Cần những “cú hích” đủ lực để vực dậy thị trường bất động sản

Thứ Tư, 13/05/2020, 09:31
Trong nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế nói chung, lĩnh vực bất động sản nói riêng trước những ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19, Chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ. Dù vậy, nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn đang chờ những hỗ trợ, gỡ vướng cụ thể.


Đến nay, thị trường bất động sản (BĐS) TP Hồ Chí Minh nói riêng, cả nước nói chung đã án binh bất động hoàn toàn trong 5 tháng. Do đó, trong nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế nói chung, lĩnh vực BĐS nói riêng trước những ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19, Chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ. Dù vậy, nhiều doanh nghiệp BĐS vẫn đang chờ những hỗ trợ, gỡ vướng cụ thể.

Với lĩnh vực BĐS, sức mua trong nước được dự đoán chưa thể thay đổi theo chiều hướng tích cực. (Ảnh minh họa)

Nhằm “giải cứu” các doanh nghiệp BĐS đang khó khăn bởi dịch COVID-19, Hiệp hội BĐS Việt Nam, Hội Môi giới BĐS Việt Nam đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giãn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cho những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch; xem xét kéo dài thời gian gia hạn nộp thuế với các khoản thuế cho doanh nghiệp lên 1 năm thay vì 5 tháng do ảnh hưởng của dịch bệnh dự kiến sẽ còn kéo dài.

TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, nhiều doanh nghiệp BĐS đang phải trực tiếp chịu tác động kép do những khó khăn pháp lý đang tồn tại trước ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Tuy vậy, Nghị định mới đây của Chính phủ chỉ phát huy tác dụng đối với những doanh nghiệp BĐS đã và đang có các dự án được triển khai xây dựng và đi vào hoạt động. Với các dự án đang chờ hoàn thiện thủ tục pháp lý, việc gia hạn thời gian nộp thuế chưa mang lại hiệu quả thiết thực. 

Ở một khía cạnh khác, đề nghị tăng thời hạn giãn nộp thuế thêm 1 năm cũng chỉ giải quyết được các vấn đề trong ngắn hạn, bởi khó khăn lớn nhất đang tồn tại trong DN BĐS là vấn đề thủ tục pháp lý. 

Do đó các bộ ngành Trung ương cần có những hình thức và biện pháp hợp lý để đánh giá một cách tổng quan, cụ thể về các kiến nghị do các doanh nghiệp BĐS đề xuất. Quan trọng nhất vẫn là xem xét đến việc là giải quyết một cách triệt để các vướng mắc về vấn đề pháp lý và thủ tục của dự án mới để có thể hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp trong trung và dài hạn.

Theo TS Sử Ngọc Khương, thời gian bất động vừa qua cũng là một phép thử đánh giá thực chất về năng lực quản trị tài chính, năng lực quản trị khủng hoảng để giúp cân đối tiềm lực của chính doanh nghiệp BĐS. 

Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính mạnh, do vậy khi thị trường xảy ra các biến cố lớn, doanh nghiệp BĐS sẽ phải chịu những tổn thất về tài chính một cách tiêu cực. Các doanh nghiệp có thể cân nhắc tới việc cắt lỗ khi không có đủ năng lực tài chính, nhằm tránh hoặc giảm thiểu các nguy cơ về phá sản. 

TS Sử Ngọc Khương lưu ý, với lĩnh vực BĐS, sức mua trong nước được dự đoán chưa thể thay đổi theo chiều hướng tích cực. Ít nhất cũng phải đến cuối năm và sẽ có những tín hiệu khả quan vào đầu hoặc giữa năm 2021.

Đ.Thắng
.
.
.