Quốc hội thảo luận việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai:

Khiếu kiện phức tạp vì nhiều nơi “né” sự thật

Thứ Năm, 08/11/2012, 09:05
“Ngày 6/11, một tờ báo phản ánh việc Bí thư Thành ủy TP HCM, ông Lê Thanh Hải trực tiếp tiếp xúc với dân để giải quyết hai vụ khiếu kiện. Sau khi gặp Bí thư Thành ủy, công dân Nguyễn Tấn Lực đã phát biểu, chỉ mất 20 phút cho gần 20 năm đi lại khiếu kiện và ông hứa sẽ rút lại đơn khiếu kiện đã gửi đến tòa án” - đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) khiến nghị trường chú ý với viện dẫn nóng về cách giải quyết đơn thư khiếu nại về đất đai...

Từ bài học chỉ mất 20 phút cho 20 năm khiếu kiện

Nhắc dẫn chứng trên, ông Học nhắn nhủ: Từ việc làm này ở nhiều địa phương, tôi đề nghị Chính phủ cần ban hành quy định cán bộ lãnh đạo các cấp chính quyền có nghĩa vụ chủ động tiếp xúc đối thoại với dân, xem đây là một trong những yêu cầu đổi mới phong cách, tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ công chức, đồng thời có sự đổi mới trong quy trình thủ tục xem xét việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai theo hướng tăng cường tiếp xúc đối thoại với các đối tượng có liên quan đến khiếu nại.

Buổi thảo luận tại hội trường nhằm đánh giá kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai. Quốc hội dành trọn ngày 7/11 để làm rõ thực trạng, cho thấy tính cấp thiết của vấn đề.

Nhiều ý kiến thừa nhận, Luật Đất đai còn các quy định khó thực hiện trong thực tế như giá đất của Nhà nước phải đảm bảo sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường. 

Trong điều kiện bình thường khi có chênh lệch lớn so với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thực tế thị trường thì phải điều chỉnh cho phù hợp nhưng luật không đưa ra các tiêu chí cụ thể và không có cơ sở pháp lý phù hợp để xác định giá đất của Nhà nước sát với giá thị trường. Vì vậy, khi thực hiện đền bù về đất ở các dự án đều bị vướng khung giá đất do Nhà nước quy định thường thấp hơn rất xa so với giá giao dịch thực tế mà người dân gọi là giá thị trường. Đây là nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện của công dân đòi bồi thường sát giá thị trường, địa phương khó giải quyết. Đồng thời, theo quy định của Luật Đất đai hằng năm, vào ngày 1/1 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành khung giá đất mới. Quy định này cũng gặp vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, vì đối với các dự án quy hoạch được thực hiện kéo dài nhiều năm, nhiều người dân trong vùng quy hoạch cố tình trì hoãn không thực hiện quyết định thu hồi đất nhằm kéo dài thời gian để chờ ban hành khung giá đất mới cao hơn hoặc để được hưởng hệ số trượt giá.

Pháp luật về đất đai còn nhiều kẽ hở.

Cố tình chây ỳ để trục lợi

Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) lý giải, nguyên nhân quan trọng dẫn đến khiếu kiện, nhất là khiếu kiện kéo dài, khiếu kiện vượt cấp, khiếu kiện đông người là do cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về đất đai, giải quyết về khiếu nại tố cáo, tranh chấp về đất đai vừa yếu, vừa thiếu. Có nơi còn có thái độ vô cảm, bàng quan với những bức xúc của nhân dân. Điều đó thể hiện ở việc nhiều địa phương công tác quản lý đất đai còn lỏng lẻo để xảy ra vi phạm như lấn chiếm đất nhưng không phát hiện, xử lý kịp thời hoặc cố tình bao che vì lợi ích dòng họ, lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân.  Hồ sơ địa chính lưu trữ không đảm bảo, không đầy đủ, không chính xác, việc chỉnh lý biến động đất đai không được theo dõi, cập nhật thường xuyên gây khó khăn trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai...

Bà thẳng thắn: “Có trường hợp cán bộ làm công tác bồi thường khi thu hồi đất cố tình làm sai sót để sách nhiễu, tiêu cực. Có trường hợp bị thu hồi đất mặc dù các cơ quan chức năng đã thực hiện đúng pháp luật nhưng vẫn cố tình chây ỳ để hưởng lợi do chính sách thay đổi, thường chính sách ban hành sau có lợi hơn cho người được đền bù hơn chính sách trước. Ví dụ Nghị định 69 đã tạo một tâm lý so bì giữa người đền bù trước với người đền bù sau, nhất là các địa phương có đất bị thu hồi, có địa bàn giáp ranh với vùng đô thị, vùng phát triển kinh tế”.

Trong khi đó, không ít doanh nghiệp lợi dụng chính sách ưu đãi đầu tư xin cấp đất để bao chiếm đất đai, mua bán dự án kiếm lợi bất chính. Dự án cấp đất đầu tư không phù hợp với quy hoạch, triển khai dự án chậm, hiệu quả sử dụng đất thấp, lãng phí tài nguyên đất. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa lợi ích xã hội, lợi ích doanh nghiệp với lợi ích của người bị thu hồi đất, chưa chú ý đến các vấn đề xã hội nảy sinh sau thu hồi đất. Bên cạnh đó ý thức chấp hành pháp luật một bộ phận nhân dân còn hạn chế, một số còn lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để kích động, lôi kéo khiếu kiện đông người, gây áp lực cho các cơ quan Nhà nước...

Cán bộ né tránh, đùn đẩy và tiêu cực

Từ thực tiễn ở Lâm Đồng, đại biểu Nguyễn Thu Anh cho rằng, việc thu hồi đất nông nghiệp để phục vụ việc quy hoạch phát triển đô thị và các khu công nghiệp nhiều nơi chưa tính toán đồng bộ toàn diện dẫn đến trường hợp người dân bị thu hồi hết hoặc gần hết đất sản xuất được đền bù bằng tiền với giá trị thấp vì không có đất khác để giao.

Lúc này việc chuyển đổi nghề nghiệp là rất khó khăn do trình độ hạn chế dẫn đến tình trạng thất nghiệp, đời sống gặp nhiều khó khăn phát sinh các tệ nạn xã hội và phát sinh ra khiếu kiện. Mặt khác chưa có cơ chế đền bù thiệt hại một cách thỏa đáng để khắc phục hậu quả khi khiếu nại của công dân là đúng sự thật. Nhiều cơ quan còn thiếu trách nhiệm trong việc thụ lý vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết, không thụ lý hoặc thụ lý không kịp thời, hoặc thực hiện không đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định, thu thập chứng cứ, tài liệu không đầy đủ, kết luận thiếu chính xác, chưa phù hợp với thực tiễn gây phiền hà cho công dân. Đến khi công dân yêu cầu thực hiện đúng theo pháp luật và thực hiện đúng trách nhiệm thì có thái độ né tránh, đùn đẩy nên công dân từ chỗ không đồng tình dẫn đến bức xúc và có thái độ gay gắt.

Đại biểu Thân Đức Nam, Tổng Giám đốc Cienco 5:
Có chuyện người dân chấp hành tốt thì thiệt thòi

Trước việc nhiều đại biểu “tố” doanh nghiệp xin đất dự án rồi đền bù thấp, dẫn tới khiếu kiện, đại biểu Quốc hội, Tổng Giám đốc Cienco 5 Thân Đức Nam phân trần trước Quốc hội:

“Luật Đất đai quy định khi Nhà nước thu hồi quyền sử dụng đất bồi thường theo giá thị trường. Quy định như vậy có nghĩa là Nhà nước mua lại quyền sử dụng đất đã giao kể cả đất giao không thu tiền như đất nông nghiệp. Đây là mâu thuẫn giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng mà hậu quả xảy ra trên thực tế là người dân đòi cho được giá thị trường giống như bán lại quyền sử dụng đất cho Nhà nước, trong khi đó giá thị trường trên thực tế vượt quá xa giá trị sử dụng hiện hữu của miếng đất. Ví dụ khi bồi thường đất nông nghiệp để làm dự án nhà ở thì giá thị trường mà người sử dụng đòi hỏi là giá đất ở trong tương lai chứ không phải là giá đất nông nghiệp hiện hữu đang mang lại lợi ích của đất. Bên cạnh đó, tình trạng đầu cơ đất nông nghiệp đã đẩy giá đất nông nghiệp quanh đô thị tiếp cận với giá đất đô thị nên cái gọi là giá đất thị trường khác quá xa với giá trị thực của nó. Đây là lý do làm cho người sử dụng và Nhà nước không thể gặp nhau vì giá đất khi bồi thường dẫn đến khiếu nại kéo dài. Từ mâu thuẫn dẫn đến chính sách giải tỏa đền bù thiếu nhất quán đối với từng dự án, công trình cùng một địa phương càng thêm nhiều khiếu nại.

Trên thực tế doanh nghiệp tôi cũng đã tham gia rất nhiều dự án hạ tầng, giao thông cả nước, bất động sản đã cảm thấy như chính quyền địa phương nhân nhượng khi người dân khiếu kiện lại làm giá khác, người dân đi kiện nhiều thì có lợi, người dân chấp hành luật pháp tốt thì chịu thiệt thòi. Doanh nghiệp thứ hai là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải mua hai lần, nguyên nhân giá đất góp phần mất cân đối cung cầu trên thị trường bất động sản”.

Theo Thanh tra Chính phủ từ 2003 đến 2010, các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã tiếp nhận và xử lý trên 1,2 triệu đơn thư khiếu nại, tố cáo, trong đó đa số liên quan đến đất đai (chiếm gần 70%). Số vụ khiếu nại đúng chiếm xấp xỉ 20%, có đúng có sai chiếm 28%; số vụ tố cáo đúng chiếm 16,2%, có đúng có sai chiếm 29,6%. Từ năm 2005 đến tháng 6/2009, cả nước có hơn 3.800 đoàn khiếu nại, tố cáo đông người. Năm 2010 có trên 3.200 đoàn, năm 2011 có gần 4.200 đoàn. Trên 70% số vụ là khiếu nại, còn lại là tố cáo hoặc vừa khiếu nại, vừa tố cáo.

PVTS
.
.
.