Gỡ khó cho lĩnh vực nhà ở xã hội

Chủ Nhật, 01/03/2015, 07:53
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, hiện cả nước, các ngân hàng chỉ mới giải ngân được hơn 12% trong gói tín dụng 30 ngàn tỷ đồng. Tại TP HCM, kết thúc năm ngoái, các ngân hàng cũng mới chỉ ký kết hạn mức tín dụng được trên 1.470 tỷ đồng cho 1.513 khách hàng, trong đó đã giải ngân 658 tỷ đồng cho 2 doanh nghiệp làm dự án và 393,83 tỷ đồng cho 1.444 cá nhân. 

Ông Châu cho rằng, cả số lượng tiền các ngân hàng đã cam kết cho vay và số đối tượng được vay đều quá thấp, không đạt được như kỳ vọng và chưa tạo được cú huých cho thị trường bất động sản. Vì vậy, để tăng tốc giải ngân với khoản vay này, Hiệp hội BĐS thành phố đưa ra đề nghị rằng, lãi suất cho vay gói tín dụng ưu đãi chỉ nên ở mức 4 - 4,5%/năm kể từ năm 2015 này. Cùng lúc cần xem xét việc ân hạn 3 năm đầu cho người vay chưa phải trả lãi vay và nợ gốc.

Về đối tượng được vay, theo ông Châu, nên bổ sung thêm đối tượng là các cặp vợ chồng mới kết hôn, người lao động ngoại tỉnh chưa có hộ khẩu thường trú được vay gói tín dụng ưu đãi này. Do đến nay, trong số 890 dự án phát triển nhà ở đang triển khai xây dựng tại TP HCM cũng mới chỉ xác định được 46 dự án làm nhà ở dành cho người thu nhập thấp. Đồng thời TP HCM cũng mới chỉ xem xét với 11 dự án và chấp thuận cho chuyển đổi 8 dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với số lượng chỉ có 7.613 căn hộ sau khi chuyển đổi.

Dự án nhà ở cho công nhân thuê với giá rẻ tại Khu chế xuất Linh Trung 2 vừa được đưa vào khai thác.  

Để tạo thêm nguồn cung cấp nhà ở xã hội trên địa bàn, ông Châu cũng đề nghị Bộ Xây dựng xem xét việc cho doanh nghiệp đang đầu tư dở dang các dự án nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ được vay. Cụ thể, những dự án căn hộ có diện tích dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, được vay nguồn vốn ưu đãi này để hoàn thiện dự án, góp phần tăng sản phẩm cho thị trường và giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu.

Bộ Xây dựng cần xem xét, cho phép chủ đầu tư cấp 2 tại các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại dưới 1,05 tỷ đồng/căn khi bán nhà, khách hàng cũng được vay vốn từ gói tín dụng ưu đãi trên. Về thủ tục thế chấp chính căn nhà ở xã hội đã mua, ông Châu đề nghị, Ngân hàng Nhà nước nên thống nhất hướng dẫn các ngân hàng thương mại sau khi đã nhận được tài sản thế chấp là căn hộ hình thành trong tương lai để đảm bảo cho khoản vay mua căn hộ này thì không đòi hỏi thêm thủ tục nào khác.

Theo ông Châu, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét cho áp dụng lãi suất cho người vay ưu đãi mua nhà ở xã hội xuống mức khoảng 3 - 3,5%/năm để thiết thực hỗ trợ người tiêu dùng trong thời hạn không thấp hơn 20 năm. Nhà nước không cần tập trung đầu tư xây dựng nhà ở xã hội rồi bán ngay như hiện nay, mà phương thức này cần khuyến khích các doanh nghiệp làm, vì hiện nay giá bán một số dự án nhà ở thương mại ở TP HCM của doanh nghiệp đang gần tương đương giá bán nhà ở xã hội.

Quy định không cho phép miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với các loại dự án nhà ở thương mại. Do vậy, cần xem xét, hỗ trợ linh hoạt đối với loại dự án này để tạo điều kiện giảm giá bán nhà hơn nữa. Chẳng hạn, khi hoãn chưa nộp tiền sử dụng đất đối với doanh nghiệp làm nhà ở thương mại cho thuê giá rẻ, mức giá cho thuê căn hộ chỉ còn khoảng từ 2-3 triệu đồng/tháng tại TP HCM sẽ tạo sự hỗ trợ lớn đối với người thuê nhà ở xã hội.

Đ.Thắng
.
.
.