“Cò” đất lũng đoạn các phiên đấu giá đất

Thứ Bảy, 19/06/2010, 13:26
Thời gian qua, tại các phiên đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) và các khu vực xây dựng dân doanh của Hải Phòng, xuất hiện tình trạng các nhóm cò mồi hoạt động lũng loạn về giá đất, tạo nên những "cơn sốt" đất ảo. Thậm chí, nhiều phiên đấu giá đất đã bị nhiễu bởi các "cò" phá ngang, gây sức ép để người có nhu cầu mua đất thực sự phải trả khoản tiền "giá chan" không nhỏ, gây bức xúc trong xã hội.

Trước hết, phải kể tới loại "cò" chuyên có mặt ở các phiên đấu giá QSDĐ để làm "giá chan" (khoản tiền mà người có nhu cầu sử dụng đất thực sự phải chi cho người tham gia đấu giá QSDĐ thửa đất đó). Đáng nói, những người tham gia đấu giá QSDĐ này, chủ yếu là các "cò", do một người "cầm chịch" lập ra. Địa phương có đông các "cò" hoạt động tại các phiên đấu giá QSDĐ nhất phải kể tới huyện Thuỷ Nguyên.

Ông Trần Văn T., một người có nhu cầu mua đất thực sự ở xã Thuỷ Đường cho biết, ông đã tham gia phiên đấu giá QSDĐ của huyện ngày 2/6 vừa qua, nhưng không được vì bị các "cò" đánh bật do không chịu nổi "giá chan" lô đất số 13, cao ngất ngưởng tới 7 triệu đồng cho những người đăng ký đấu giá đất (thực chất là các "cò"). Trong khi, "cò" trong phiên đấu giá đất đó đâu phải 1-2 người, mà đông tới vài chục người trở lên.

Theo ông T., lô đất số 13 mà ông có nhu cầu sử dụng diện tích 190 m2, có giá khởi điểm 9 triệu đồng/m2. Một người tên là Hùng đã đấu giá trúng với mức 9,2 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, để được trúng QSDĐ lô đất này, ông Hùng đã phải bỏ ra 406 triệu đồng dể chi cho những người cùng đấu giá, gồm 59 người.

Trừ bản thân mình (người trúng) ra, 58 người còn lại (chủ yếu là các "cò"), mỗi người được nhận 7 triệu đồng. Như vậy, nếu cộng các loại chi phí thì giá lô đất từ 1 tỷ 710 triệu đồng, lên 2 tỷ 154 triệu đồng. Ấy là còn "nể" tình làng nghĩa xóm, các "cò" không "hát" vòi "giá chan" ngất ngưởng thêm nữa đấy!

Cũng theo ông T., thủ đoạn của các "cò đất" tại các phiên đấu giá QSDĐ này là, một người đứng ra "cầm trịch", tập trung các "cò" lại. Công việc chủ yếu của các "cò" là gom các đơn đấu giá (chủ yếu do các "cò" thảo). Khi Hội đồng đấu giá thông báo địa điểm tổ chức phiên đấu giá lô đất, các "cò" dạo quanh hội trường nơi tổ chức để kêu gọi những người khác cũng có tên trong danh sách đấu giá (hầu hết cũng đều là các “cò”) thoả thuận với nhau mức tiền để những người muốn mua lô đất thực sự phải bỏ ra cho họ.

Thấy đã đạt được thoả thuận, những "cò" này sẽ nhường cho người có nhu cầu thực sự để đấu giá trúng. Sau phiên đấu giá, các "cò" sẽ nhận được số tiền đã thoả thuận để chia nhau, đồng thời chia một phần tiền "chan" cho những người cùng tham gia đấu giá đất.

Khu đất ở quận Ngô Quyền (Hải Phòng) được đấu giá và xây dựng xong cơ sở hạ tầng.

Để "câu" được nhiều khách, cũng đồng nghĩa với việc lấy được nhiều tiền "chan", các "cò đất" tại các phiên đấu giá QSDĐ  ở huyện Thuỷ Nguyên đã có khá nhiều mánh lới. Khi thì “vào vai” người đi mua đất để nhờ người khác mua với thái độ cầu khẩn, nhiệt thành, tạo ra "cơn sốt" giả để tăng số tiền "chan" lên cao; khi lại cử người đứng ra đấu giá đến cùng, rồi lui, để người có nhu cầu phải mua lô đất với giá cao. Không những thế, tiền "chan" người mua được đất cũng phải trả cao lên theo và nếu vì cao quá không mua được thì sẽ phải mất khoản tiền đặt cọc không nhỏ. Thôi thì… nhắm mắt mà trả khoản tiền "chan" để mua cho được lô đất vậy.

Tóm lại, phiên đấu giá QSDĐ nhanh hay chậm, có suôn sẻ hay bị "bục", giá đất cao hay thấp… phụ thuộc chủ yếu vào các "cò". Đáng nói, tình trạng này diễn ra đã lâu, thậm chí là ngang nhiên, nhưng vẫn qua mặt được tất cả, nhất là những người có trách nhiệm trong Hội đồng đấu giá đất tại địa phương(!?).

Không chỉ những phiên đấu giá đất đôi khi có nguy cơ bị "bục", thị trường nhà đất bấy nay ở Hải Phòng thường xuyên lên "cơn sốt", cũng có nguyên nhân một phần từ các "cò đất" gây ra. Thậm chí, có những thửa đất của hộ gia đình đã chuyển QSDĐ cho người khác để xây nhà kinh doanh. Sau khi xây nhà xong, thay vì niêm yết giá bán, những chủ nhà kinh doanh lại mượn "cò" về làm giá, tạo nên những "cơn địa chấn" về nhà đất, gây náo loạn thị trường nói chung. Kết cục, người cần mua thì không biết giá thực để mua. Ngay cả người bán (kinh doanh nhà đất) cũng không thể bán nhanh là vì đã dùng "cò", gây ra sự nhiễu giá không cần thiết.

Thiết nghĩ, hành vi cò mồi giá đất như vậy đã tạo ra những hệ luỵ không nhỏ, làm mất niềm tin, ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình TTATXH trên địa bàn, khiến dư luận bức xúc, cần sớm được địa phương ngăn chặn.

Riêng về việc đấu giá QSDĐ, được biết Nhà nước đã có quy định rất rõ, trong đó nghiêm cấm các hành vi dìm giá trong và ngoài phiên đấu giá. Bởi vậy, hành vi cò mồi trong các phiên đấu giá QSDĐ là vi phạm pháp luật. Đề nghị các cơ quan chức năng ở Hải Phòng giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm tình trạng này để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật

Lệ Thu
.
.
.