Phản đối sáp nhập trường: Con thất học, cha mẹ vướng vòng lao lý
Chuyện, không dừng lại ở sự phản đối, cấm cản nữa mà hàng chục người đã chở theo con cái, trên cổ đeo đầy những băng rôn khẩu hiệu rồng rắn kéo nhau lên tỉnh để tỏ rõ quan điểm. Tệ hơn nữa, có nơi phụ huynh quá khích, xông vào hành hung lực lượng chức năng, đập phá trường lớp phải vướng vòng lao lý.
Phụ huynh phản đối, học sinh nghỉ học cả năm trời
Năm học 2014 – 2015 này đã là mùa khai giảng thứ hai, 49 học sinh khối Toàn Thắng, làng Văn Hà, xã Quang Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) vẫn không được đến trường như bao chúng bạn chỉ vì phụ huynh phản đối việc sáp nhập trường, nên lệnh cấm tiệt con em đến lớp. Chuyện bắt đầu từ việc Nghị quyết đại hội Đảng bộ xã Quang Sơn năm 2010 đã quyết định sáp nhập 3 lớp học từ điểm trường lẻ khối Toàn Thắng về trường điểm trung tâm vì số lớp giảm đi, không đủ số lượng theo quy định. Chủ trương này thực hiện theo chỉ đạo chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không có gì sai, điểm trường lẻ này không đảm bảo cơ sở vật chất, trong khi Trường Tiểu học Quang Sơn đã đạt chuẩn mức độ I, có trường học 2 tầng khang trang vừa mới đưa vào sử dụng. Trong khi đó, trường lẻ làng Văn Hà có cơ sở vật chất là một ngôi nhà cấp 4 chỉ có 4 phòng học, được xây dựng từ những năm 1981, hiện đã xuống cấp trầm trọng. Khoảng cách từ điểm trường chính đến đầu làng Văn Hà là 1,8 km còn khoảng cách từ điểm trường lẻ đến điểm trường chính là 2,3 km. Tuy vậy, ở làng Văn Hà, ngay từ đầu năm học 2013 – 2014 khi áp dụng chủ trương này, tất cả phụ huynh đều phản đối vì trường trung tâm xa hơn trường cũ, họ sợ con cái đi học vất vả nên đã đồng loạt phản đối, ngày khai giảng không cho trẻ đến trường. Trong suốt cả năm học vừa qua, những đứa trẻ khát khao đến lớp này đành nuốt nước mắt nhìn chúng bạn tung tăng cắp sách tới lớp. Một số gia đình đồng thuận với chính sách sáp nhập, cho con em đến trường thì ngay lập tức đã bị kẻ giấu mặt khủng bố, đe dọa tinh thần. Ban ngày đưa con đến trường, tối đến cây rơm bốc cháy, ruộng lúa đang kỳ thu hoạch bị phá nát. Đêm đêm, hàng chục đối tượng còn tụ tập, quyên góp tiền bạc để làm quỹ phản đối đưa trẻ đến trường khiến làng Văn Hà không còn bình yên.
Điểm trường Toàn Thắng (Đô Lương) xuống cấp nghiêm trọng. |
Đến năm học 2014 – 2015 này, tính đến nay, học sinh của 3 lớp 1, 2 và 3 tại điểm trường lẻ thuộc khối Toàn Thắng của 3 xóm 8, 9, 10 xã Quang Sơn, mới chỉ có 157 học sinh tới trường học tập. Đã rất nhiều lần chính quyền xã phối hợp với Ban Giám hiệu nhà trường, ra thông báo, tổ chức đối thoại, thành lập các đoàn vào từng xóm để tuyên truyền, vận động nhưng các bậc phụ huynh vẫn nhất quyết không cho con tới trường. Lý do mà các bậc phụ huynh không đồng tình là do đường sá đi lại khó khăn, các cháu không thể tự đến trường. Trong khi mùa màng bận rộn, không có thời gian đưa đi đón về ngày hai buổi vì trường không có chế độ ở nội trú.
Năm 2013 - 2014 vẫn có 53 học sinh trường này chưa thể đi học. Vì việc này người dân làng Văn Hà đã nhiều lần khiếu kiện lên các cấp, trong đó có 2 lần tổ chức khiếu kiện ra các cơ quan trung ương. Đến ngày khai giảng năm học mới vừa qua (2014 -2015), trong số 74 học sinh của làng chưa đi học (trong đó 21 em diện tuyển mới) có 25 em đã đến trường. Còn lại 49 em không chịu đến trường do phụ huynh tiếp tục phản đối. Sự việc càng nghiêm trọng hơn khi vào sáng 19/9, phụ huynh của những học sinh này mang theo con em, kèm theo nhiều tấm biển viết nguệch ngoạc “cháu muốn đi học”, “cháu khao khát đi học”, kéo đến trụ sở UBND tỉnh Nghệ An, sau đó tiếp tục kéo tới Sở Giáo dục và Đào tạo để biểu tình, phản đối. Công an Nghệ An đã điều động cán bộ chiến sĩ túc trực để đảm bảo an ninh trật tự. Hiện, nội tình sự vụ vẫn chưa giải quyết được.
Phụ huynh vướng lao lý vì phản đối sáp nhập trường
Cũng liên quan đến việc sáp nhập trường học, cái nôi sản sinh những nhân tài cho đất nước – vùng quê Đức Thọ (Hà Tĩnh) cách đây chưa lâu cũng xôn xao chuyện lình xình quanh chuyện sáp nhập trường THCS Đức Lâm về trường THCS Lê Văn Thiêm, đóng chân trên địa bàn xã Đức Trung. Chỉ vì lo lắng con em đi học xa vất vả, và “tiếc” ngôi trường truyền thống của làng bị xóa bỏ, ngay ngày khai giảng năm học 2013 – 2014, hàng trăm phụ huynh đã cấm con em đến trường khai giảng. Ngay sau đó, chính những phụ huynh này đã kéo con em đến trường THCS Đức Lâm để tự khai giảng, trưa cùng ngày rồng rắn kéo về trụ sở UBND xã Đức Lâm để phản đối chủ trương. Sự việc càng phức tạp hơn khi có nhiều đối tượng quá khích tham gia, kích động, lôi kéo, xúi giục nhân dân, học sinh đi khiếu kiện lên huyện, rồi tỉnh, gây mất ổn định tình hình an ninh trật tự.
Đỉnh điểm là việc những phụ huynh này đã bao vây trụ sở UBND xã Đức Lâm, một số đối tượng quá khích, cầm đầu đã xúi giục hàng trăm phụ huynh, học sinh gây rối trật tự công cộng, bắt giữ Chủ tịch, Bí thư xã Đức Lâm hàng tiếng đồng hồ, mọi hoạt động tại trụ sở gần như bị tê liệt trong một thời gian, số đối tượng cầm đầu còn cố ý hủy hoại tài sản của Nhà nước và nhân dân. Mặc dù được cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể từ xã đến huyện tập trung tuyên truyền, vận động nhưng tình trạng này đã kéo dài trong suốt 3 tháng trời. Trước tình trạng phức tạp này, Công an tỉnh Hà Tĩnh buộc phải vào cuộc. Bên cạnh việc kiên trì bám trụ địa bàn, tích cực vận động nhân dân chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng và nước, đồng thời áp dụng các biện pháp nghiệp vụ sắc bén điều tra, xử lý đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật. Sau quá trình thu thập các tài liệu liên quan, cơ quan Công an đã quyết định khởi tố vụ án hình sự “Gây rối trật tự công cộng”, “Cố ý gây thương tích”, “Hủy hoại tài sản”, khởi tố 3 đối tượng Thái Văn Tình (SN 1983) và Thái Hồng Sơn (SN 1966) và Nguyễn Hồng Chuyên (SN 1972) đều trú tại xóm Ngọc Lâm, xã Đức Lâm. Đây là các đối tượng có tiền án, tiền sự, thường xuyên có biểu hiện gây rối tại địa phương, hai trong số này có con đang trong độ tuổi đến trường.
Phụ huynh dẫn theo học sinh mang băng rôn phản đối tại Sở GD&ĐT Nghệ An. |
Những tưởng vụ việc tại Đức Lâm là bài học nhãn tiền cho việc phản đối chủ trương sáp nhập trường trên địa bàn Hà Tĩnh nói riêng và các địa phương trong cả nước nói chung, tuy nhiên sau vụ làng Văn Hà tại Nghệ An cũng chưa được giải quyết thấu đáo thì mới đây, cũng tại vùng đất học Hà Tĩnh, hàng trăm phụ huynh có con em học tập tại trường THCS Hương Bình, huyện Hương Khê cũng đồng loạt căng băng rôn, khẩu hiệu để phản đối chủ trương sát nhập trường. Chuyện, những tưởng đã cũ nhưng lại trở thành phức tạp, xuất phát từ chính sách dân vận thiếu linh hoạt, mềm mỏng và có phần thụ động của các cấp chính quyền sở tại. Đầu năm học 2014 – 2015, nghe thông tin trường THCS Hương Bình sẽ được sáp nhập vào trường THCS Hòa Hải và Phúc Đồng, nhiều phụ huynh đã phản đối, có đơn kiến nghị lên các cấp chính quyền. Ngay sau đó, nhiều người đã tụ tập trước cổng trường, mang theo băng rôn, khẩu hiệu phản đối chủ trương này. Trong ngày khai giảng, tại trường Mầm non và Tiểu học Hương Bình diễn ra trong không khí khá trầm lắng bởi hàng trăm học sinh không được phụ sinh cho đến trường. Theo số liệu thống kê từ Phòng GD-ĐT huyện Hương Khê, trong 3 tuần đầu tiên của năm học mới, chỉ có 37/215 học sinh bậc mầm non, 27/255 học sinh bậc tiểu học và 43/246 em bậc THCS trên toàn xã đến trường. Công việc hiện nay của các cấp chính quyền cũng chỉ là tuyên truyền, vận động và chẳng biết khi nào trẻ em trong độ tuổi đi học mới lại được đến trường như bạn bè đồng trang lứa.
Ngăn cấm con em đến trường là việc làm vi phạm Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Dù biết rằng việc thay đổi môi trường học nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của các em học sinh, cùng với đó là các em có thể đi học xa hơn vài cây số so với điểm trường cũ, nhưng bù lại trong môi trường mới điều kiện học tập sẽ tốt hơn, quy củ hơn. Vậy nên, các bậc phụ huynh nên vì tương lai con em mình mà có cái nhìn sáng suốt hơn, đừng để kẻ xấu lợi dụng, kích động dẫn đến những việc làm vi phạm pháp luật, mà bài học của 3 phụ huynh tại xã Đức Lâm, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) là một bài học không bao giờ cũ.