TP Hồ Chí Minh thừa nhà tái định cư, thiếu nhà ở xã hội
- Bi hài ở khu tái định cư: Mua nước sạch chỉ để tắm cho lợn
- Nhức nhối chuyện bồi thường, tái định cư ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm
- “Khủng hoảng thừa” nhà đất tái định cư ở TP. Hồ Chí Minh
Theo kế hoạch phát triển nhà ở xã hội của TP Hồ Chí Minh, thì từ nay đến năm 2020, thành phố sẽ tập trung giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người có thu nhập thấp trên địa bàn thành phố; hiện thành phố đang triển khai 39 dự án với quy mô gần 45.000 căn hộ, dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng hơn 20.000 căn.
Trong đó, có 20% căn hộ để cho thuê, 60% căn hộ để bán trả góp, 20% căn hộ chủ đầu tư bán thương mại để bù đắp chi phí đầu tư. Những dự án này chủ yếu nằm ở các quận 2, 9, 12, huyện Bình Chánh,… Người mua có thể tìm hiểu từng dự án trên website của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh ở mục nhà ở xã hội.
Một lock nhà ở xã hội tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh. |
Về giá bán, theo quy định, nhà ở xã hội có giá bán không quá 15 triệu đồng/m2. Thông tin được Sở Xây dựng công bố, giá bán các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện nay từ 12 đến 14,5 triệu đồng/m², mỗi căn có giá từ 580 triệu đồng đến gần 1 tỉ đồng tùy tiện ích.
Người mua nhà ở xã hội được vay tiền với lãi suất ưu đãi. Điều kiện được vay là có đủ 20% vốn trên tổng giá trị căn hộ, có đủ hồ sơ chứng minh về đối tượng được mua nhà ở xã hội… Thời hạn cho vay tối thiểu là 15 năm và tối đa không quá 25 năm.
Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), hiện nay dân số thành phố gần 13 triệu người, trong đó khoảng 500.000 hộ chưa có nhà. Chưa kể hằng năm có trên 50.000 cặp kết hôn mới nên nhu cầu về nhà ở là rất nhiều.
Dự báo, từ nay đến năm 2020, số hộ dân tại TP Hồ Chí Minh có nhu cầu về nhà ở xã hội khoảng trên 80.000 hộ; nhu cầu nhà giá rẻ trên địa bàn thành phố trong 10 năm tới có thể lên đến khoảng 1 triệu căn. Như vậy, so với nhu cầu, thì đến năm 2020, thành phố mới đáp ứng được khoảng 25%.
Nhu cầu thì lớn, nhưng các nhà đầu tư không tha thiết để đầu tư xây nhà ở xã hội, mà hầu hết làm các dự án nhà ở thương mại.
Theo một số nhà đầu tư, thủ tục hành chính liên quan đến lập dự án và xây dựng nhà ở xã hội còn phức tạp, mất nhiều thời gian; lợi nhuận định mức bị khống chế ở mức 10%; các gói ưu đãi về tín dụng chủ yếu không ổn định, như gói 30.000 tỉ đồng kết thúc nhưng các gói hỗ trợ tiếp theo chưa triển khai, nên doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn...
Về việc “giải bài toán” nhà ở xã hội, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần tháo gỡ khó khăn của người mua và chủ đầu tư. Về phía người mua, nên thống nhất những quy định về lãi suất cho vay cũng như thời hạn được vay mua nhà ở xã hội.
Theo ông Châu, hiện nay khi vay tại Ngân hàng chính sách xã hội, lãi suất cho vay ưu đãi mua nhà ở xã hội là 4,8%/năm (lãi suất quá hạn 130% lãi suất vay), còn khi vay tại 4 ngân hàng thương mại do Nhà nước chỉ định là 5%/năm (lãi suất quá hạn 150% lãi suất vay).
Như vậy chưa hợp lý, mà nên thống nhất cùng một mức lãi suất vay ở các ngân hàng. Đối với chủ đầu tư, Nhà nước cần xem xét có chính sách về thủ tục hành chính thuận lợi hơn; lợi nhuận định mức của toàn bộ dự án nhà ở xã hội không vượt quá 10% tổng chi phí đầu tư sẽ không hấp dẫn nhà đầu tư nên cần xem xét, sửa đổi.
Bên cạnh đó, để phát triển nhà ở xã hội, Chính phủ cần bổ sung vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện đến năm 2020 và cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được vay ưu đãi.
Đồng thời, cần có chính sách tốt nhất cho chủ đầu tư về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp… Nếu giảm được các chi phí này cho chủ đầu tư thì người dân mua nhà sẽ hưởng lợi. Từng bước có thể cho người dân vay mua nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi hơn, từ 3-3,5%/năm.
Trước tình hình thiếu nhà ở xã hội, mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị Trung ương ưu tiên sử dụng các quỹ đất Nhà nước trực tiếp quản lý, do các doanh nghiệp đang sử dụng làm nhà xưởng tại các quận, huyện thuộc diện phải di dời vào các khu công nghiệp, cũng như quỹ đất do các cơ quan Nhà nước hiện đang quản lý, thuộc diện sắp xếp lại, để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước.
Đồng thời hoàn thiện, bổ sung các cơ chế, chính sách về tín dụng, thuế, thủ tục đầu tư... để khuyến khích doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội cho thuê, nhà ở thương mại giá thấp phù hợp với yêu cầu sinh sống của công nhân khu công nghiệp, người có thu nhập thấp ở đô thị...
Nhiều người dân có ý kiến, hiện nay TP Hồ Chí Minh còn dư khoảng 14.000 căn hộ tái định cư, số căn hộ này để hoang quá lâu nếu không sử dụng sẽ tiếp tục xuống cấp, hư hỏng rất lãng phí.
Do đó, trước mắt có thể bán những căn hộ tái định cư đang dư dưới dạng nhà ở xã hội. Như vậy vừa đỡ lãng phí, vừa giải quyết được nhu cầu nhà ở cho người dân và hạn chế kẹt xe…
Để đáp ứng được nhu cầu về nhà ở của người dân, ngoài việc bán các căn nhà tái định cư dư thừa theo dạng nhà ở xã hội, Nhà nước cũng cần tham gia giám sát chặt chẽ quá trình triển khai quy hoạch, công tác đầu tư xây dựng.
Vì hầu hết các dự án nhà ở xã hội đều xây chậm tiến độ theo quy định, chất lượng cũng không đảm bảo, ảnh hưởng đến người mua nhà. Cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính nhằm đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.