Tội phạm vị thành niên - Bài toán chưa lời giải

Thứ Ba, 01/11/2011, 03:37

Chỉ cần gõ cụm từ "tội phạm (hoặc sát thủ, hoặc kẻ giết người v.v..) vị thành niên" là hiện ra vô số các kết quả liên quan. Cận cảnh chân dung những tôi phạm "nhí" này mới thấy, chẳng cứ, chúng phải sở hữu một hung tướng như Tần Vũ Dương, bên cạnh những bản diện "hình sự" lì lợm, rắn câng, còn có những gương mặt thư sinh non nớt, thậm chí nhiều kẻ trông còn hiền lành, tội nghiệp!

Cổ sử Trung Quốc, chép truyện "Kinh Kha hành thích Vua Tần" có đoạn Thái tử Đan chọn tìm cả nước Yên mới được thiếu niên Tần Vũ Dương để cùng Kinh Kha đi hành thích vua Tần. Sở dĩ chọn người này, bởi tương truyền, khi giết người, y đã không hề chớp mắt. Khi Kinh Kha gặp mặt, thấy lưng Hổ, tay Gấu, Mày sắc như lưỡi mác, mắt phát ra cương quang lạnh giá, liền gật đầu ưng thuận. Ôn chuyện xưa, mà nay thấy hãi, bởi những tội phạm "nhí" thời nay, cũng giống Tần Vũ Dương ở độ tuổi vị thành niên, ở sự "hạ thủ bất lưu tình". Song ác nỗi, chẳng cần phải vất vả sục tìm, có thể bắt gặp chúng ở bất kỳ nơi đâu...

Chỉ cần gõ cụm từ "tội phạm (hoặc sát thủ, hoặc kẻ giết người v.v..) vị thành niên" là hiện ra vô số các kết quả liên quan. Cận cảnh chân dung những tôi phạm "nhí" này mới thấy, chẳng cứ, chúng phải sở hữu một hung tướng như Tần Vũ Dương, bên cạnh những bản diện "hình sự" lì lợm, rắn câng, còn có những gương mặt thư sinh non nớt, thậm chí nhiều kẻ trông còn hiền lành, tội nghiệp!

Tuy nhiên, chỉ cần mục kích hành tung của chúng, thì ngay cả người cứng bóng vía, cũng không khỏi lạnh gáy, bởi tính manh động và độ hung hãn, tàn bạo của những tên tội phạm mặt còn búng ra sữa này. Va chạm giao thông… chém; mâu thuẫn cá nhân… chém; tranh giành bạn tình… chém; mắc mớ tiền bạc… chém; thậm chẳng cần lí do, cũng có thể tuốt dao đâm, chém người, chỉ vì… bạn nhờ, hay đơn thuần là… nhìn ngứa mắt. 

Ngay tên sát thủ vừa bị sa lưới, của vụ án "thảm sát cả gia đình chủ tiệm vàng ở Bắc Giang" làm chấn động nhân tâm cả nước vừa qua. Cũng là một thanh niên có gương mặt sáng sủa và nụ cười tươi tắn. Có những comment trên báo điện tử đã giật mình tự hỏi "không biết cuộc sống sẽ ra sao, khi đằng sau những gương mặt người lại ẩn náu một tâm hồn ma quỉ?!

Khoa học về tội phạm cho thấy, có những tên sát nhân, mang trong trong mình mã gen tội phạm, tội ác dường như đã tiềm phục trong chúng, ngay từ khi chúng được sinh ra. Tuy nhiên, thật may mắn cho nhân loại, bởi chúng tuy cực kỳ nguy hiểm, nhưng luật thiên nhiên đã khiến chúng luôn là các thiểu số vô cùng nhỏ nhoi, giữa cộng đồng nhân loại đông đúc. Chính vì vậy, ngoài các trường hợp cực kỳ hy hữu đó, muốn truy nguyên câu hỏi "Vì sao?". Với những phần còn lại của tội phạm vị thành niên, đương nhiên, không thể không truy tìm ở những lí do thuộc về xã hội.

Như một khuôn mẫu của phản ứng, sau mỗi vụ trọng án gây chấn động dư luận, như vụ Nguyễn Đức Nghĩa, hoặc Lê Văn Luyện chẳng hạn là bộ máy hành pháp lại khởi động một loạt động thái như tổ chức "ra quân truy bắt tội phạm" cách khác là những "bàn tròn truyền thông" lập tức được tổ chức, với khách mời là những nhà Tâm lý học, Xã hội học, Giáo dục học v.v…

Bên cạnh, những kết quả phân tích không bao giờ sai, mà những khoa học gia trường qui này đưa ra như: Đó là biểu hiện suy đồi đạo đức, bắt nguồn từ sự xuống cấp của giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội, hay sự tiêm nhiễm lối sống vị kỷ, thực dụng, đặc trưng của xã hội tiêu dùng…

Còn có một số nguyên nhân không kém phần quan trọng, song lại thấy họ ít nhắc đến, ví dụ như: Sự tha hóa của  truyền thông chẳng hạn. Một cô người mẫu mặt mộc đi ăn ốc, cũng được phóng viên bám theo, chụp hình viết bài. Chuyện rắc rối tình cảm giữa một gã công tử con nhà giàu và một cô diễn viên, cũng khiến cho không ít báo dành "đất" đăng nhiều kỳ.

Chính vì vậy, cũng chẳng có gì ngạc nhiên, khi thần tượng thời nay, của những cô, cậu học trò lớp 5, lớp 7, lớp 10 lại là những Công Vinh, Thủy Tiên, Cường "Đô la", Tăng Thanh Hà… Khi tôi hỏi cậu bé, con một người bạn "vì sao cháu, thích Cường "đô la" cậu ta hồn nhiên trả lời: "Vì anh ấy có nhiều tiền, có nhiều tiền, thì mới tậu "siêu" xe được, cháu rất thích những "siêu" xe của anh ấy!".

Nếu bạn còn nghi ngờ điều này (sự tha hóa của truyền thông) thì hãy bớt chút thời gian quan sát các sô (Show) quảng cáo được phát hàng ngày trên các phương tiện truyền thông, mới thấy không ít những sô quảng cáo, những chương trình dành cho người nổi tiếng, hoặc giới thiệu các không gian triệu đô của những đại gia. Thông qua những cụm từ đã trở thành khẩu ngữ của giới trẻ thời nay như: "phong độ", "đẳng cấp", "sành điệu", "bản lĩnh"… quảng cáo đã vô tình hay hữu ý, xưng tụng lối sống trưởng giả, thượng tôn giá trị vật chất, qua đó càng đào sâu hố phân cách giàu-nghèo, đồng thời đánh thức những xung lực "đen" luôn sẵn sàng ẩn nấp đâu đó trong mỗi con người như: tính tỵ hiềm, ganh ghét, lòng đố kỵ, hận thù hoặc khao khát tầm cầu những thứ  mình không có, nói như nhà Phật là tự chuốc nỗi khổ "sở cầu bất đắc".

Một tác nhân khác, không kém phần nguy hại, đó là chương trình phim truyện. Với  hàng chục cuốn phát hàng ngày trên hàng chục đài phát khác nhau, đầy rẫy bạo lực và tình dục. Đó là một kênh quan trọng trang bị cho triết lý về người hùng, kẻ mạnh và đặc biệt là cung cấp nhiều thủ đoạn nham hiểm, tàn độc cho kẻ thủ ác. Chính vì thế mà qua diễn biến trong một số vụ án, có thể thấy hành tung của các tội phạm "nhí" nhang nhác như trong một số bộ phim hình sự, hành động đã chiếu trên HBO, Cinemax, Star Movie… hoặc những kênh khác.

Một biểu hiện khác của truyền thông là cách đưa tin giật gân kiểu "lá cải". Theo các nhà tâm lý học, thì nhận thức của giới trẻ, thường hình thành qua các kinh nghiệm trực giác. Sự chai cằn, vô cảm hoàn toàn có thể xảy ra, khi trường thị giác của chúng thường xuyên phải tiếp xúc với những bản tin "cướp" "giết" "hiếp" bị khai thác theo hướng giật gân, câu khách.

Nguyên nhân tiếp theo, đó là cảm giác bơ vơ tâm lý, khi thiếu vắng một lí tưởng xã hội dẫn đường. Trong cuộc bàn tròn trực tuyến gần đây, về đề tài này, một nhà xã hội học đã phê phán sự khiếm khuyết trong phần giáo dục đạo đức ở chương trình phổ thông. Tuy nhiên, tôi nghĩ không hẳn đã như vậy, mới vào lớp 1 các cháu đã được dạy: "Yêu Tổ quốc, Yêu đồng bào…" phần giáo dục đạo đức trong giáo trình phổ thông các cấp cũng không thiếu những câu chuyện, những tấm gương làm rung động lòng người.

Những Nguyễn Đức Nghĩa, Lê Văn Luyện, và nhiều kẻ thủ ác trẻ tuổi khác, đều đã từng qua nhà trường phổ thông, thậm chí có kẻ còn có bằng cử nhân, cao học… vậy tại sao chúng vẫn đánh người, chém người không gớm tay? Đương nhiên có thể liệt kê ra đây rất nhiều nguyên nhân, tuy nhiên tôi rất chú ý đến câu hỏi của một độc giả băn khoăn nêu ra trên trang mạng xã hội "vì sao, thời bao cấp đói khổ là vậy, nhưng tội phạm lại ít hơn bây giờ rất nhiều".

Vấn đề đặt ra ở câu hỏi này, đương nhiên không thể thỏa mãn với một kiến giải duy nhất. Tuy vậy, ở góc độ tâm lý có thể nói rằng, khi lý tưởng xã hội còn mạnh mẽ, nó sẽ là giềng mối cho từng cá thể nương tựa trong cuộc chiến chống lại những dục vọng "đen". Cầm bằng ngược lại, nó trở giáo biến thành những ngụy lý, quỉ biện cho dục vọng bản năng được dịp tung hoành, kiểu dáng như "thiên hạ đục, can cớ gì mình phải trong".

Tuổi trẻ, tuy bồng bột, nhưng cũng rất nhạy cảm. Những bài học đạo đức dù hay ho, sâu sắc đến đâu, cũng vô hiệu, khi trái ngược lại với những gì chúng quan sát trong cuộc sống. Sự thất vọng là tất yếu, khi hiện thực cuộc sống đang diễn ra hỗn tạp hơn rất nhiều, so với những gì chúng được răn dạy trong giáo trình. Đó cũng chính là lúc cá nhân không thể tìm kiếm được nương tựa từ suối nguồn lí tưởng cộng đồng (điều mà trong những tháng ngày kháng chiến cam go và thời kỳ bao cấp gian khổ, chúng ta luôn tràn trề). Một khi từ trường tâm lý xã hội đã nhuốm màu tiêu cực, đương nhiên cá nhân cũng sẽ khó có thể giữ được niềm tin và một khi niềm tin không còn thì… mọi sự tồi tệ, đều có thể xảy ra.

Xét cho cùng mọi logic lý thuyết, đều có thể bị chết yểu trong thực tế. Tuy nhiên, cho đến nay, bất chấp những kiến giải khác nhau, song "tội phạm vị thành niên" vẫn đang là một vấn đề gây nhức nhối cho toàn xã hội. Một bài toán hiện chưa có lời giải rốt ráo. Chính vì thế, mọi nỗ lực hướng đến giải quyết vấn đề xã hội này, tuy có thể khác nhau về hình thức, phương pháp hay cách tiếp cận vấn đề, nhưng tự nó lại gặp nhau ở một điểm đến duy nhất, đó là hướng đến một cuộc sống ngày càng an toàn hơn

Trần Sáng
.
.
.