Hà Nội sẽ trở thành đô thị xanh

Thứ Bảy, 30/07/2011, 14:08
Ngoài đô thị lõi, Hà Nội sẽ có 5 đô thị vệ tinh gồm đô thị Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Các đô thị này có chức năng hỗn hợp và đặc thù riêng, hoạt động tương đối độc lập... Đô thị trung tâm được phân cách với các đô thị vệ tinh bằng hành lang xanh (chiếm 70% diện tích đất tự nhiên của TP).

Sau nhiều lần báo cáo và chỉnh sửa, cuối cùng, Đề án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong Đề án này, ngoài việc khẳng định trung tâm chính trị quốc gia vẫn nằm tại quận Ba Đình, Hà Nội chính thức sẽ mang “hình hài” của một đô thị lõi được bao quanh bởi chùm đô thị phát triển lan tỏa và đa dạng.

5 đô thị vệ tinh “ôm” đô thị lõi

Theo Đề án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, với diện tích rộng hơn 3.340km2, Hà Nội sẽ được tổ chức không gian theo mô hình chùm đô thị, gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia. Dự báo năm 2020, dân số Hà Nội đạt khoảng 7,3-7,9 triệu người và đạt 9 triệu vào năm 2030.

Đô thị trung tâm là trung tâm chính trị hành chính, kinh tế, văn hóa... của cả nước. Khu vực đô thị trung tâm được phát triển mở rộng từ khu vực nội đô về phía Tây, Nam đến đường vành đai 4 và về phía Bắc với khu vực Mê Linh, Đông Anh; phía Đông đến khu vực Gia Lâm và Long Biên. Trong đô thị trung tâm có khu vực nội đô gồm khu nội đô lịch sử (giới hạn từ phía Nam sông Hồng đến đường vành đai 2) là khu bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long, các giá trị truyền thống của người Hà Nội và khu nội đô mở rộng (giới hạn từ đường vành đai 2 đến sông Nhuệ) là khu vực phát triển các khu đô thị mới, các trung tâm văn hóa, dịch vụ - thương mại cấp thành phố có chất lượng cao, kiến trúc hiện đại.

Với chuỗi đô thị, Hà Nội sẽ là một thành phố xanh, môi trường sống tốt.

Ngoài đô thị lõi, Hà Nội sẽ có 5 đô thị vệ tinh với các chức năng và đặc thù riêng gồm đô thị Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Các đô thị này có chức năng hỗn hợp và đặc thù riêng, hoạt động tương đối độc lập, được kết nối với nhau bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp với các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia. Đô thị trung tâm được phân cách với các đô thị vệ tinh, thị trấn bằng hành lang xanh (chiếm 70% diện tích đất tự nhiên của TP).

Cụ thể, đô thị vệ tinh Hòa Lạc có chức năng chính về khoa học công nghệ và đào tạo, đầu tư các cơ sở trọng tâm là ĐH Quốc gia Hà Nội và Khu công nghệ cao Hòa Lạc; tiếp tục hoàn thiện Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam gắn với Đồng Mô - Ngải Sơn và vùng du lịch Ba Vì - Viên Nam...

Đô thị thứ 2 nằm trong chuỗi đô thị vệ tinh là Sơn Tây, sẽ phát triển thành đô thị văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng; trọng tâm là khu bảo tồn thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm và phát triển mới trung tâm phục vụ du lịch gắn với hồ Xuân Khanh, các dịch vụ đào tạo, y tế và các đô thị mới.

Đô thị vệ tinh Xuân Mai (cửa ngõ phía Tây Nam Hà Nội) là đô thị dịch vụ - công nghiệp hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp và hệ thống làng nghề; phát triển các khu tiểu thủ công nghiệp, các trung tâm dịch vụ về thương mại, đào tạo đại học, cao đẳng...

Đô thị vệ tinh Phú Xuyên (đô thị cửa ngõ phía Nam Hà Nội) là đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông và trung chuyển hàng hóa; xây dựng các khu, cụm công nghiệp để di dời công nghiệp từ các khu vực nội đô, khu vực Hà Tây (cũ) và hỗ trợ phát triển nông nghiệp cho vùng đồng bằng phía Nam sông Hồng.

Đô thị vệ tinh Sóc Sơn (đô thị cửa ngõ phía Bắc Thủ đô) là đô thị phát triển về công nghiệp và dịch vụ hàng không, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, hình thành mới Khu công nghiệp Mai Đình và các khu công nghiệp sạch; trung tâm y tế, khu đại học tập trung. Khai thác tiềm năng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, hành lang kinh tế xuyên Á Côn Minh - Hà Nội - Quảng Ninh và vùng cảnh quan núi Sóc và chân núi Tam Đảo.

Áp lực dân số sẽ giảm đáng kể

Trao đổi với chúng tôi, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, Kiến trúc sư trưởng TP Đào Ngọc Nghiêm cho biết, mô hình cấu trúc chùm đô thị sẽ tạo cho Hà Nội một diện mạo mới khi vừa có đô thị lõi, đô thị vệ tinh, sinh thái, hướng tới gìn giữ môi trường bền vững. Phát triển theo mô hình này, Hà Nội sẽ có khoảng 32% là đô thị, còn 68% là vùng xanh, nghĩa là nông nghiệp, lâm nghiệp và các điểm dân cư nông thôn.

“Quy hoạch đã kết hợp hài hòa giữa đô thị và nông nghiệp để tới năm 2030, Hà Nội vẫn còn diện tích nông nghiệp tới 30% (hiện là 56%). Thủ đô sẽ là đô thị xanh với những tiêu chí về cây xanh ở mức cao hơn, sẽ là TP sống tốt”, ông Nghiêm nhận định…

Theo ông Nghiêm, mặc dù Hà Nội hiện đang dày đặc các dự án, đặc biệt ở phía Tây, dự án đã phủ kín đến tận Hòa Lạc. Ngay cả khu vực giữa vành đai 3 và vành đai 4, giáp ranh Hà Nội và Hà Tây cũng kín dự án. Nhưng trong tất cả các quy hoạch Hà Nội xưa nay đều khẳng định Hà Nội có vành đai xanh. Việc đưa ra vành đai xanh là nhằm khống chế dân cư nội thành. Nhưng vành đai xanh của Hà Nội cũ và hành lang xanh của Hà Nội mới hiện nay khác hẳn nhau nên sắp tới tất yếu phải có sự rà soát các dự án, rà soát các khu đô thị. Việc rà soát này thực ra đã được tiến hành trước đó rồi, khi hàng loạt dự án phía Tây đã phải tạm đình chỉ và chỉ có số ít dự án tiếp tục được triển khai.

Ông Nghiêm cũng cho rằng, tới năm 2030, Hà Nội sẽ có khoảng 9 triệu dân. Vì thế, tăng dân số nhưng cũng đồng thời phải thực hiện phân bổ lại dân cư, giảm mật độ dân nội đô và tăng dân cư ở đô thị vệ tinh.

Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cũng lo ngại, để thực hiện cấu trúc đô thị và mô hình không gian như đô thị được duyệt đòi hỏi nguồn kinh phí dự tính 60 - 90 hay 100 tỷ USD, một con số rất lớn so với tiềm lực của Thủ đô hiện nay

Ngọc Yến
.
.
.