Trò chuyện cuối tuần

Hạ tầng quản lý rừng đã đầy đủ, vấn đề là người thực thi

Chủ Nhật, 28/10/2018, 08:35
Lại vẫn chuyện “con voi chui lọt lỗ kim” – những khu rừng phòng hộ hay đất lâm nghiệp không thể bỗng chốc xuất hiện biệt thự, biệt phủ lộng lẫy như được phù phép. Quá trình vi phạm đất rừng diễn ra trong nhiều năm, có sự tiếp tay của chính quyền, tồn tại ngang nhiên trước mắt người dân, thách thức dư luận, mà điển hình là ở rừng phòng hộ Sóc Sơn, Hà Nội. Vậy nguyên nhân sâu xa do đâu? Cách xử lý vi phạm như thế nào để không còn tiền lệ xấu giữa Thủ đô, để pháp luật được thượng tôn?

Những thắc mắc này sẽ được GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lý giải trong cuộc trò chuyện với phóng viên chuyên mục Trò chuyện Chủ nhật

Phóng viên (PV): Thưa Giáo sư, dư luận rất bức xúc trước sự coi thường pháp luật bằng hành vi xâm phạm rừng phòng hộ ở Sóc Sơn. Hà Nội hiện đang tổ chức thanh tra toàn diện quá trình sử dụng đất rừng ở xã Minh Phú và Minh Trí. Liệu đây có phải là khởi đầu cho chủ trương xử lý quyết liệt không?

GS.TS Đặng Hùng Võ.

GS.TS Đặng Hùng Võ: Đây không phải lần đầu Thanh tra Hà Nội thanh tra việc sử dụng đất ở Sóc Sơn. Sự việc được đề cập đến từ năm 2008, sau đó là năm 2013 và giờ là 2018, tức là cứ 5 năm một lần những sai phạm ở đây được nhắc lại một cách đều đặn. Và không hiểu năm nay có xử lý được không, trong khi sai sót nhìn thấy rõ, thậm chí những cái sai rất lớn. Tôi còn nhớ năm 2013, tại hội nghị xử lý vi phạm đất rừng Sóc Sơn, đồng chí Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã đứng lên nói rõ vi phạm pháp luật ở đây là gì. 

Rồi lại không xử lý. Vậy có nghĩa là việc thanh tra của Thanh tra Hà Nội không có ý nghĩa gì, hoặc lãnh đạo thành phố có ý kiến khác không muốn xử lý. Tôi cho rằng, trong trường hợp này, kể cả 2 lần phát hiện vào năm 2008 và 2013 cũng phải tìm ra xem ai là người "đầu têu" việc không xử lý? Và phải tìm ra có việc truyền đạt ý kiến không xử lý không? Điều này rất quan trọng, bởi vì chúng ta phải tìm ra nguyên nhân tại sao 2 lần trước phát hiện ra rồi không xử lý. Tôi cho rằng, người chỉ đạo không xử lý là người phải đền bù chi phí cho các cuộc thanh tra, cuộc họp. Vì nhà nước đã bỏ tiền ra làm việc đó mà anh chỉ đạo dừng thì anh phải trả tiền, tự anh phải bồi thường, kể cả anh đã về hưu.

PV: Vậy thì phải làm rõ trách nhiệm của cá nhân. Việc này có khó không, thưa ông?

GS.TS Đặng Hùng Võ: Tôi nghĩ không có gì khó cả. Tìm từ văn bản, các cuộc họp, rồi tìm ra ai chỉ đạo, xác định trách nhiệm những người lãnh đạo thành phố ở 3 nhiệm kỳ trước… Các cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ làm việc này. Trong đó có Công an, tôi nghĩ vai trò là đúng nhất. Công an sẽ điều tra, xem xét, làm tất cả mọi việc để đưa ra ánh sáng. Nếu vụ việc là hành chính thì trả về cho chính quyền xử lý vi phạm hành chính. Còn vi phạm hình sự thì phải khởi tố hình sự. Quy trình ta có rồi.

PV: Ngày 26-10, Chủ tịch UBND xã Minh Phú, Sóc Sơn đã bị đình chỉ để tập trung giải quyết các trường hợp vi phạm. Chúng ta có quyền hy vọng về hướng xử lý?

GS.TS Đặng Hùng Võ: Nguyên tắc là ta sống không nên thất vọng (cười). Sáng nay tôi nghe bản tin, trong nhiều ý kiến của những người có liên quan, trong đó có ý kiến người dân ở xã Minh Phú nói rằng, nhà họ không nằm trong quy hoạch rừng. Một lãnh đạo quản lý rừng lại nói rằng khó nhất là bản đồ địa chính đất lâm nghiệp chưa đo đạc nên khó khăn trong công tác quản lý, không biết người dân ở trong phạm vi nào; để giải quyết quyền lợi cho các hộ đó cần phải xác định ranh giới. Tôi lại có cảm giác có ý kiến hữu khuynh. Nguồn gốc đất do lâm trường giao thì phải rõ chứ, tại sao lại không biết? Không có trên bản đồ nhưng ranh giới thực địa thì lâm trường phải nắm được chứ!

Tôi cho rằng đây là sai lầm rất lớn, trả lời cho câu hỏi tại sao rừng chúng ta mất nhiều. Người quản lý thường bao biện để chối trách nhiệm. Để xác định vị trí ở trong hay ngoài quy hoạch rừng là không khó. Rừng có lô, có khoảnh. Chưa có tài liệu đo đạc thì lấy ảnh vệ tinh ra làm chứ không cần đến máy bay chụp ảnh. Có thể lấy ngay ảnh vệ tinh, nếu ảnh vệ tinh chưa có thì lấy ảnh trên Google Map sẽ biết lô rừng đó, khoảnh rừng đó nằm từ đâu.  

PV: Hà Nội không phải là trường hợp cá biệt xảy ra vi phạm đất rừng, sử dụng đất rừng để xây biệt thự, biệt phủ, thưa ông?

GS Đặng Hùng Võ: Đúng vậy! Hà Nội không chỉ có rừng Sóc Sơn mà rừng Ba Vì cũng bị xâm phạm, điển hình như Điền viên thôn… Nhìn rộng ra trên toàn quốc, vi phạm đất rừng diễn ra ở Đà Nẵng với rừng Sơn Trà đã được xử lý triệt để. Rừng Sơn Trà có cảnh tương tự Sóc Sơn, đại gia nào nhìn cũng "thèm thuồng" vì sơn thuỷ hữu tình. Thế nên đó cũng là nơi vi phạm nhiều. Còn các tỉnh có tỉnh lị tiếp cận với rừng cũng đều có vi phạm, kể cả Tây Nguyên hay Bình Phước, Quảng Nam, Đà Nẵng…

PV: Vậy thực trạng vi phạm trong sử dụng đất rừng của ta có nguồn gốc sâu xa từ đâu, thưa ông?

GS.TS Đặng Hùng Võ: Thực tế ở nước ta còn nhiều người dân sống ở trong rừng, hoặc quy hoạch rồi thì người dân còn tồn tại ở đấy. Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai 2003 có quy định, nếu trường hợp địa phương chưa đủ kinh phí để tái định cư cho người dân ra khỏi rừng thì người dân vẫn tiếp tục được ở trong rừng, nhưng chỉ được sửa chữa nhà ở chứ không được xây dựng lớn và không được chuyển nhượng cho người ngoài xã. Đấy là quy định cơ bản để xem xét quyền người dân đến đâu, kể cả được cấp sổ đỏ rồi. Chúng ta cũng phải thừa nhận vẫn có người dân, nhất là đồng bào dân tộc đang sống trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Pháp luật vẫn phải thừa nhận cuộc sống ấy khi chưa bố trí được tái định cư họ ra khỏi rừng. Khi chưa đủ điều kiện để tái định cư thì phải hạn chế quyền của họ.

PV: Vậy nhưng vẫn có vô số vi phạm với sự xuất hiện của nhiều biệt thự, biệt phủ. Vậy lỗi thuộc về ai, thưa Giáo sư?

GS.TS Đặng Hùng Võ: Tôi cho rằng lỗi từ Trung ương đến địa phương, cấp cơ sở. Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp, Luật Bảo vệ và phát triển rừng đều trao cho cấp xã một cái quyền. Xã không có thẩm quyền về chuyện giao cho thuê, thu hồi… nhưng là cấp phải có trách nhiệm xem xét mọi việc trên địa bàn của mình, ở đâu vi phạm pháp luật thì phải yêu cầu dừng lại và giải quyết đúng thẩm quyền. Nếu không đúng thẩm quyền thì báo cáo ngay lên cấp trên ngay trong ngày làm việc.

Vậy mà ở đây cấp xã không những không dừng được những trường hợp vi phạm pháp luật mà còn xác nhận cho chuyển nhượng, mà là hợp đồng chuyển nhượng cho người ngoài xã, là chuyển nhượng trái pháp luật. Tôi không hiểu là cấp xã không biết pháp luật hay cố tình vi phạm. Còn biết mà không làm hết trách nhiệm do có tiêu cực thì trường hợp đó nên cách chức sớm.

Cấp huyện là cấp trực tiếp quản lý sử dụng đất của các hộ gia đình cá nhân. Cụ thể ở huyện như Sóc Sơn, cấp huyện chuyển quyền sử dụng đất thì cấp huyện cũng phải có trách nhiệm. Còn cấp thành phố và Trung ương, sự việc đã được đưa ra ánh sáng từ năm 2008 nhưng không xử lý. Năm 2013 dư luận lại lên tiếng, Thanh tra Hà Nội vào cuộc cũng không xử lý.

Nếu chưa có thông tin gì thì thành phố vô can vì thẩm quyền trực tiếp là cấp huyện. Nhưng sự việc đã đưa lên báo chí rồi thì trách nhiệm ở đây là thành phố. Lẽ ra cấp huyện chưa xử lý thì thành phố phải có quyết định để giải quyết, xử lý. Tôi còn nhớ năm 2008, tôi đã có ý kiến trả lời báo chí về việc này; năm 2013 tôi lại tiếp tục có ý kiến. Khi vi phạm đã đưa ra công luận rồi thì cũng có thể đặt câu hỏi là lãnh đạo thành phố có tiêu cực không mà để sự việc im lặng như vậy?

 Tiếp tục với cấp trên nữa là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đất rừng chuyển nhượng trái phép cho người ngoài xã để xây biệt phủ mà báo chí phản ánh thì Bộ trưởng phải biết. Việc đã rõ rồi, các chuyên gia đã nói việc này thế nào rồi mà vẫn im lặng thì tôi cho rằng, Bộ có trách nhiệm trong việc không xử lý từ năm 2008, 2013.

PV: Thưa Giáo sư, việc để xảy ra vi phạm trong quản lý sử dụng đất rừng ở nhiều nơi có thể do lỗi quy định của pháp luật chưa đầy đủ, cơ sở hạ tầng còn khó khăn không?

GS.TS Đặng Hùng Võ: Quy định đã có đầy đủ như tôi đã nói ở trên. Năm 2005 Chính phủ đã chi ra 700 tỷ đồng để chụp ảnh máy bay toàn bộ rừng Việt Nam và làm bản đồ rừng bằng ảnh máy bay, đó là những phần đất cuối cùng chưa có bản đồ địa chính. Năm 2010 Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bàn giao cho toàn bộ các địa phương bản đồ rừng, trong đó có cơ quan kiểm lâm. Bản đồ đó đã được kiểm lâm xác định lô rừng, khoảnh rừng rất rõ. Việt Nam cũng có một trạm thu ảnh vệ tinh ở Cầu Diễn do Pháp giúp đỡ. Điều đó cho thấy hạ tầng để quản lý rừng cũng như các quy định của pháp luật đã đầy đủ. Vấn đề là người thực thi.

PV: Xin cảm ơn ông!

Việt Hà (thực hiện)
.
.
.