Nhu cầu ảo, rủi ro thực chực chờ người mua đất nền vùng ven
- “Cò đất” tung tin nhảm, thổi giá đất ở Đông Hà
- Đất nền ở quận 2, TPHCM tăng chóng mặt, người dân chuyển hướng mua căn hộ
Tình trạng thiếu căn hộ với giá trên dưới 1 tỷ đồng/căn phục vụ đối tượng thu nhập thấp tại TP Hồ Chí Minh cộng với thông tin về hạ tầng kết nối giữa thành phố với các tỉnh lân cận trong tương lai đã khiến nhiều người quay sang tìm mua đất nền ở vùng ven với mong muốn tạo dựng nhà ở.
Nắm được xu hướng này, giới đầu cơ đất đã đồng loạt nhảy vào tìm cơ hội lướt sóng trong ngắn hạn. Cùng lúc, “cò” và đội ngũ môi giới đông đảo cũng tập trung về, dùng những lời có cánh để “thổi” bùng giá đất, khiến giá giao dịch đất vùng ven tăng chóng mặt thời gian gần đây.
Kết quả khảo sát được một trang bất động sản có uy tín công bố mới đây cho thấy, trong quý I-2019, đất thổ cư và đất nền dự án có sức hấp dẫn lớn nhất. Đất thổ cư, đất nền dự án nhận được sự quan tâm, tìm kiếm tăng thêm 20% so với một năm trước đó.
Tại TP Hồ Chí Minh, giá đất thổ cư và đất nền dự án tại quận 9 được quan tâm nhiều nhất. Tiếp đó, đất nền ở quận Thủ Đức và huyện Bình Chánh cũng nhận được nhiều sự quan tâm của người mua. Đất nền tại các tỉnh lân cận như TP Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai); thị xã Thuận An và TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) và huyện Đức Hòa (Long An) cũng nhận được nhiều sự quan tâm của người mua.
Hiện tượng người dân đem tiền đổ xô đi mua đất nền, đất vườn, thậm chí là cả đất ruộng; người mua trước nhờ “cò” hoặc nhờ môi giới “thổi” giá lên để bán lại cho người mua sau càng khiến giá đất tại những khu vực trên tăng nóng chưa có điểm dừng.
Nhà đầu tư cần thận trọng khi mua đất nền vùng ven. Ảnh minh họa: Hạ Vy |
Giao dịch đất nền cùng các loại đất khác gia tăng, nhưng chủ yếu là mua để đầu cơ hoặc lướt sóng, nên tại TP Hồ Chí Minh lượng giấy phép xây dựng cấp ra cho người dân từ đầu năm đến nay đã giảm 16%. Tại Bình Dương cũng vậy, từ nhiều năm qua, các khu đất nền ở TP Mới người ở còn rất thưa thớt, nhưng giao dịch đất nền tại các dự án khác lại rất sôi động.
Ông Hiếu, một người môi giới đất ở Bình Dương nhìn nhận, quỹ đất ở tại các khu dân cư cũ của các huyện, thị thuộc Bình Dương còn rất nhiều. Các hộ dân chỉ cần tách thửa khi con cái có nhu cầu ra ở riêng và đây cũng là nguồn cung đất nền rất lớn.
Đối tượng mua đất nền để tạo dựng nhà ở tại Bình Dương chủ yếu là công nhân và người từ các địa phương khác đến làm ăn, sinh sống. Nhưng hiện giá đất nền tại một số dự án ở thị xã Thuận An, thị xã Dĩ An và một số địa bàn khác đã được các chủ đầu tư và sàn môi giới bất động sản đẩy lên mức 20 - 25 triệu đồng/m².
Hơn tỉ đồng một nền đất, mức giá này vượt xa khả năng chi trả của phần đông người lao động có nhu cầu về nhà ở tại Bình Dương nên sau thời gian dài bán ra, nhiều dự án khu dân cư mới tại nhiều nơi của Bình Dương vẫn không được người mua nền tiến hành xây cất. Điều này càng cho thấy đất nền tại đây chủ yếu là hàng hóa để người đầu tư “lướt sóng”, người mua trước cộng dồn lãi vay và lợi nhuận vào người mua sau, đẩy giá đất nền ngày một cao.
Trước thực trạng trên, ông Hiếu đặt vấn đề: “Với giá trên 20 triệu/m² đất nền dự án tại các huyện, thị của Bình Dương, người đầu tư cuối cùng sẽ còn hy vọng thu lợi được nữa hay không nếu không nói là quá rủi ro khi thị trường chững lại?”.
Sau nhiều năm được rao bán, đất nền tại một dự án vẫn để cỏ mọc hoang hóa. |
Trong khi người mua, người bán đều chủ yếu thông qua “cò” hoặc đội ngũ môi giới của các sàn giao dịch bất động sản thì thông tin được ông Trần Minh Hoàng, Phó tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đưa ra vào ngày 15-5 vừa qua đã khiến không ít người đang có ý định đầu tư mua đất phải nhìn lại.
Theo ông Hoàng, ông đã xem nhiều trang thông tin, quảng báo rao bán bất động sản nhưng có đến 90% thông tin mà những người môi giới rao bán là không chính xác! Cùng lúc, nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng hoạt động môi giới nhà, đất thời gian qua không được quản lý, chưa có chế tài để quy trách nhiệm.
Từ đó, nhiều người sẵn sàng nói sai sự thật, tìm mọi cách để chiêu dụ, lừa dối khách hàng. Đã vậy, đầu tư mua đất nền vùng ven, người dân cũng đối mặt với không ít rủi ro về pháp lý dự án, thời hạn giao đất, về quy hoạch chung hoặc hạ tầng phục vụ khu dân cư…
Thực tế cho thấy, gần đây chính quyền TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai mới chính thức gặp gỡ để bàn bạc việc hợp tác xây cầu Cát Lái nối từ quận 2 của TP Hồ Chí Minh sang huyện Nhơn Trạch của Đồng Nai.
Từ khi bàn thảo đến triển khai các thủ tục như thi tuyển thiết kế kiến trúc mẫu cầu, các thủ tục đầu tư và thời gian xây dựng cầu… cũng còn phải chờ 5-7 năm nữa, trong đó chỉ riêng thời gian để xây cầu cũng đã mất khoảng 3 năm nhưng nhiều người dân đã theo “cò” và đội ngũ môi giới đổ xô về mua đất tại Nhơn Trạch.
Thời điểm đất nền tại vùng ven TP Biên Hòa mới chỉ được rao bán trên dưới 10 triệu đồng/m² thì các khu đất vườn, đất ruộng tại nhiều xã của Nhơn Trạch đã được đẩy lên cao ngất ngưởng.
“Ngoài những người đầu tư lướt sóng ngắn hạn để kiếm lời, những người mua đất với mục đích đầu tư dài hạn sẽ trông chờ gì sau 5-7 năm nữa khi đã phải mua đất với giá quá cao như hiện nay?” câu hỏi do chính một “cò” đất ở Nhơn Trạch đặt ra cho những người đang có ý định đầu tư đất dài hạn tại đây.