“Mạnh tay” lập lại trật tự xây dựng tại TP Hồ Chí Minh

Thứ Bảy, 03/08/2019, 09:13
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, xây dựng sai phép và trái phép vẫn tồn tại và việc tồn tại đó có lợi cho một số đối tượng. Những đối tượng có lợi ở đây là “cò”, là người dân thuê ở đó. 

Biết rõ xây dựng trái phép là vi phạm và sẽ bị đập bỏ công trình nhưng vì nhu cầu cần có nhà ở nên họ chấp nhận. Đối với các cán bộ công chức, nếu không xử lý thì cũng chẳng làm sao nên vẫn để tồn tại…

Theo ông Lê Trần Kiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, năm 2017, 2018 và 6 tháng đầu năm nay, tổng số công trình xây dựng không phép, không đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn thành phố là 2.573 trường hợp. 

“Vi phạm phổ biến là xây dựng trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trên đất không được phép xây dựng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên là do tốc độ đô thị hóa nhanh; tình hình dân số cơ học tăng cao, nhưng việc triển khai thực hiện quy hoạch đối với các dự án phát triển nhà ở, các dự án hạ tầng kỹ thuật và các công trình công cộng, phúc lợi xã hội không theo kịp...”, ông Kiên cho biết.

Nhìn nhận nguyên nhân ở phương diện chủ quan, lãnh đạo Sở Xây dựng cho rằng để xảy ra tình trạng trên là do chính quyền cấp cơ sở một số nơi chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng, chưa chủ động đấu tranh, tuyên truyền, vận động, phát hiện ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng. UBND một số quận, huyện chưa đánh giá đúng thực trạng, chưa phân tích, dự báo tình hình dẫn đến phát sinh các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng. 

Cùng lúc, trình độ năng lực chuyên môn của công chức làm công tác quản lý Nhà nước về xây dựng trên địa bàn chưa đồng đều...

Để ngăn chặn tình trạng trên, Sở Xây dựng đưa ra 7 nhóm giải pháp thực hiện trong thời gian tới, trong đó có hoàn thiện quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc phục vụ công tác cấp giấy phép xây dựng; nâng cao công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thực hiện thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ viễn thám (GIS) trong công tác quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng; Đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân, trong đó phấn đấu hoàn thành 20.000 nhà ở xã hội năm 2020...

Cả dãy nhà xây dựng trái phép trên đất quy hoạch công viên cây xanh ở quận Thủ Đức bị đập bỏ.

Đại diện UBND huyện Hóc Môn cho rằng cần bàn giao Đội Thanh tra phụ trách xây dựng địa bàn về UBND quận, huyện quản lý nhằm tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương. 

Mặt khác, UBND thành phố cần có hướng dẫn thủ tục cho chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất xây dựng đối với thửa liền kề công trình, nhà ở bị giải tỏa một phần bởi dự án phục vụ lợi ích công cộng mà không cần yêu cầu thủ tục đăng ký kế hoạch sử dụng đất. Đồng thời hướng dẫn về thủ tục, hình thức văn bản dạng quyết định xử lý “Dừng thi công xây dựng” đối với các vi phạm xây dựng không phép, sai phép nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời, tránh phát sinh các vi phạm xây dựng.

Để ngăn chặn xây dựng không phép, ông Trần Phú Lữ, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh đề nghị Sở Tài chính sớm tham mưu trình UBND thành phố xem xét nguồn kinh phí thực hiện cưỡng chế công trình vi phạm xây dựng. 

UBND thành phố cần xem xét sớm thu hồi các dự án đầu tư không thực hiện; chậm triển khai thực hiện hoặc không thực hiện đúng theo tiến độ cam kết; các dự án chủ đầu tư không có năng lực tổ chức thực hiện dự án đề xuất tổ chức đấu thầu, giao lại dự án đầu tư cho các nhà đầu tư có năng lực thực sự; có điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Ngoài ra cần có chương trình xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án theo quy hoạch được duyệt, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp tại địa bàn có tốc độ đô thị hóa cao như xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Bình Hưng, Tân Kiên…

Nhắc lại số vụ xây dựng sai phạm được phát hiện trong 6 tháng đầu 2019 ở mức 8,5 vụ/ngày, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cảm thấy băn khoăn trước xu hướng xây dựng sai phạm đang tăng lên, mức độ mỗi nơi mỗi khác. 

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, xây dựng sai phép và trái phép vẫn luôn tồn tại và việc tồn tại đó có lợi cho một số đối tượng. Những đối tượng có lợi ở đây là “cò”, là người dân thuê ở đó. Họ biết rõ xây dựng trái phép là vi phạm và sẽ bị đập bỏ công trình, nhưng vì nhu cầu cần có nhà ở nên chấp nhận. Đối với các cán bộ công chức, nếu không xử lý thì cũng chẳng làm sao nên vẫn để tồn tại…

Từ nhận diện này, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng thành phố cần phải tính toán áp dụng những giải pháp để những người vi phạm xây dựng phải gặp bất lợi chứ không phải đang có lợi như hiện nay. Cùng lúc phải làm thế nào để những cán bộ không làm tốt nhiệm vụ phải bị xử lý. Thậm chí, những người xây dựng hay các đầu nậu liên quan đến xây dựng trái phép cũng phải bị xử lý.

Để tăng tính răn đe trong xử lý xây dựng trái phép, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, với những công trình đã xây trái phép rồi và đang tồn tại, UBND thành phố phải có hướng xử lý và giải pháp rõ ràng. Những công trình xây sai phép hoặc không phép mới phát hiện thông qua phản ánh của người dân và các kênh thông tin khác phải được xử lý ngay. 

Quản lý chặt nhưng thành phố vẫn phải có hướng dẫn; có cơ chế để tạo cơ hội nhà ở cho những người thực sự có nhu cầu. Đối tượng xây dựng và môi giới xây dựng trái phép cũng phải bị xử lý nghiêm; cán bộ công chức, đảng viên, những người trong cơ quan Nhà nước nếu cố tình làm sai, gây hậu quả nghiêm trọng phải bị xử lý nghiêm…

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, Luật Xây dựng năm 2014 không quy định các biện pháp ngưng cung cấp điện, nước đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng, điều này gây khó khăn trong việc ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính. Đồng thời, việc tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình, bộ phận công trình vi phạm còn nhiều khó khăn, chủ yếu liên quan đến: thẩm quyền tổ chức cưỡng chế; kinh phí cưỡng chế; lực lượng thực hiện công tác cưỡng chế. 

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, để xử lý xây dựng không phép, chính quyền cần phối hợp với ngành điện, nước để ký hợp đồng đúng quy định của pháp luật; không tiếp tay cho hành vi xây dựng sai phép. 

“Khi đăng ký hợp đồng mua điện, nước luôn có một số điều kiện, trong đó phải có hộ khẩu tại nơi đăng ký. Trong khi đó, phải xây nhà xong mới có hộ khẩu chứ mới đào móng xong thì chưa thể có hộ khẩu được. Do vậy, không thể để những ngành này tiếp tay cho người xây dựng trái phép”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nói.

Đ.Thắng
.
.
.