Giao dịch bất động sản gặp khó

Thứ Hai, 24/02/2020, 08:52
Hiện không ít các sàn giao dịch, doanh nghiệp BĐS vẫn đang “đứng hình” do dịch Covid- 19 vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp. Không ít doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự, hoạt động cầm chừng để chờ đợi.

Môi giới toát mồ hôi

Anh Lê Quang Phong, nhân viên một doanh nghiệp môi giới BĐS tại khu vực Hà Đông cho biết, ngay khi trở lại làm việc sau Tết đã có một số khách hàng theo dõi dự án hẹn xuống tham quan căn hộ mẫu. Khách hẹn sau Rằm thế nhưng chỉ hai hôm sau đã gọi điện lại do dịch virus Corona diễn biến phức tạp nên đợi khi nào dịch bệnh ổn định sẽ tiếp tục giao dịch. 

“Từ đầu năm đến nay, gần như nhân viên bán hàng chúng tôi chỉ có thể chăm sóc khách hàng quan tâm đến dự án qua điện thoại. Thi thoảng lại gọi thông báo tiến độ dự án và thuyết phục khách ký hợp đồng sớm. Tuy nhiên, hầu hết khách đều hẹn khi nào tình hình dịch bệnh ổn định mới làm việc vì không muốn đi ra ngoài và tiếp xúc nhiều thời điểm này”, anh Phong chia sẻ.

Theo đại diện nhiều doanh nghiệp BĐS, từ đầu năm đến nay lượng giao dịch sụt giảm mạnh, thậm chí nhiều sàn giao dịch BĐS lúc nào cũng ở trong tình trạng vắng vẻ. Theo đại điện Sàn giao dịch BĐS Đại Phát, số lượng giao dịch sụt giảm 50% so với cùng kỳ năm 2019. 

Nguyên nhân được cho là do dịch Covid-19, mọi người không còn chú trọng gì vào việc làm ăn, kinh doanh, nhất là đầu tư vào lĩnh vực BĐS, lĩnh vực cần lượng tiền lớn. Trong giai đoạn này, nhiều người có tâm lý không còn muốn “xuống tiền” để đầu tư. 

“Hiện tại giao dịch đang chững hẳn, không thể “kiếm cơm” từ nghề, nhiều môi giới đã dần chuyển qua làm việc khác hoặc tạm nghỉ một thời gian. Đa số chào bán ở thời điểm này là sản phẩm thứ cấp nhà đầu tư gửi nhưng cũng không bán được. Bản thân công ty tôi cũng đã cắt giảm nhân sự hơn một nửa. Giai đoạn này các anh em môi giới hay nói “nín thở qua sông”, làm túc tắc để duy trì công ty chứ không trông mong vào sự phát triển”, ông Phan Ngọc Thụ, Giám đốc Công ty BĐS Đại Phát cho biết.

Theo ông Nguyễn Đình Quang, Giám đốc Công ty CP BĐS Quang Minh cho biết, năm 2019 là năm khó khăn nhất của thị trường bất động sản kể từ sau giai đoạn khủng hoảng cho tới nay. Thủ tục bị siết, nguồn cung khan hiếm cục bộ, chính sách tín dụng siết chặt khiến nhiều doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản gặp khó và các môi giới cũng rơi vào cảnh lao đao theo sau giai đoạn hoàng kim trước đó. 

“Bước sang năm 2020, hy vọng sẽ có những thay đổi tích cực nhưng tiếp tục lại rơi vào giai đoạn dịch Covid- 19, chắc chắn nhiều người làm nghề môi giới sẽ khó trụ lại bởi hiện cả xã hội đều chăm chăm vào việc chống dịch, không ai nghĩ gì đến BĐS cả. Trong khi đó, dịch bệnh vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp, chưa biết thời điểm nào mới chấm dứt”, ông Quang than thở.

Giao dịch BĐS đang rất đìu hiu do khách hàng e ngại dịch bệnh.

BĐS sẽ khó khăn kéo dài   

Trước tình hình dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực tới thị trường bất động sản, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm cách ứng phó. Theo các chuyên gia, doanh nghiệp BĐS thời điểm này nên áp dụng các giải pháp công nghệ, giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận thông tin tại nhà. Bên cạnh đó, với những dự án mới, các doanh nghiệp nên tranh thủ thời gian để chuẩn bị kỹ càng các vấn đề pháp lý cũng như nguồn vốn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải tổ lại cơ cấu hoạt động nếu cần. 

“Dù thị trường có trầm lắng nhưng nhu cầu nhà ở của người dân vẫn tăng trưởng ổn định, vì vậy, các doanh nghiệp BĐS nên tập trung vào giá trị sản phẩm phục vụ nhu cầu an cư, bao gồm đầu tư hạ tầng, tiện ích, đảm bảo tiến độ xây dựng, bàn giao nhà”, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội môi giới BĐS Việt Nam đưa ra giải pháp.

Không chỉ ảnh hưởng do dịch Covid- 19, nhận định về thị trường BĐS năm 2020, Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho rằng, thị trường sẽ khắc nghiệt hơn, doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn hơn rất nhiều… 

Theo báo cáo vừa được Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS công bố, năm 2019 thị trường BĐS vẫn giữ được sự phát triển ổn định, không xuất hiện hiện tượng “bong bóng”. Tuy nhiên, thị trường đã có dấu hiệu sụt giảm cả về nguồn cung dự án, nguồn cung sản phẩm nhà ở và số lượng giao dịch. 

Đánh giá về những khó khăn này, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, hiện nay đa số doanh nghiệp BĐS Việt Nam quy mô khá nhỏ, nguồn vốn phát triển chủ yếu từ vay ngân hàng và huy động từ khách hàng. Trong khi đó, Chính phủ lại có nhiều biện pháp hạn chế dòng vốn vay cho thị trường bất động sản, tốc độ tăng trưởng tín dụng giảm mạnh, khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn nhất định. 

"Trong năm 2020, doanh nghiệp BĐS sẽ gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn. Hiện hoạt động tín dụng của ngân hàng đối với lĩnh vực kinh doanh BĐS đang bị thắt chặt. Cụ thể, lãi suất tiếp tục cao, nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tiếp tục giảm mạnh”, ông Nam phân tích. 

Theo ông Nam, lĩnh vực BĐS còn tiếp tục gặp khó là do hệ thống các văn bản pháp lý liên quan đến thị trường BĐS còn chưa đồng bộ. Hành lang pháp lý điều chỉnh thị trường BĐS, từ công tác đầu tư xây dựng, giao dịch đến quản lý sử dụng BĐS chậm được hoàn thiện... Ngoài ra, thị trường BĐS gặp khó một phần do những chồng chéo, chậm trễ về thủ tục hành chính và những sức ép lớn từ chủ trương kiểm soát chặt chẽ hơn việc cấp phép dự án mới.

Ngọc Minh
.
.
.