Dự thảo Luật Nhà ở, nhiều điều trùng giẫm, không hợp lý

Thứ Hai, 30/09/2013, 13:54
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) 2013 đang được Bộ Xây dựng đưa ra lấy ý kiến hoàn thiện để trình Quốc hội. Đáng chú ý trong dự thảo lần này, hàng loạt vấn đề được đưa ra đang làm nóng dư luận, trong đó nổi lên một số vấn đề như: cấm việc sử dụng nhà ở vào các mục đích như: kinh doanh gas, vật liệu gây cháy nổ, kinh doanh vũ trường, quán bar, nhà nghỉ, dịch vụ karaoke…

Bên cạnh đó, một vấn đề khác cũng được dư luận khá quan tâm là dự thảo này quy định tên của dự án phát triển nhà ở phải sử dụng bằng tiếng Việt Nam và không được viết tắt, không được dùng tiếng nước ngoài…

Vừa được công bố, bản dự thảo đã nhận được rất nhiều ý kiến từ dư luận, trong đó đa số là những ý kiến không đồng tình với những quy định này. Trước những phản ứng từ dư luận, trả lời một tờ báo, đại diện Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng) cho rằng, ý của Ban soạn thảo là quy định cấm sử dụng nhà ở kinh doanh nhà nghỉ chủ yếu được áp dụng đối với căn hộ chung cư, chứ không áp dụng cho nhà sở hữu riêng lẻ. Do dự thảo đang trong quá trình lấy ý kiến nên chưa được hoàn chỉnh khiến mọi người hiểu chưa rõ về quy định “cấm” này. Sắp tới, Ban soạn thảo sẽ làm rõ điều này, đồng thời tiếp thu ý kiến của người dân để điều chỉnh cho phù hợp. Vẫn chưa có ý kiến chính thức từ phía Bộ Xây dựng nhưng các nhà chuyên môn đều cho rằng, những nhà soạn thảo luật này chưa thực tế.

Trao đổi với PV, TS Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, không thể cấm người dân sử dụng nhà ở để kinh doanh được. Nhà ở mặt phố thì người ta có quyền kinh doanh, buôn bán để kiếm sống. Người ta kinh doanh những mặt hàng pháp luật không cấm thì làm sao mà Luật Nhà ở lại có thể cấm được. Nếu kinh doanh vật liệu cháy nổ, đây là loại hình kinh doanh có điều kiện thì sẽ có những đơn vị đúng chức năng thẩm quyền thẩm định và cấp phép. Nếu không phù hợp thì các đơn vị đó sẽ cấm theo đúng chức năng chuyên môn. Còn kinh doanh nhà nghỉ, karaoke, vũ trường… thì người ta cũng phải xin phép, nếu ảnh hưởng đến xã hội, người dân, khu phố ở khu vực đó thì cũng sẽ có những cơ quan chức năng đúng thẩm quyền khác cấm.

Thêm nữa là các loại hình kinh doanh hiện nay đều có những quy định rất chặt chẽ, nếu thấy chưa đủ thì có thể sửa đổi, bổ sung, Luật Nhà ở làm sao mà làm thay luật khác được. Cho phép hàng loạt khu vực dân cư mọc lên với toàn là nhà cao tầng, không có các loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu cuộc sống thường ngày mà chỉ toàn nhà là nhà thì người dân nào đến ở. 

Còn luật sư Bùi Sinh Quyền, Trưởng Văn phòng luật sư Phúc Thọ (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, Luật Nhà ở không thể lấn sân sang luật khác được. Những hoạt động kinh doanh không được pháp luật cho phép, chắc chắn sẽ bị cấm ở mọi nơi. Vì vậy, Luật Nhà ở không cần phải đề cập đến. Luật sư Quyền phân tích, đã công nhận quyền sở hữu nhà ở của mọi chủ thể, thì đương nhiên cũng cần thừa nhận việc người ta sử dụng nhà ở vào nhiều mục đích, trong đó có việc kinh doanh. Còn trong những trường hợp cụ thể, như đối với nhà chung cư, thì mới cần có những quy định chặt chẽ hơn và chủ yếu là để hạn chế. Nếu hoạt động kinh doanh diễn ra tại nhà ở mà đáp ứng được tất cả các điều kiện về an ninh, an toàn, trật tự... thì không còn lý do gì để cấm.

Liên quan đến vấn đề quy định cấm đặt tên dự án nhà ở bằng tiếng nước ngoài, ông Phạm Sĩ Liêm cho rằng, đây là điều khoản nhằm hạn chế tâm lý “sính ngoại” dùng tiếng nước ngoài đặt tên cho dự án nhà ở đang khá phổ biến ở nước ta, dễ gây nhầm lẫn cho người dân, lai căng văn hóa. Tuy nhiên, cũng không thể cấm được vì người ta có quyền tự do đặt tên như đặt tên cho con mình, ai đặt thế nào người khác làm sao mà cấm được. Cũng nên định hướng lại tâm lý “sính ngoại” của người dân, nhưng chỉ có và nên làm như là một cuộc vận động người Việt dùng tiếng Việt ở góc độ văn hóa. Vấn đề ở đây là góc độ văn hóa thì cuộc vận động ấy phải do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì, Luật Nhà ở không nên xen vào. Làm thế này chẳng khác nào Bộ Xây dựng đang lo thay việc của các bộ, ngành khác

Phan Hoạt
.
.
.