Những siêu lừa BĐS và hiệu ứng domino
Cách đây 9 năm, Công an TP Hà Nội đã khám phá vụ án lừa đảo chiếm đoạt 28 tỷ đồng từ việc bán nhà dự án tại 58 Kim Mã, quận Ba Đình với kẻ chủ mưu là Cao Thái (đã lĩnh án tù chung thân). Đây được coi là vụ án đầu tiên và lớn nhất cả nước về một loại tội phạm mới hoạt động theo phương thức này. Song, đến nay, đã có tới 350 vụ án lừa đảo bằng thủ đoạn trên được khám phá tại Hà Nội cho thấy một thực tế, tội phạm lừa đảo liên quan tới các dự án nhà đất, bất động sản có chiều hướng gia tăng và thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt.
Dự án "ma" và những cú lừa bạc tỷ
Trong số những tội phạm thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản thì tội phạm lừa đảo thường có nhiều mưu mô, thủ đoạn hơn cả. Từ việc kiên trì tiếp cận làm quen người khác, quảng cáo hình ảnh bản thân tới việc tung tin không có thật về các dự án nhà, khiến nhiều người cả tin để rồi trao giấy tờ, tài sản cho chúng là cả một nghệ thuật. Riêng trong lĩnh vực lừa đảo nhà bằng những dự án "ma" càng cho thấy những thủ đoạn của chúng đa dạng, mới mẻ, tinh vi với mục đích càng nhiều người sập bẫy càng tốt.
Điển hình nhất là vụ lừa tại Công ty Sàn bất động sản Việt
Theo các chuyên gia, loại tội phạm này đang diễn ra khá phổ biến tại các thành phố lớn, các khu đô thị đông dân cư với quy mô lớn và thủ đoạn ngày càng trắng trợn, cộng với sự quyết tâm phạm tội tới cùng của bọn tội phạm. Nó được ví như hiệu ứng domino bởi hậu quả gây ra không chỉ với một người mà nhiều người, nhiều gia đình. Thiệt hại vật chất cũng là những con số rất lớn mà nếu so với những vụ lừa đảo thông qua xuất khẩu lao động, việc làm… thì chỉ là những con số quá khiêm tốn. Bên cạnh đó, nhiều gia đình cũng tan cửa, nát nhà, vợ chồng ly tán vì bị cuốn vào vòng xoáy của những dự án này. Phải trải qua một thời gian dài, những hậu quả trên mới được khắc phục.
Thủ đoạn ngày càng tinh vi
Dự án "ma", dự án nhà "trên trời" được hiểu là những dự án không có trong thực tế. Song, để có được những dự án hoành tráng, mang tính khả thi, với tư cách là cá nhân hay tổ chức, bọn lừa đảo sẵn sàng tạo dựng ra những dự án với bản thiết kế chi tiết, phối cảnh bắt mắt rồi quảng cáo rộng rãi những dự án này để càng nhiều người biết càng tốt. Trong một số vụ án, bọn tội phạm cũng bày ra việc tiến hành các thủ tục xin đầu tư như các dự án thật, tạo ra hoạt động xin phép đầu tư, kêu gọi đầu tư, nhưng thực tế không bao giờ có những dự án đầu tư đó.
Xin nêu một vụ án điển hình: Tháng 7/2011, Công an TP Hà Nội đã thực hiện lệnh bắt tạm giam với đối tượng Nguyễn Hữu Trọng (30 tuổi), Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Thương mại quốc tế Galaxy BSG Việt Nam (viết tắt là Công ty Galaxy - trụ sở 21M2 Khu đô thị mới Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội), về hành vi sử dụng giấy tờ giả mạo để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong việc bán nhà chia lô tại dự án không có thật mang tên "Dự án nhà ở dân cư chất lượng cao Galatic BSG", địa chỉ ô đất C12-1 Khu đô thị Nam Trung Yên.
Trọng phạm tội không đơn độc. Kẻ liên quan đến vụ án nghiêm trọng này là "người đẹp" Nguyễn Nha Trang, một trùm lừa đảo bất động sản đã bị cơ quan An ninh điều tra bắt giam. Lợi dụng thời gian được tại ngoại do nuôi con nhỏ, Nguyễn Nha Trang tiếp tục lừa đảo dự án với những thủ đoạn tinh vi. Nhiều người bị hại đã mắc bẫy với thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng...
Cơ quan điều tra tiến hành khám xét nơi làm việc của Nguyễn Việt Hà, Trưởng Văn phòng luật sư Việt - Mỹ chiếm đoạt hơn 11 tỷ đồng của người mua đất dự án sân bay Phú Quốc, Kiên Giang. |
Các dự án chỉ có giá trị khi được thẩm định và phê chuẩn của các cơ quan có thẩm quyền. Vì vậy, để hồ sơ dự án có đầy đủ các loại giấy tờ, chúng sẵn sàng làm con dấu giả, chữ ký giả, phê duyệt giả, các quyết định giao đất giả của các cơ quan liên quan như UBND tỉnh, thành phố, Sở Tài nguyên - Môi trường; Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Quy hoạch - Kiến trúc… Trong số những vụ án được khám phá, những vụ án liên quan đến giấy tờ giả chiếm tới 50% tổng số vụ.
Vụ án lừa đảo, giả mạo giấy tờ mà Hà Anh Tuấn (29 tuổi), trú tại phường Chu Hóa, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, bị Công an TP Hà Nội bắt ngày 13/8 có thể coi là một ví dụ. Hai tuần sau khi Tuấn bị bắt, cơ quan CSĐT đã xác định được hơn 10 bị hại liên quan đến vụ rao bán nhà "suất ngoại giao" với giá ưu đãi để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của họ. Tại CQĐT, bước đầu, Tuấn đã khai nhận hành vi lừa đảo núp dưới danh nghĩa cán bộ một ban quản lý thuộc Cục Hàng không dân dụng Việt
Tiếp đó, chiều 26/8, Công an TP Hà Nội tiến hành bắt giữ 2 đối tượng Nguyễn Việt Hà (49 tuổi), Trưởng Văn phòng luật sư Việt - Mỹ có trụ sở tại tầng 4, số nhà 11, ngõ 34 đường Nguyên Hồng, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội và Nguyễn Huy Vui (47 tuổi), tạm trú tại 152 Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Quang Tấn, trụ sở tại 152 Quán Thánh.
Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đã phê chuẩn lệnh tạm giam 4 tháng đối với 2 đối tượng nêu trên về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đơn trình báo của các bị hại, và các tài liệu thu thập được cho thấy, hai kẻ lừa đảo đã chiếm đoạt hơn 11 tỷ đồng của một số bị hại, hứa hẹn để thi công san lấp mặt bằng trong dự án xây dựng sân bay quốc tế Phú Quốc, Kiên Giang. Hiện vụ việc đang được mở rộng điều tra, xác định thêm bị hại và các "chân rết" liên quan đến vụ án.
Mỗi năm có hàng trăm dự án nhà và không phải người dân nào cũng có điều kiện tìm hiểu các dự án trước khi mua. |
Sau khi đã tạo dựng ra các dự án "ma", lúc này, các đối tượng mới tìm cách móc nối, chiêu dụ khách hàng. Thông qua các quan hệ xã hội, chúng tìm mọi cách để tiếp cận, đặc biệt là thông qua những người ảnh hưởng đến người khác để lôi kéo được càng nhiều người càng tốt (như người có nhiều tài sản, người có kinh nghiệm kinh doanh bất động sản hay người có uy tín trong dòng họ, người có chức vụ, quyền hạn…). Tất cả những việc này đều được chúng tính toán kỹ càng đến từng chi tiết. Thậm chí, chúng còn đánh vào tâm lý kín đáo của những người kinh doanh bất động sản. Việc mua bán nhà nhiều khi được giữ kín, không ồn ào nên khi biết mình là nạn nhân của vụ lừa đảo, họ làm đơn tố cáo tới các cơ quan bảo vệ pháp luật thì các đối tượng đã cao chạy xa bay.
Chú trọng công tác phòng ngừa
Sau 9 năm triển khai chuyên đề đấu tranh và phòng ngừa với tội phạm lừa đảo thông qua các dự án nhà ở, lực lượng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV - Công an TP Hà Nội đã điều tra, khám phá được 350 vụ án, buộc các đối tượng lừa đảo phải nhận sự trừng phạt của pháp luật. Tuy nhiên, thời gian gần đây, loại tội phạm này lại tái diễn do nhận thức của người dân về các dự án nhà còn hạn chế. Mặt khác, cũng không thể không nói tới các dự án những năm gần đây quá nhiều mà để tìm hiểu cụ thể một dự án là hết sức khó khăn.
Bên cạnh đó, nhu cầu mua nhà để ở hoặc đầu tư của người dân cũng ngày một tăng bởi đổ tiền vào việc đầu tư nhà đất thường mang lại những khoản lợi nhuận rất lớn. Gần đây lại có thêm mô hình nhà ở xã hội, nhà cho người có thu nhập thấp (với 11 dự án và 14.000 căn hộ) cũng dẫn đến tình trạng nhiều đối tượng lợi dụng, móc nối để đầu tư bán kiếm lời.
Để phòng ngừa có hiệu quả với tội phạm lừa đảo trong lĩnh vực bất động sản, trước hết, các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ với những cơ quan hữu quan như: Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Quy hoạch - Kiến trúc để tiến hành các mặt công tác phòng ngừa cơ bản. Trong đó, đề xuất với UBND TP giao các Sở công khai tính hiện thực của các dự án nhà ở tại Hà Nội. Cùng với nó là việc xem xét lại 720 dự án đã được phê duyệt để chủ động phòng ngừa và kịp thời phát hiện những sai phạm từ các dự án này.
Sản phẩm bất động sản luôn chịu sự điều tiết của rất nhiều luật hay chính sách. Mỗi thời kỳ lại có những thay đổi cho phù hợp với tình hình, song vẫn có những lỗ hổng mà tội phạm tìm hiểu kỹ và triệt để lợi dụng. Ngay khi một chính sách mới ban hành, tội phạm đã bám theo để tìm sơ hở hoạt động. Vì thế, việc tổ chức phòng ngừa từ xa, đấu tranh với tội phạm tham nhũng đất đai, tội phạm lừa đảo trong lĩnh vực bất động sản phải được coi trọng đặc biệt nhằm đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này.
Để không trở thành bị hại của các vụ lừa đảo liên quan đến bất động sản, người dân cũng cần tỉnh táo khi tham gia vào các giao kết với chủ đầu tư. Cần tìm hiểu kỹ về những vấn đề liên quan đến dự án, tư cách pháp nhân của chủ đầu tư, cách thức huy động vốn, các hình thức thanh lý hợp đồng… Sự tỉnh táo của khách hàng cũng là cách tự bảo vệ mình, không để kẻ xấu có cơ hội lợi dụng biến họ thành con mồi trong những vụ lừa đảo quy mô lớn.
Cùng với những biện pháp trên, phải có những văn bản pháp luật hướng dẫn để thống nhất nhận thức giữa các cơ quan liên ngành, tránh tình trạng không thống nhất về cách hiểu, đánh giá bản chất sự việc, xác định đâu là quan hệ dân sự, đâu là quan hệ hình sự. Đây chính là cơ sở cho việc đấu tranh và phòng ngừa với tội phạm lừa đảo trong lĩnh vực bất động sản thật sự có hiệu quả và hạn chế những bất đồng quan điểm giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.
Một điều tra viên chuyên điều tra những vụ án lừa đảo bằng dự án giả cung cấp thêm một thủ đoạn đặc thù của loại tội phạm này. Cũng là tội phạm lừa đảo, nhưng các đối tượng lừa đảo trong lĩnh vực bất động sản còn rất giỏi trong việc tính toán để nếu có bị pháp luật sờ gáy thì vẫn có khả năng thoát hiểm, đó là việc chúng chối tội. Cụ thể, khi mua nhà giữa chủ đầu tư và khách hàng, chúng không làm hợp đồng mua bán nhà mà lập ra những bản cam kết mua hộ nhà đất. Sự giao kết này dẫn tới nhiều cách hiểu khác nhau khi đánh giá bản chất sự việc và bất đồng về quan điểm xử lý. Bởi nếu là bản cam kết đó thì đây chỉ là quan hệ dân sự chứ không có dấu hiệu cấu thành tội phạm lừa đảo. |