Đô thị mới Hoài Nhơn - "Cơ hội vàng cho các nhà đầu tư"

Thứ Bảy, 18/01/2020, 10:50
Từ cuối tháng 11-2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1672/QĐ- TTg về việc phê duyệt đồ án Quy hoạch Vùng tỉnh Bình Định đến năm 2035, xác định huyện Hoài Nhơn sẽ trở thành đô thị loại IV trực thuộc tỉnh Bình Định. Đến năm 2035, Hoài Nhơn sẽ trở thành đô thị loại III…


Và, chưa đầy một năm sau, tin vui đã đến với người dân Hoài Nhơn và tỉnh Bình Định nói chung. Đó là ngày 25-10-2019 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã có quyết định công nhận khu vực dự kiến thành lập thị xã Hoài Nhơn đạt tiêu chí đô thị loại IV, mở ra cơ hội mới để phát triển vượt bậc vùng đất cửa ngõ phía Bắc tỉnh Bình Định.

Thật ra, không phải đợi đến bây giờ mà hơn 10 năm trước, UBND tỉnh Bình Định cũng đã có quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, xác định Hoài Nhơn là đô thị hạt nhân vùng phía Bắc tỉnh Bình Định; hình thành nơi đây một trung tâm thương mại dịch vụ - du lịch, sản xuất tiểu thủ công nghiệp phát triển theo hướng đô thị bền vững; có điều kiện kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng đáp ứng đầy đủ theo tiêu chuẩn đô thị loại IV. 

Ông Phạm Trương, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hoài Nhơn, phấn khởi nói rằng, việc định hướng xây dựng và phát triển đô thị Hoài Nhơn trở thành thị xã trực thuộc tỉnh Bình Định là tâm huyết của Đảng bộ, chính quyền; cũng là mong muốn của nhân dân Hoài Nhơn trong nhiều năm qua, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh và các nguồn lực của địa phương, tạo cơ hội và động lực cho Hoài Nhơn phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng cho tỉnh Bình Định nói riêng và đất nước nói chung.

Theo lịch sử, phủ Hoài Nhơn có từ thời vua Lê Thánh Tôn (1470). Hoài Nhơn lúc mới hình thành gồm 3 huyện: Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn, bao trùm cả vùng đất Bình Định rộng lớn. Như vậy, địa danh Hoài Nhơn đã có bề dày lịch sử trên 500 năm. Ngày nay, Hoài Nhơn thu hẹp lại thành một huyện nằm ở phía Bắc tỉnh Bình Định, giáp ranh với huyện Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi. 

Đặc biệt, phía Đông huyện Hoài Nhơn tiếp giáp biển nên vùng đất này cũng là nơi phát triển mạnh về nghề cá; nhất là nghề câu cá ngừ đại dương. Ông Cao Thanh Thương, Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn cho rằng, huyện Hoài Nhơn ngày nay tuy  diện tích không rộng, nhưng địa lý đa dạng có đồng bằng, trung du, ven biển và thị trấn Bồng Sơn sầm uất. 

Bên cạnh, có Quốc lộ 1A và đường sắt chạy song song qua địa phận huyện, xuyên suốt chiều dài Bắc-Nam, với hơn 29km. Từ Bồng Sơn lên Hoài Ân và An Lão có đường liên huyện. Sau ngày giải phóng, để cải thiện đời sống cư dân vùng sát biển, Hoài Nhơn đã mở thêm đường số 4 nối từ Tam Quan Bắc qua Hoài Hương đến An Đông, Bồng Sơn dài 20km… 

Đặc biệt, Hoài Nhơn chỉ cách TP Quy Nhơn 85km; cách sân bay Phù Cát hơn 75km. Cửa ngõ phía Bắc huyện Hoài Nhơn là Sa Huỳnh (Đức Phổ, Quảng Ngãi), có bãi biển cát vàng tuyệt đẹp đang phát triển mạnh về du lịch biển. Trong khi, vùng ven biển Hoài Nhơn nối từ Sa Huỳnh vào phía Nam, bãi biển đẹp không kém, lại có cửa biển Tam Quan, nổi tiếng là “thủ phủ” của nghề câu cá mập đại dương. 

Và, xứ dừa Tam Quan của Hoài Nhơn cũng đã đi vào thơ ca, nhạc, họa: “Công đâu, công uổng, công thừa. Công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan”. Đến Bình Định mà chưa thưởng thức đặc sản dừa Tam Quan, xem như du khách đã uổng phí một chuyến đi. Không như dừa miền Nam, trái dừa Tam Quan khá to, lại nhiều nước; nước dừa có vị ngọt thanh, sẽ làm đã cơn khát cho lữ khách trên hành trình ngược Bắc, xuôi Nam; nhất là vào mùa hè nắng nóng. 

Rồi đặc sản bánh tráng dừa, nước mắm dừa, dầu dừa… “Nói về đặc sản Hoài Nhơn, trong đó có đặc sản dừa Tam Quan có khi nói cả một ngày trời không hết. Chuyện này xin tạm gác lại, sau này có dịp sẽ kể anh nghe cặn kẽ hơn. Then chốt của vấn đề ở đây là tôi muốn nói về sự hình thành thị xã Hoài Nhơn và tiềm năng phát triển của đô thị mới này trong tương lai gần”, ông Cao Thanh Thương giải thích, như bày tỏ nỗi lòng.              

Theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, khu vực dự kiến thành lập thị xã Hoài Nhơn (hiện là huyện Hoài Nhơn, Bình Định) có tổng diện tích 420,84km2. Trong đó, khu vực nội thị bao gồm 2 thị trấn Bồng Sơn và Tam Quan; 9 xã: Hoài Thanh, Hoài Thanh Tây, Tam Quan Nam, Tam Quan Bắc, Hoài Hảo, Hoài Tân, Hoài Hương, Hoài Xuân và Hoài Đức. Khu vực ngoại vi dự kiến 6 xã: Hoài Sơn, Hoài Châu, Hoài Châu Bắc, Hoài Phú, Hoài Mỹ và Hoài Hải… 

Ông Nguyễn Văn Đẹp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Nhơn, cho biết thêm: Hiện tại, dân số của Hoài Nhơn hơn 212 nghìn người; trong đó, khu vực nội thị được tính cho 11 phường khoảng 155 nghìn người và dân số ngoại thị trên 57 nghìn theo định hướng quy hoạch chung được phê duyệt. Đến năm 2035, đô thị Hoài Nhơn sẽ phát triển theo 4 khu vực. 

Trong đó, khu vực 1 phát triển đô thị trung tâm Bồng Sơn (gồm thị trấn Bồng Sơn và các xã Hoài Xuân, Hoài Tân, Hoài Đức), là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, dịch vụ thương mại… Đây cũng chính là trung tâm hành chính – chính trị của thị xã Hoài Nhơn. Khu vực 2, phát triển thị trấn Tam Quan và các xã Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam, Hoài Hảo trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ cảng biển, neo đậu tàu thuyền, dịch vụ du lịch. 

Còn trung tâm thương mại dịch vụ kết hợp du lịch văn hóa lịch sử và phát triển khu ở mới Hoài Thanh Tây là khu vực 3 và khu vực 4 là trung tâm du lịch, dịch vụ thương mại và khu ở mới xã Hoài Hương. Để phát triển đô thị Hoài Nhơn trong tương lai, huyện đã có đề án cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật về giao thông; hệ thống cấp, thoát nước; cấp điện; xây dựng các khu dân cư mới…

Cụ thể như, về giao thông sẽ cải tạo kết hợp xây dựng mới mạng lưới đường bộ hoàn chỉnh và liên thông tăng cường kết nối liên huyện, liên vùng và cả nước, phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông quốc gia, vùng và tỉnh Bình Định. Bao gồm, xây dựng mới các tuyến đường cao tốc Quảng Ngãi – Bình Định chạy qua Hoài Nhơn. Cải tạo nâng cấp tuyến QL1 thành trục chính kết nối tất cả các khu chức năng, tạo động lực phát triển đô thị. Cải tạo nâng cấp kết hợp xây dựng mới tuyến đường ven biển (ĐT.639), quy mô đường cấp III đồng bằng. Cải tạo nâng cấp đường Tây tỉnh (ĐT638) đạt tiêu chuẩn đường cấp V, kết nối vùng cho các xã phía Tây huyện và với các huyện phía Tây tỉnh Bình Định, phục vụ phát triển kinh tế và dịch vụ du lịch. Cải tạo nâng cấp kết hợp xây dựng mới tuyến kết nối từ đường cao tốc Bắc Nam tại nút giao phía Bắc huyện đi huyện An Lão nối với QL24 đi Tây Nguyên qua huyện Kon Plông tỉnh Kon Tum... 

Đối với đường thủy, tập trung phát triển cảng cá, khu neo đậu tạo động lực khai thác tiềm năng phát triển kinh tế biển. Đồng thời khai thác hiệu quả tuyến đường sắt quốc gia phù hợp với các giai đoạn đầu tư cải tạo nâng cấp hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam (theo quy hoạch ngành) phục vụ phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bình Định nói chung và của đô thị Hoài Nhơn nói riêng. Cải tạo nâng cấp các ga Bồng Sơn và Tam Quan.; xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao, đoạn chạy qua tỉnh Bình Định dài 115,0km. Đặc biệt, xây dựng các trung tâm tiếp vận hàng hóa và hành khách giữa các phương thức vận tải: khu vực ga Bồng Sơn, Tam Quan chuyển tải đường bộ và đường sắt; trung tâm tiếp vận – Logistic cảng cá, bến đường thủy Tam Quan chuyển tải đường thủy và đường bộ... 

Trong khu vực đô thị, lập quy hoạch các khu dân cư Bồng Sơn, Tam Quan, Hoài Thanh Tây, Hoài Hương; xây dựng quỹ đất 2 bên sông Cạn. Đồng thời, hình thành khu đô thị mới dọc đường kết nối Quốc lộ 1A cũ với Quốc lộ 1A mới tại Km 1145+540, thị trấn Bồng Sơn; các khu Thương mại dịch vụ tại khối 1, 3 thị trấn Bồng Sơn; Tam Quan; dọc sông Lại Giang (Bồng Sơn, Hoài Xuân, Hoài Đức); dọc Quốc lộ 1A, như khu đồng Phú Trăng - Hoài Tân; khu Đồng Đất Chai - Hoài Thanh Tây… 

Các khu đô thị Phú Mỹ Lộc (Tam Quan); ven sông Lại Giang (Hoài Xuân); khu dân cư và nhà ở xã hội - dịch vụ bến xe Bồng Sơn… Cùng với đó, xây dựng mới các công trình công cộng; hoàn chỉnh công trình di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch; các cơ sở y tế, giáo dục, công trình văn hóa, trung tâm thương mại dịch vụ, siêu thị… Ngoài ra, sẽ hình thành các cụm công nghiệp

Hoài Châu; Ngọc Sơn (Hoài Thanh Tây); Đệ Đức (Hoài Tân); Hoài Hương; Thiết Đính Bắc. Các dự án khu du lịch bãi biển, sinh thái như: Khu du lịch Bãi Con (Hoài Hải); khu du lịch bãi biển Lộ Diêu (Hoài Mỹ); khu du lịch sinh thái Suối Vàng (Hoài Sơn), La Vuông (Hoài Sơn), Đập Cấm (Hoài Châu), Nam Bãi tắm Thiện Chánh (Xã Tam Quan Bắc); hồ Cây Khế; du lịch tâm linh kết hợp du lịch sinh thái Chùa Mười Liễu; du lịch đường thủy trên sông Lại Giang…

Có thể nói, việc hình thành đô thị Hoài Nhơn đã mở ra “cơ hội vàng” cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Chính quyền và nhân dân Hoài Nhơn cùng đồng thuận, tạo điều kiện tối ưu cho các nhà đầu tư để chung tay xây dựng thị xã Hoài Nhơn phát triển bền vững. 

Giai đoạn trước mắt tập trung ưu tiên các nguồn lực để chỉnh trang đô thị hiện hữu, đầu tư các khu đô thị mới và hạ tầng đô thị còn thiếu để đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị và hoàn thiện đô thị loại IV. Từ đó, làm cơ sở đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng xã hội cấp đô thị theo các tiêu chuẩn của đô thị loại III.

L.V
.
.
.