Kinh doanh địa ốc thời hậu khủng hoảng

Bài 2: Những chính sách hỗ trợ, kích cầu chưa đủ lực

Thứ Ba, 11/08/2015, 08:16
Để hỗ trợ thị trường địa ốc vượt qua giai đoạn khó khăn, đã có nhiều chính sách hỗ trợ lớn được Chính phủ đưa ra như gói ưu đãi 30 ngàn tỷ đồng để các đối tượng trong diện ưu tiên được vay mua nhà. Riêng tại TP Hồ Chí Minh còn có thêm chính sách như cải tạo 200 chung cư cũ hay phát triển nhà ở xã hội (NOXH), nhà tái định cư… Đây đều là những động lực tạo ra nguồn cầu rất lớn về nhà ở. Tuy nhiên, các chính sách trên đều được triển khai khá chậm bởi nhiều nguyên nhân.
>> Kinh doanh địa ốc thời hậu khủng hoảng

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP Hồ Chí Minh cho biết, khi gói tín dụng ưu đãi 30 ngàn tỷ đồng đã bị tắc nghẽn việc giải ngân kéo dài, ngày 3/3 năm nay, Bộ Xây dựng lại có văn bản hướng dẫn rằng: Chỉ những người lao động có tổng thu nhập không phải đóng thuế thu nhập cá nhân, ở mức 9 triệu đồng/tháng trở xuống mới là đối tượng thuộc diện thu nhập thấp, được vay từ gói tín dụng ưu đãi trên.

Những người lao động có tổng thu nhập trên 9 triệu đồng/tháng, diện phải chịu thuế thu nhập cá nhân sẽ không được coi là người có thu nhập thấp, nên không thuộc đối tượng được vay từ gói tín dụng ưu đãi này để mua nhà. Phía ngân hàng thì ngược lại, những người có tổng thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng sẽ không đủ điều kiện về chứng minh khả năng tài chính để trả nợ vay, do vậy sẽ không đủ điều kiện được vay.

Khó tiếp cận gói vay cũng là một trong những nguyên nhân kéo chậm việc giải ngân. Đến cuối tháng 6 vừa qua, cả nước mới giải ngân được chừng 25%, riêng tại TP Hồ Chí Minh các ngân hàng mới ký cam kết cho vay được hơn 4.677 tỷ đồng và giải ngân được khoảng 2.009 tỷ đồng, trong đó có 1.500 tỷ đồng cho cá nhân vay mua nhà. 

Cải tạo chung cư cũ, một chính sách kích cầu thị trường BĐS thực hiện chậm.

Khi quy định cho phép người nước ngoài, Việt kiều mua nhà ở tại Việt Nam vừa có hiệu lực, tại thành phố cũng đã có hơn trăm căn hộ được bán cho các đối tượng trên. Dù vậy, ngày 20/7 vừa qua Hiệp hội BĐS thành phố đã lại phải lên tiếng nhằm gỡ vướng cho nguồn kích cầu thị trường nhà ở cao cấp này. Trong đó, một loạt các vấn đề vướng mắc cần tháo gỡ đã được ông Lê Hoàng Châu nêu ra.

Chẳng hạn, để chứng minh nguồn gốc Việt khi số đông  Việt kiều không còn khai sinh hoặc giấy tờ tùy thân gốc khác, chỉ cần cho phép sử dụng thông tin trên giấy căn cước về nguồn gốc dân tộc của Việt kiều do nước sở tại cấp là đủ để xác định. Để tạo thuận lợi cho Việt kiều mua nhà, ông Châu cũng đưa ra đề nghị cho phép Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài của TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có thẩm quyền xác nhận nguồn gốc của Việt kiều.

Vấn đề Việt kiều và người nước ngoài chuyển tiền mua nhà từ nước ngoài về; thủ tục để đối tượng này được vay tiền từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam để mua nhà ở hay việc chuyển tiền ra nước ngoài sau khi bán nhà cũng cần được khơi thông. Trong thời gian làm thủ tục mua nhà hoặc khi các đối tượng này đã mua được nhà rồi, cơ quan có thẩm quyền cũng nên xem xét việc cấp visa có thời hạn dài, từ 1 - 3 năm, được xuất nhập cảnh nhiều lần để tạo thuận lợi cho họ đi lại.

Tiếp đó là khu vực nào Việt kiều, người nước ngoài được mua, khu vực nào không được mua cũng cần được lập, công bố danh sách rõ ràng. Trường hợp trong địa bàn 1 phường có nhiều tòa nhà chung cư hoặc có khu đô thị đang có đông người nước ngoài cư trú, các đối tượng trên sẽ được mua bao nhiêu căn hộ cũng cần được xem xét thấu đáo. 

Đến nay mới có 46 dự án nhà ở được xác định dành cho người thu nhập thấp, chiếm chừng 3% trong tổng số dự án phát triển nhà ở được cấp phép. Khi quỹ nhà ở thuộc phân khúc này thiếu trầm trọng, cũng mới chỉ có 24 dự án nhà ở thương mại được xem xét, cho chuyển đổi căn hộ diện tích lớn thành diện tích nhỏ.Do phải đáp ứng một loạt các điều kiện nên cũng mới chỉ có 9 dự án được phép điều chỉnh, tăng thêm được khoảng 1.400 căn.

Nhận định về thị trường 6 tháng đầu năm nay của Hiệp hội BĐS thành phố cho thấy, phân khúc nhà ở có quy mô vừa và nhỏ giá bán trên dưới 1 tỷ đồng/căn vẫn là phân khúc phát triển bền vững - trụ cột của thị trường do đáp ứng nhu cầu thật của đông đảo người tiêu dùng là đối tượng có thu nhập trung bình và thu nhập thấp đô thị, nhưng hiện nay vẫn trong tình trạng cung không đủ cầu.

Thiếu quỹ NOXH, nên Hiệp hội BĐS cho rằng, việc cho phép diện tích căn hộ là NOXH rộng tối đa đến 90m² sàn trong giai đoạn hiện nay là chưa phù hợp, bởi không đáp ứng được nhu cầu nhà ở cơ bản, tối thiểu, phổ biến của số đông người thu nhập thấp đô thị. Căn hộ diện tích 90m² chỉ có 1 hộ được hưởng, nhưng nếu xây dựng thành 3 căn hộ 30m² sàn sẽ có 3 hộ dân có cơ hội về nhà ở. Do đó, loại NOXH có diện tích tối thiểu là 25m² sàn sẽ phù hợp với túi tiền của đông đảo hộ gia đình ít người.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành nhìn nhận, mỗi năm TP Hồ Chí Minh cần đến 30 ngàn căn nhà cho người thu nhập thấp. Nhưng do không có quỹ đất sạch để phát triển những khu NOXH tập trung, nên thành phố chủ yếu phải trông chờ vào quy định: Buộc chủ dự án dành 15 – 20% số lượng căn hộ trong dự án nhà ở thương mại để làm NOXH.

Theo ông Đực, phát triển NOXH là trách nhiệm của chính quyền, không thể phó thác cho DN kiểu khoán trắng như vậy. Điều này không chỉ gây khó khăn cho chiến lược sản phẩm của chủ đầu tư mà còn làm khó người thu nhập thấp khi phải mua NOXH với giá cao. Quá trình sinh sống xen kẽ giữa nhà ở cao cấp, thấp cấp cùng nhau càng gây ra những chuyện bất cập.

Đức Thắng
.
.
.