Tự sát - vấn nạn quốc gia tại Hàn Quốc
Những năm gần đây, hàng loạt vụ tự tử của người Hàn Quốc, bao gồm các nghệ sĩ trong làng giải trí, giới nhà giàu hay gần đây nhất là cái chết của ông Hiệu phó Trường Trung học Danwon, đơn vị tổ chức cuộc tham quan dẫn đến vụ chìm phà Sewol khiến hàng trăm người chết, đã làm rúng động truyền thông Hàn Quốc và quốc tế. Kim Young-Ha, tác giả cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Tôi có quyền hủy hoại bản thân” (đã xuất bản tại Việt Nam) đã đưa ra cách nhìn của ông về vấn nạn quốc gia này trong bài viết cho tờ New York Times số ra ngày 2/4/2014.
Là tác giả cuốn tiểu thuyết “Tôi có quyền hủy hoại bản thân”, tôi thường được hỏi vì sao tỷ lệ tự tử tại Hàn Quốc lại cao đến vậy. Nhân vật chính trong cuốn sách của tôi là một “nhà tư vấn tự tử” chuyên nghiệp, một người được thuê để giúp khách hàng lên kế hoạch tự sát. Tôi bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết vào năm 1995, khi tỷ lệ tự tử hằng năm tại Hàn Quốc thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ trung bình của các quốc gia công nghiệp hóa khác. Thế nhưng từ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, tỷ lệ tự sát bắt đầu nhảy vọt tại Hàn Quốc và tình trạng này ngày càng trở nên tồi tệ.
Khi cuốn tiểu thuyết của tôi được xuất bản vào năm 1996, không một ai, kể cả tôi, hình dung được rằng tự tử có thể trở thành một vấn nạn. Suốt tám năm liền Hàn Quốc nắm giữ tỷ lệ tự sát cao nhất trong nhóm các nước công nghiệp; 14.160 người đã tìm đến cái chết vào năm 2012, nghĩa là mỗi ngày trung bình có 39 người tự tử, tăng 219 phần trăm so với năm 2000 với 6.444 ca tự tử. Hiện nay tự tử đã trở thành nguyên nhân tử vong hàng đầu trong nhóm người từ 10 đến 30 tuổi. Với nhóm người 40 tuổi, tự tử là nguyên nhân phổ biến thứ hai chỉ sau bệnh ung thư. Ở các thế hệ cao tuổi hơn, số liệu thậm chí còn u ám hơn thế.
Tự tử đã trở thành một vấn nạn tràn lan. Gần đây tôi đi bar uống nước với một người bạn và nhân viên bartender có hỏi ý kiến chúng tôi rằng liệu thời tiết ngày mai có thuận lợi để đi thuyền một chuyến không. Cô ấy nói anh trai mình đã tự sát cách đây một năm, và gia đình cô dự định sẽ đi thuyền ra bến cảng, nơi họ từng rải tro của người anh quá cố, để kỷ niệm ngày mất của anh. Thế là ông bạn của tôi bèn tiết lộ rằng một bạn học cũ của chúng tôi, người mà ai cũng nghĩ là qua đời do nhồi máu cơ tim, thực chất đã tự sát.
Giờ đây, bất cứ khi nào tôi nghe tin về một người trẻ tuổi mới qua đời, khả năng đầu tiên mà tôi nghĩ đến là tự tử.
Chiến dịch “Cây cầu sự sống” là một ví dụ điển hình cho thấy đường lối của nhà chức trách có thể phản tác dụng ra sao. Cây cầu Mapo bắc qua sông Hàn tại Seoul đã chứng kiến rất nhiều người quăng mình xuống sông để tìm đến cái chết đến mức nó trở thành “Cầu tự sát”.
Năm 2012, chính quyền Seoul và Hãng bảo hiểm nhân thọ Samsung đã cùng khởi xướng một dự án nhằm biến “Cầu tự sát” thành “Cầu sự sống”. Một công ty quảng cáo đã kêu gọi cộng đồng hiến kế về nội dung các thông điệp trên các tấm panel có tranh minh họa trên lan can của cây cầu. Các tấm panel được treo nhằm mục đích khích lệ những người đến gần lan can với những thông điệp như “Tôi biết cuộc sống không dễ dàng gì với bạn” hoặc “Ngày hôm nay của bạn thế nào?”
Một năm sau, tỷ lệ tự tử từ trên cầu Mapo xuống sông tăng gấp sáu lần. Thay vì ngăn cản việc tự sát, chiến dịch “Cầu sự sống” thậm chí đã thu hút những ca tự tử.
Chỉ vài ngày trước (trước khi bài viết này được đăng đầu tháng 4/2014 – người dịch), bộ phận an ninh của một đoàn phim bom tấn Hollywood đã phát hiện xác của một người đàn ông 21 tuổi dưới sông ngay dưới vị trí cầu Mapo trong khi họ đang quay phim; và người đàn ông ấy đã chết được hai tuần lễ.
Theo nghiên cứu của Khoa Y tế gia đình thuộc Trường Đại học Hallym, khoảng 60 phần trăm số người có ý định tự tử mắc chứng trầm cảm. Thế nhưng rất nhiều người Hàn Quốc giữ quan điểm lạc hậu về các chứng bệnh tâm thần. Nhiều người cho rằng nếu ai đó muốn tự sát thì chỉ đơn thuần vì người đó không còn đủ sức mạnh để sống tiếp, vì người đó quá yếu đuối. Người ta không mấy cảm thông hay muốn nghiên cứu nguyên do đằng sau những gì nhìn thấy ở bề nổi.
Và ở Hàn Quốc, khi xã hội còn e ngại việc điều trị tâm thần, thật sự không dễ để tìm trị liệu cho chứng trầm cảm. Kim Eo-Su, một giáo sư tâm thần học tại Bệnh viện Yonsei Severance, từng bảo tôi rằng: “Cứ ba người mắc chứng trầm cảm thì một người dừng điều trị giữa chừng. Nhiều bệnh nhân cho rằng họ có thể tự mình vượt qua chứng trầm cảm nhờ việc theo đạo hoặc tập luyện thể thao”.
Nhiều người muốn được trị liệu tâm lý nhưng lại sợ bị các bác sĩ lưu giữ hồ sơ về mình. Gần đây các phụ nữ có chồng truyền tai nhau một tin đồn rằng việc từng có tiền sử trị liệu hay kê đơn thuốc trị trầm cảm có thể khiến họ bị mất quyền nuôi con nếu chồng họ có khi nào đòi ly dị.
Nữ diễn viên nổi tiếng Choi Jin-Sil treo cổ tự sát trước thềm tuổi 40 vào tháng 10/2008. |
Rất khó tìm được sự giải thích thỏa đáng về nguyên do gốc rễ của vấn nạn tự tử. Trong nhóm người cao tuổi, nhiều phân tích cho rằng lý do là sự tan rã của đời sống gia đình truyền thống và điều kiện sống thiếu thốn. Với người trẻ tuổi, người ta đổ lỗi cho áp lực thi đại học quá nặng nề. Trong nhóm trung nhiên, nguyên do được cho là vì nền kinh tế bấp bênh. Dù ở lứa tuổi nào thì cũng có quá nhiều người Hàn Quốc cho rằng tự sát là một lựa chọn khả dĩ để thoát khỏi những áp lực của cuộc sống hiện đại. Quan điểm này cần phải được xóa bỏ.
Tin tốt là cấp địa phương đang nỗ lực thay đổi. Năm 2013, Busan trở thành thành phố đầu tiên trong cả nước bắt đầu theo dõi những người có khả năng tự tử cao. Các chuyên gia tâm thần cũng bắt đầu nghiên cứu môi trường tâm lý của những đối tượng đã tìm đến cái chết bằng cách tổ chức phỏng vấn sâu với những người tự tử không thành công. Quan chức Busan dẫn chứng ví dụ của nước Phần Lan, nơi nhà chức trách đã thực hiện một chương trình tương tự vào năm 1992, khi tỷ lệ tự sát ở nước này được xếp vào hàng cao nhất trên thế giới. Nhờ chương trình này, Phần Lan đã giảm được tới 40 phần trăm số ca tự tử.
Tiếp bước Busan, Incheon cũng đã phát triển một dự án ngừa tự tử toàn diện với mục tiêu giảm 20% tỷ lệ tự tử.
Ở cấp trung ương, chính phủ cũng đang bắt đầu tìm cách giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, nỗ lực bỏ ra vẫn còn rất hạn chế. Tổng ngân sách quốc gia dành cho các dịch vụ chống tự sát chỉ dừng lại ở mức gần 7 triệu USD. Trong khi đó, nước láng giềng Nhật Bản thì đổ hơn 130 triệu USD vào các chương trình chống tự sát, và họ đã thu lại kết quả trông thấy cho nỗ lực của mình.
Ngày nay, tôi sẽ không đời nào viết thêm một cuốn tiểu thuyết xung quanh chuyện tự tử như “Tôi có quyền hủy hoại bản thân” nữa. Tôi rất sợ mình sẽ vô tình khuyến khích người ta tự sát. Tôi rất mong một ngày nào đó các nhà văn như tôi có thể vô tư lấy chuyện tự tử làm đề tài cho tác phẩm của mình