Hà Nội sẽ ra quyết định thu hồi nhà 35 Điện Biên Phủ?
Vụ “Kinh doanh công sản” trái phép xảy ra tại tòa nhà 35 Điện Biên Phủ tưởng đã đi đến hồi kết sau khi Thanh tra TP Hà Nội ra văn bản kiến nghị UBND TP Hà Nội thu hồi toàn bộ nhà đất tại số nhà nói trên. Tuy nhiên, như nhiều bạn đọc đã lo ngại, việc thu hồi Tòa nhà đồ sộ trên khu “đất vàng” có giá trị hàng nghìn tỷ đồng là không đơn giản.
Thực tế đã xuất hiện những văn bản “cản trở” quá trình xem xét kiến nghị thu hồi của UBND TP Hà Nội. Cùng với đó, là đơn “kêu oan” của ông Nguyễn Sơn Lộ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ và Phát triển SENA (Viện SENA). Mới đây, nội dung khiếu nại của ông Nguyễn Sơn Lộ đã được trả lời…
Nhà đất tại 35 Điện Biên Phủ là sở hữu Nhà nước
Đơn khiếu nại của ông Nguyễn Sơn Lộ, ngày 26/10/2009, có nội dung: Kết luận Thanh tra số 1918/KL-TTTP, ngày 13/10/2009, do Phó Chánh Thanh tra Nguyễn An Huy ký, “là không phù hợp với qui định của pháp luật và không đúng thực tế”, tập trung vào 3 nội dung cụ thể. Ngày 21/1/2010, UBND TP Hà Nội đã giao cho Thanh tra thành phố giải quyết. Đến nay, sau 4 tháng, Thanh tra TP Hà Nội đã chính thức có văn bản trả lời - văn bản số 708/TTTP (P1), ngày 10/5/2010, do Chánh Thanh tra Nguyễn Văn Tuấn Dũng ký.
Về nội dung khiếu nại thứ nhất: “Ngôi nhà 35 Điện Biên Phủ không phải thuộc sở hữu Nhà nước”, Thanh tra TP Hà Nội đã đưa ra một hệ thống chứng cứ để khẳng định một cách thuyết phục rằng: “Theo Quy định số 197/QLNĐ ngày 9/2/1993 của Sở Nhà đất TP Hà Nội, Biên bản thỏa thuận số 28/XN-QLN ngày 5/7/1997 của Xí nghiệp Kinh doanh nhà Ba Đình với Viện SENA, Thông báo ủy quyền số 775/KDN ngày 13/6/1998 của Cty Kinh doanh nhà số 1, toàn bộ diện tích nhà đất hiện có tại 35 Điện Biên Phủ thuộc sở hữu Nhà nước, chịu sự quản lý trực tiếp của cơ quan quản lý nhà đất của thành phố là Cty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội”.
Những văn bản trên khẳng định một cách rõ ràng nguồn gốc nhà đất 35 Điện Biên Phủ là thuộc sở hữu Nhà nước, việc cải tạo xây dựng tuy Viện SENA bỏ tiền ra làm nhưng lại trên cơ sở “Biên bản thỏa thuận số 28/XN-QLN” ký giữa Viện SENA và Xí nghiệp Kinh doanh nhà Ba Đình, trong đó Điều 1 ghi: “Nhà nước sở hữu toàn bộ đất, toàn bộ công trình sau khi cải tạo và công trình hạ tầng kỹ thuật ngôi nhà và quản lý cho thuê lại…”.
Tiếp đó, Cty Kinh doanh nhà số 1 sau khi đứng tên xin phép cải tạo đã có Thông báo số 775/KDN, ngày 13/6/1998, ủy quyền cho Viện SENA huy động vốn trực tiếp xây dựng. Thông báo ghi rõ: “Diện tích sau cải tạo xây dựng do Cty Kinh doanh nhà số 1 - Sở Nhà đất Hà Nội quản lý”.
Rõ ràng “giấy trắng mực đen” như vậy mà ông Lộ vẫn điềm nhiên viết trong đơn khiếu nại như thế này: “Trong các bản thỏa thuận số 28/XN-QLN ngày 5/7/1997” và “thông báo ủy quyền số 775/KDN ngày 13/6/1997” mà cơ quan thanh tra viện dẫn thì không có bất kỳ cụm từ nào khẳng định nhà 35 Điện Biên Phủ thuộc sở hữu Nhà nước. Riêng trong “thông báo ủy quyền số 775/KDN” có nêu “diện tích sau cải tạo xây dựng do Cty Kinh doanh nhà số 1 quản lý”…
Theo Bộ Luật Dân sự, khái niệm “quản lý” chỉ là một phần của quyền chiếm hữu, và quyền chiếm hữu cũng chỉ là một phần của quyền sở hữu. Ông Lộ còn đặt vấn đề là: "Không hiểu sao người đại diện của cơ quan thanh tra là ông Huy vẫn còn nhầm lẫn những khái niệm pháp lý cơ bản như vậy sau nhiều tháng nghiên cứu…".
Điều “hồn nhiên” là với lập luận kể trên, ông Lộ cho rằng, không thể đặt vấn đề thu hồi toàn bộ nhà đất tại 35 Điện Biên Phủ, mà phải chấp nhận một sự hoán đổi bất ngờ: người đi thuê nhà, sau khi đề nghị và được chủ nhà đồng ý đứng tên xin phép cơ quan có thẩm quyền cho phép sửa chữa, cải tạo, chỉ việc bỏ tiền ra xây dựng để tiếp tục thuê, rồi “đùng một cái”, người đi thuê nhà biến thành chủ sở hữu!? Ai cũng hiểu, việc bỏ tiền ra sửa chữa cải tạo theo ủy quyền của chủ nhà không thể làm thay đổi bản chất chủ sở hữu của ngôi nhà. Có chăng, sau khi bị thu hồi, phần tiền Viện SENA bỏ ra cải tạo xây dựng sẽ được xem xét, đền bù.
Viện SENA đã cho tổ chức nước ngoài thuê nhà trái pháp luật
Nội dung khiếu nại thứ 2 là: Kết luận Thanh tra số 1918/KL-TTTP nêu “Viện SENA tự ý cho các tổ chức nước ngoài thuê một phần diện tích nhà 35 Điện Biên Phủ là không đúng sự thật”. Tại văn bản trả lời ngày 10/5/2010, Chánh Thanh tra TP. Hà Nội khẳng định: “Theo các bản hợp đồng, các hóa đơn và kết quả kiểm tra hiện trạng thì Viện SENA đã tự ý cho các đơn vị nước ngoài thuê nhà và không kê khai thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước”.
Để chứng minh cho nhận định này, văn bản trả lời khiếu nại liệt kê hơn 1 trang đánh máy các bản hợp đồng ký dưới tên gọi “hợp đồng dịch vụ”, “thỏa thuận” giữa Viện SENA và các tổ chức nước ngoài, với nội dung, các đối tác sử dụng các phòng làm việc tại Tòa nhà 35 Điện Biên Phủ, còn Viện SENA thì… thu tiền.
Ví dụ: ký cho Trung tâm CNRS (Pháp) sử dụng phòng làm việc diện tích 48m2, và Viện SENA thu phí với mức 1.800 USD/tháng, kéo dài liên tục từ 23/2/2007 cho đến ngày 31/12/2008. Cũng như vậy, Viện SENA ký với Viện IRD (Pháp) và thu 1.200 USD/tháng; ký với Jetview thu 700 USD/tháng; ký với CIRAD thu 1.200 USD/tháng...
Đáng chú ý là toàn bộ số tiền thu được kể trên, Viện SENA đã không kê khai thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước. Trước khi báo chí phát hiện và phản ánh, việc cho thuê nhà của Viện SENA đã tiến thêm một bước mới: Ngày 23/12/2008, Viện SENA đã ký hợp đồng cung cấp dịch vụ tiếp thị độc quyền tòa nhà 35 Điện Biên Phủ với Cty cổ phần Gia Cát, theo đó, Cty này được độc quyền tiếp thị và tìm kiếm khách hàng sử dụng các dịch vụ tại tòa nhà 35 Điện Biên Phủ. May mà hợp đồng này chưa được thực hiện.
Hậu quả việc làm của Viện SENA
Đây là nội dung khiếu nại thứ 3 trong đơn khiếu nại, rằng: “Kết luận Thanh tra do ông Huy ký với nội dung: “việc làm trên của Viện SENA đã gây khó khăn phức tạp cho công tác quản lý nhà đất của thành phố, gây bức xúc trong dư luận” là không có căn cứ” vì… “không hề đưa ra được một căn cứ nào để chứng minh”.
Trả lời: Văn bản số 708/TTTP, do Chánh Thanh tra TP Hà Nội ký khẳng định, từ năm 2005, Viện SENA không nộp tiền thuê nhà, không thực hiện kê khai cơ sở nhà đất đang quản lý, sử dụng theo Quyết định số 09/2007/TTg của Thủ tướng Chính phủ (theo yêu cầu của Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà số 1); năm 2007, Viện SENA tự ý cho các tổ chức nước ngoài thuê sử dụng một phần diện tích nhà ở 35 Điện Biên Phủ dưới hình thức ký các thỏa thuận và hợp đồng dịch vụ có thu tiền… Như vậy, việc làm của Viện SENA là không thực hiện đúng trách nhiệm của bên thuê nhà theo qui định của pháp luật, thực sự gây khó khăn phức tạp cho công tác quản lý nhà đất của thành phố, gây bức xúc trong dư luận.
Ngày 10/3/2009, Sở Xây dựng đã phải có báo cáo số 1370/SXD-QLN gửi UBND TP Hà Nội nhấn mạnh: “Viện SENA không ký hợp đồng thuê nhà, không trả tiền thuê nhà cho Cty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội và không có nhu cầu sử dụng nhà mà đem cho thuê lại. Thực tế số nhà 35 Điện Biên Phủ hiện nay không do Viện SENA sử dụng. Viện không có chức năng kinh doanh nhà nhưng đã đem nhà của Nhà nước cho thuê lại, thu lợi nhuận mà không đăng ký cho thuê và không được sự đồng ý của bên cho thuê nhà là vi phạm các qui định về nghĩa vụ tài chính, thuế… của Nhà nước”…
“Sở Xây dựng đề nghị UBND TP. Hà Nội cho phép xử lý thu hồi lại toàn bộ diện tích nhà tại 35 Điện Biên Phủ. Do vi phạm qui định về quản lý và sử dụng nhà thuê thuộc sở hữu Nhà nước, Viện SENA phải chịu trách nhiệm bồi hoàn tất cả các tổn thất, thiệt hại và các chi phí để thu hồi nhà. Sở Xây dựng kính báo cáo và đề nghị UBND TP quyết định thu hồi”.
Kết thúc văn bản trả lời khiếu nại của ông Viện trưởng Viện SENA, Thanh tra TP. Hà Nội khẳng định: “Kết luận số 1918/KL-TTTP ngày 13/10/2009, trong đó có ni dung: “thống nhất với đề nghị của Sở Xây dựng tại văn bản số 1370/SXD-QLN ngày 10/3/2009;… đề nghị UBND TP giao Sở Xây dựng làm thủ tục thu hồi toàn bộ nhà, đất tại 35 Điện Biên Phủ” là đúng qui định của pháp luật”.
Đã có cơ sở xem xét việc ra quyết định thu hồi ngôi nhà 35 Điện Biên Phủ
Trước khi Thanh tra TP Hà Nội vào cuộc, Báo TNVN đã có loạt bài điều tra phản ánh việc kinh doanh công sản trái phép tại tòa nhà 35 Điện Biên Phủ. Đã hơn 1 năm nay, nhiều bạn đọc tiếp tục quan tâm và đề nghị Báo TNVN cho biết việc thu hồi nhà đất tại 35 Điện Biên Phủ theo đề nghị của Sở Xây dựng và Thanh tra TP Hà Nội có trở thành hiện thực hay không? Liệu có rơi vào tình trạng “đánh bùn sang ao”?
Để có cơ sở trả lời bạn đọc, ngày 23/12/2009, Báo TNVN đã có công văn số 50/CV-TNVN gửi UBND TP Hà Nội đề nghị cho biết việc giải quyết kiến nghị của Thanh tra tại Kết luận số 1918/KL-TTTP ngày 13/10/2009.
Ngày 21/1/1010, UBND TP. Hà Nội có công văn số 322/VP-XD trả lời Báo TNVN, thông báo ý kiến của UBND TP Hà Nội như sau: Do Viện SENA có Đơn khiếu nại Kết luận thanh tra 1918/KL-TTTP, căn cứ qui định của Luật Khiếu nại tố cáo, Luật Thanh tra, UBND TP đã chuyển đơn đến Thanh tra TP giải quyết theo thẩm quyền và theo qui định của pháp luật, báo cáo UBND TP kết quả thực hiện để UBND TP có cơ sở giải quyết kiến nghị của Thanh tra tại Kết luận Thanh tra kể trên.
Như vậy, với văn bản trả lời khiếu nại của Thanh tra TP Hà Nội do Chánh Thanh tra Nguyễn Văn Tuấn Dũng ký ngày 10/5 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có cơ sở để xem xét, giải quyết kiến nghị thu hồi toàn bộ nhà, đất tại 35 Điện Biên Phủ, Hà Nội