bàn giao căn hộ cho người dân dọn vào ở, nhưng đến nay việc cấp giấy chứng nhận cho dự án vẫn chưa được Sở TN&MT hoàn thành.

Tập đoàn Hưng Thịnh cũng có nhiều dự án vướng vào tình trạng đã tạm nộp khoản tiền SDĐ rất lớn, nhưng đến nay vẫn chưa được thông báo số tiền SDĐ phải nộp, để nộp bổ sung hoặc được hoàn trả, để được xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, để được cấp sổ hồng cho người mua nhà.

Theo ông Han Suk Jung, Tổng Giám đốc Sơn Kim Land - Chủ đầu tư dự án Gateway Thảo Điền, lý do Sơn Kim Land chưa được Sở TN&MT cấp sổ hồng cho các căn hộ thuộc dự án Gateway Thảo Điền là do diện tích xây dựng khối đế tòa nhà chung cư chỉ có 5.742m² trong khi diện tích tầng hầm DN được cấp phép xây dựng lên đến 9.089m², lớn hơn 3.346m² so với diện tích khối đế tòa nhà. 

Trong khi dự án đã được Sở Xây dựng phê duyệt thể hiện công trình chung cư kết hợp thương mại, dịch vụ, văn phòng gồm 2 phần riêng biệt với toàn bộ diện tích trên, thì ngược lại, Sở TN&MT chưa đồng ý cấp sổ hồng cho dự án vì cho rằng, người mua căn hộ ngoài sở hữu riêng là diện tích căn hộ đã mua, còn được sở hữu chung là 1 phần diện tích tầng hầm đậu xe, trong khi ranh bãi đậu xe vượt ra ngoài diện tích đất. Tình trạng này khiến nhiều năm qua, người mua nhà tại dự án này vẫn chưa được cấp sổ hồng.

Góp ý để giải quyết tình trạng trên, Hiệp hội BĐS thành phố cho rằng cần tách ra để xử lý phù hợp khi người mua nhà là bên ngay tình, vô can; nếu họ đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng mua nhà, thì phải được ưu tiên giải quyết cấp sổ hồng trước. 

Nghĩa vụ tài chính, tiền sử dụng đất bổ sung giữa chủ đầu tư dự án với Nhà nước cần được tách ra để xử lý riêng với điều kiện chủ đầu tư phải cam kết và có giải pháp đảm bảo thực hiện với Nhà nước. 

Cách làm này vừa tránh gây thêm thiệt hại cho chủ đầu tư dự án trong tình hình khó khăn hiện nay, vừa góp phần tăng thu cho ngân sách. Nhất là góp phần ngăn chặn tình trạng người mua nhà khiếu kiện gay gắt, phát sinh tụ tập đông người, căng băng rôn, biểu ngữ, ảnh hưởng đến ANTT như đã xảy ra.

Đ.Thắng
.
.
.