Người nổi tiếng bị bôi nhọ trên mạng xã hội: Vị đắng của chiếc bánh ngọt

Chủ Nhật, 18/08/2013, 08:19

Mạng xã hội có một sức hấp dẫn khó cưỡng với công dân toàn thế giới. Tham gia vào các mạng xã hội, là một phần cuộc sống của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Các nghệ sĩ thường là những người tiên phong trong cuộc chơi này, vì những lợi ích từ việc quảng bá tên tuổi, giao lưu, tương tác với công chúng rất nhanh, rất hiệu quả.

Tuy nhiên, những hệ lụy của mạng xã hội mang đến cho họ cũng không hề nhỏ. Ngày càng có nhiều hơn số người nổi tiếng kêu trời vì những trang cá nhân bị kẻ xấu làm giả, lợi dụng danh tiếng của họ để trục lợi, hay để bôi nhọ, nói xấu...

Lẫn lộn thật giả

Trên một số diễn đàn, có nhiều fan kêu trời vì trên mạng xã hội có quá nhiều trang facebook của một thần tượng nào đó của mình. Họ không phân biệt được đâu là trang thật đâu là trang giả. Vì chủ nhân của trang nào cũng ra sức thanh minh mình là thật. Thế mới có chuyện nghệ sĩ hài Hoài Linh phải nhờ đến báo chí tuyên bố trang của mình tạm đóng cửa, không hoạt động... chỉ để chứng minh cái trang "đóng cửa" đó là của mình. Còn lại hàng chục trang khác hàng ngày cần mẫn cập nhật trạng thái, up ảnh... là giả. Hàng ngàn fan của anh cho đến lúc đó mới giật mình, hóa ra từ trước tới nay mình toàn vào like, comment facebook Hoài Linh giả.

Không chỉ Hoài Linh, có tới hàng trăm ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng đã từng phải lên tiếng bức xúc vì tình trạng mình bị làm giả trang cá nhân, bị kẻ xấu bới móc đời tư, phát ngôn linh tinh hòng bôi nhọ hình ảnh mà mình bấy lâu xây dựng. Có thể kể tên các nghệ sĩ như Thanh Hằng, Phùng Ngọc Huy, Dương Triệu Vũ, Ưng Hoàng Phúc, Hoàng Thùy Linh, Bảo Thy, Uyên Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Mai Phương Thúy, Xuân Bắc, Minh Vượng, Lệ Quyên, Siu Black, Cù Trọng Xoay...

Ca sĩ Minh Hằng từng tá hỏa phải tìm đến cơ quan Công an cầu cứu khi mình bị kẻ giấu mặt lập facebook giả đưa rất nhiều ảnh hoạt động của cô lên đó, và có những lời bình phẩm, comment tục tĩu, thiếu văn hóa khiến cho nhiều fan của cô phẫn nộ. Quán quân Việt Nam Idol Uyên Linh cũng đau đầu buốt óc vì một trang facebook giả danh cô đăng toàn những thông tin sai lệch, xúc phạm danh dự cá nhân cô.

Lúc khác, ở một trang cá nhân giả Đàm Vĩnh Hưng đăng một status tung tin đồn là ca sĩ Duy Mạnh đột tử khi đang biểu diễn ở Đà Nẵng, khiến cho nhiều khán giả lo âu. Hoa hậu Mai Phương Thúy bị kẻ xấu làm giả hàng chục trang facebook, trong đó có một vài trang tệ nhất là dùng hình ảnh của cô để quảng cáo cho một nhãn hàng vốn là đối thủ của nhãn hàng cô đang đại diện, khiến cô phải mất công sức phân trần với công ty mình ký hợp đồng.

Mới đây nhất, "Giáo sư Cù Trọng Xoay"- một nhân vật nổi tiếng được hàng triệu người yêu mến phải xuất hiện trên báo chí phân trần về việc có một số trang fanpage đã sử dụng tên tuổi, hình ảnh của anh để bàn về những vấn đề chính trị, xã hội mà dư luận đang quan tâm, tò mò. Trong đó có những bài viết rất quá khích, thậm chí là phản động, gây ảnh hưởng xấu đến công chúng. Mới đây nhất là câu chuyện Hội nhà văn Việt Nam lên tiếng về facebook giả của nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Kẻ xấu đã lập trang giả và đưa các ảnh thời trẻã của ông lên, may mà được một số nhà văn phát hiện, tẩy chay...

Giả danh: Vì yêu hay vì ghét?

Giao diện trang facebook giả mạo nhà thơ Hữu Thỉnh và ca sĩ Uyên Linh.

Dĩ nhiên có những trường hợp người hâm mộ vì quá yêu thần tượng của mình mà lập một fanpage với mục đích tạo ra một địa chỉ để những người có chung thần tượng gặp nhau. Nhưng mục đích lành mạnh này chỉ xảy ra với một số ít trang giả. Vì thực tế, khi các nghệ sĩ có chơi facebook, thì người hâm mộ có thể ghé vào trang của nghệ sĩ để thể hiện tình cảm của mình. Phần lớn các trang giả lập ra là có một mục đích không tốt. Thực tế kiểm nghiệm từ các trang giả cho thấy, động cơ bôi nhọ, nói xấu, hay quảng cáo sản phẩm là chính.

Một số nghệ sĩ trẻ như Minh Hằng, Phùng Ngọc Huy, Uyên Linh cho hay, họ cảm thấy bị xúc phạm nặng nề khi những trang cá nhân giả mang tên họ tung ra những thông tin bịa đặt như việc đi khách kiếm tiền, yêu đương lăng nhăng, xỉa xói đồng nghiệp. Công chúng nếu tưởng đó là trang thật của họ, thì coi như bao nhiêu ấn tượng đẹp họ dày công xây dựng bấy lâu bỗng chốc "tan thành mây khói".

Có nghệ sĩ cho rằng, chính là căn bệnh GATO ngày càng nặng nề trong giới nghệ sĩ biểu diễn đã là nguyên nhân cho việc ngày càng có nhiều trang facebook giả mang tên nghệ sĩ. Con gà tức nhau tiếng gáy, đôi khi khó chịu vì thành công của người khác, hay một vài mối tư thù cá nhân mà người này lập trang giả nói xấu "dìm hàng" người kia.  Bên cạnh đó, một số kẻ nhìn thấy mối lợi từ việc kinh doanh tên tuổi nghệ sĩ. Họ lập những trang cá nhân mang tên những nghệ sĩ có nhiều fan hâm mộ, nghĩa là có số lượng người truy cập lớn, để quảng cáo các sản phẩm phục vụ cho việc bán hàng trên mạng.

Những trang giả mang tên Mai Phương Thúy, Đàm Vĩnh Hưng, Cù Trọng Xoay có thể có số lượng người truy cập lên tới hàng chục vạn. Đây là một chiêu quảng cáo rất có lợi cho những kẻ kiếm tiền bằng cách bán sản phẩm trên mạng internet. Điển hình hồi tháng 6/2011, hai ca sĩ của nhóm The Men đã tá hỏa khi bị một nhóm học sinh tạo ra một trang giả, lợi dụng lòng tin của người hâm mộ nhóm The Men để lừa tiền của họ. Rất may mà vụ việc nhanh chóng được phát hiện.

Chế tài có nhưng các cơ quan chức năng vẫn "bó tay"

Ca sĩ trẻ Minh Hằng bức xúc vì trên trang facebook giả mang tên cô đã đưa ra những thông tin xúc phạm nhân phẩm, danh dự của cô. Cô đã làm đơn tố cáo gửi lên các cơ quan bảo vệ pháp luật. Nhưng cho đến giờ phút này, chưa có kẻ xấu lập facebook bôi nhọ người khác nào bị bắt. Các cơ quan quản lý văn hóa cũng chưa có động thái gì rõ ràng để bảo vệ các nghệ sĩ trước tình trạng tràn lan các trang giả của người nổi tiếng trên mạng xã hội. Khi gặp phải sự cố này, các nghệ sĩ vẫn phải nghĩ cách tự bảo vệ mình là chính. Có người âm thầm chịu đựng, với quan niệm mặc kệ, mạng xã hội phức tạp như ngoài cuộc đời, nên phải biết chấp nhận. Một vài người không chấp nhận thì lên tiếng trên các phương tiện truyền thông, hoặc đưa ra những bằng cớ thuyết phục để chứng minh đâu là trang thật của mình, để cảnh báo công chúng không bị lừa.

Ca sĩ Uyên Linh, nghệ sĩ hài Xuân Bắc, ca sĩ Lệ Quyên ,ca sĩ Minh Hằng.

Theo quy định tại điều 121 và 122 Bộ luật Hình sự nước ta, kẻ nào dùng facebook để bôi nhọ hoặc xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác phải chịu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác hoặc tội vu khống, mức phạt có thể lên tới 3 hoặc 7 năm tù. Còn nếu dùng facebook giả thông tin để lừa đảo và chiếm đoạt tài sản thì có thể bị phạt tù đến chung thân, theo điều 139 Bộ luật Hình sự.

Có chế tài, nhưng hiềm nỗi mạng xã hội như facebook là một kênh mang tính toàn cầu, có cơ quan chủ quản ở nước ngoài. Việc lập một tài khoản là rất dễ dàng, ai cũng có thể làm được, nên vấn đề tìm ra thông tin thật của người lập tài khoản không dễ dàng. Vì thế, việc xác minh đối tượng lập trang giả của người nổi tiếng để làm việc xấu vẫn là một công việc khó như mò kim đáy bể...

Không chỉ người nổi tiếng bị vạ vì những nick ảo trên mạng xã hội, mà cả những người bình thường cũng bị tai họa khi bị kẻ khác bôi nhọ. Hiện tượng nhân viên các cơ quan mượn facebook nói xấu đồng nghiệp, nói xấu lãnh đạo cũng tương đối phổ biến. Mới đây, một nữ sinh ở thành phố Đà Nẵng bị bôi nhọ trên trang facebook có tên "Bộ mặt thật của các hot teen Đà thành" đã tự tử bằng thuốc an thần nhưng may mắn được cứu sống.

Trước đó, một nữ sinh lớp 12 ở Hà Nội cũng đã tự tử bằng thuốc diệt cỏ vì bị bạn ghép ảnh trên facebook. Bên cạnh những mặt tích cực mà mạng xã hội mang đến, thì những hệ lụy đắng chát từ mặt trái của nó cũng đang gây ra một sự phiền hà đáng kể trong đời sống. Do sự quản lý lỏng lẻo mà những kẻ xấu khi tham gia vào mạng xã hội có thể ăn cắp thông tin của người khác dễ dàng, chửi bới người khác vô tội vạ mà không phải chịu bất cứ trách nhiệm đạo đức, pháp lý nào. Đã đến lúc cần coi quyền riêng tư trên internet là một quyền con người, cần được pháp luật bảo vệ...

Mỹ Phương
.
.
.