Về những biện pháp kiểm soát an ninh hàng không: Người dân cần ủng hộ và chia sẻ

Thứ Sáu, 21/03/2014, 20:22

Trước lo ngại nguy cơ khủng bố, lần đầu tiên hàng không Việt Nam áp dụng biện pháp đảm bảo an ninh tăng cường cấp độ 1. Trước những thủ tục có phần phiền hà trong quá trình thực thi sắc lệnh, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng kêu gọi mọi người dân ủng hộ và có sự chia sẻ.

Vụ máy bay Malaysia Airlines mất tích đã để lại những dư chấn "khủng khiếp" trong lịch sử nền hàng không thế giới, khiến không ít người giật mình và buộc những cơ quan chức năng phải rà soát và nhìn lại lỗ hổng lớn trong vấn đề an ninh hàng không trong suốt thời gian qua.

Trước lo ngại nguy cơ khủng bố, lần đầu tiên hàng không Việt Nam áp dụng biện pháp đảm bảo an ninh tăng cường cấp độ 1. Trước những thủ tục có phần phiền hà trong quá trình thực thi sắc lệnh, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng kêu gọi mọi người dân ủng hộ và có sự chia sẻ.

Cấp độ 1 về tăng cường các biện pháp an ninh hàng không chưa phải là mức độ cao nhất và nó mới chỉ là sự cảnh báo ban đầu để nâng cao an toàn an ninh hàng không. Thế nhưng, sự cảnh báo này là cần thiết và đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay - khi mà tồn tại nhiều nguy cơ tác động xấu đến vấn đề an toàn, an ninh. Và đó cũng là một "thủ tục" bắt buộc của ngành hàng không khi có một sự cố (cho dù sự cố ngoài lãnh thổ quốc gia) ảnh hưởng và định hướng sâu sắc tới vấn đề an ninh và an toàn quốc gia. Cũng bởi là thủ tục, là việc phải làm nên người dân cũng đừng vì thế mà ngạc nhiên dẫn tới những hành động bất hợp tác hoặc khó chịu trước những biện pháp thắt chặt, kiểm soát an ninh của các đơn vị chức năng.  

Theo đó, tại các khu vực hạn chế, cảng vụ hàng không trên cả nước đã tăng cường số lượng nhân viên an ninh, không cho người không có phận sự ra vào khu vực hạn chế. Kiểm soát an ninh được triển khai thực thi nhiều biện pháp đặc thù nhằm thắt chặt và kiểm soát an ninh một cách tối đa nhất. Nếu việc kiểm tra người bằng máy dò kim loại cầm tay và kiểm tra trực quan bình thường ở mức 5% thì bây giờ được nâng lên thành 7%. Quá trình phỏng vấn khách khi làm thủ tục an ninh cũng được thắt chặt. Tần suất kiểm tra trực quan ngẫu nhiên được nâng lên thành 10% đối với hành khách và hành lý xách tay qua cổng từ mà không có tín hiệu báo động.

Lần đầu tiên hàng không Việt Nam áp dụng biện pháp đảm bảo an ninh tăng cường cấp độ 1.

Ngoài những biện pháp tăng cường và thắt chặt an ninh, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan của Bộ, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Bộ Công An, Bộ Quốc Phòng, Bộ Ngoại Giao để kịp thời có những thông tin về các nhóm khủng bố, thông tin về các thủ đoạn, phương thức hoạt động khủng bố cũng như việc sử dụng hộ chiếu, giấy tờ giả để đi máy bay, từ đó chủ động hơn trong việc kiểm soát.

Đồng thời, việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là trước mắt sớm trình dự thảo luật sửa đổi một số điều của luật hàng không dân dụng Việt Nam, và các văn bản có liên quan để trình Quốc hội sớm ban hành để tăng cường mục tiêu đảm bảo an ninh an toàn hàng không cũng được lưu tâm. Bên cạnh đó Bộ này cũng chỉ đạo các đơn vị, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh nghề nghiệp… cho những người làm công tác đảm bảo an toàn hàng không.

Có thể thấy, mặc dù chưa phải là cấp độ cao nhất trong bảng tham chiếu về mức độ cảnh báo nhưng những biện pháp và quyết tâm của các cơ quan chuyên trách đưa ra ở trên cũng đủ cho chúng ta thấy rằng hiện nay, an ninh hàng không là một vấn đề nóng và không được phép lơ là. Lẽ dĩ nhiên, bây giờ mới đặt ra vấn đề này thì có phần muộn màng. An ninh hàng không nên được bàn đến từ lâu và được thắt chặt từ lâu nếu không muốn nói thẳng ra là nó phải đi cùng với việc thiết lập hệ thống hàng không. Chứ không phải đến khi vụ việc máy bay của Malaysia Airlines vỡ lở thì không riêng gì Malaysia mà cả thế giới mới có "cơ hội" sửng sốt và giật mình rồi đặt ra vấn đề đó. Thế nhưng, muộn còn hơn không. Đó là một sự muộn cần thiết. Và trước khi những nguy cơ tiềm ẩn có cơ hội "bùng phát" như vụ máy bay của Malaysia Airlines mất tích diễn ra vừa qua, thì việc vào cuộc của các cơ quan chức năng của nước ta không phải là thừa thãi.    

Lo ngại trước tâm lí không thích rắc rối và phiền phức vẫn thường có nhiều người dân, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh:  "Chúng tôi xác định, đảm bảo an ninh an toàn hàng không là ưu tiên số 1 cho các hoạt động của hàng không dân dụng. Với việc áp dụng an ninh cấp độ 1 thì chắc chắn nó cũng sẽ ảnh hưởng, sẽ gây phiền hà cho người dân, cho nên chúng tôi cũng mong người dân có sự chia sẻ. Vì trước hết, những biện pháp đảm bảo này là đảm bảo an toàn cho chính người dân, chính nước này, hành khách tham gia vào hoạt động của hàng không".

Thiết nghĩ, trước một vấn đề lớn, lại có "gương" lớn là vụ mất tích vừa qua, việc người dân bỏ qua tâm lý thông thường vốn dĩ của mình trước một vài thủ tục thắt chặt an ninh, an toàn tại các sân bay cũng là một việc cần thiết. Không nên vì những điều nhỏ nhặt hay những điều ta có thể làm và kiểm soát được mà liên đới tới một vấn đề lớn hơn, đó là sinh mạng con người và an ninh quốc gia

Xuân Quỹ
.
.
.