Nghề "đẻ thuê" ở Ấn Độ
"Nghề cho thuê bụng" hay "nhà máy trẻ em" là những thuật ngữ nói về "nghề" đẻ thuê ở Ấn Độ. Kể từ năm 2002, khi mang thai hộ được hợp pháp hoá tại Ấn Độ, những phụ nữ nghèo đã tạo ra một nền công nghiệp quan trọng ở quốc gia đông dân hàng đầu thế giới này. Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, doanh thu từ việc đẻ thuê của phụ nữ Ấn Độ vào khoảng 400 triệu USD/năm.
Nền "công nghiệp không khói" thời hiện đại
Hiện có hơn 3.000 phòng khám sản khoa trên khắp Ấn Độ và trong số đó, phần lớn các phòng khám đều có dịch vụ mai mối mang thai hộ. Bác sĩ Nanya Patel, người được mệnh danh là "mẹ của ngành công nghiệp đẻ thuê", từng xuất hiện trên show truyền hình nổi tiếng Oprah nói rằng, bà đang lên kế hoạch mở một phòng khám lớn, ở đó có thể khám cùng lúc hàng trăm phụ nữ Ấn Độ với nhiều phòng chức năng như phòng nghỉ ngơi, thậm chí là nhà hàng và cửa hàng quà tặng. Các cặp vợ chồng phải trả trung bình từ 25.000 - 30.000 USD cho một "ca" đẻ thuê trọn gói.
Bà Patel sẽ trả cho người mang thai hộ 400.000 rupee (khoảng 6.500 USD). "Từ năm 2004, phòng khám của tôi đã "chuyển giao" hơn 650 trẻ sơ sinh. Công việc của tôi thực chất là, phụ nữ giúp đỡ phụ nữ", bà Patel nói. Cũng theo bà Patel thì ngành công nghiệp đẻ thuê cũng là cách giúp phụ nữ Ấn thoát nghèo và cải thiện cuộc sống.
Bác sĩ Nanya Patel đang kiểm tra sức khoẻ định kỳ cho một phụ nữ Ấn Độ mang thai hộ. |
Trong thời buổi công nghệ thông tin hiện nay, việc tìm một phụ nữ đẻ thuê ở Ấn Độ vô cùng dễ dàng, có thể chỉ cần vài cú nhấp chuột. Nhiều trang web ra đời nhằm mục đích kết nối khách hàng và người mang thai hộ. Chỉ cần lên mạng, đánh vài từ khoá cần thiết thì trong một thời gian ngắn, sẽ ngay lập tức có hàng trăm kết quả, kiểu như: "Sree, 25 tuổi, đến từ Bidhan Nagar, nghề nghiệp: nội trợ, muốn giúp đỡ chồng và sẵn sàng làm bất cứ điều gì về gia đình", "Babita, 23 tuổi, đến từ Delhi, tôi cần tiền vì hoàn cảnh gia đình khó khăn", "Bora, 23 tuổi, New Delhi muốn mang thai hộ vì rất nhiều lý do".
Khách hàng Mỹ đầy tiềm năng
Theo một khảo sát của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, ước tính khoảng 7,4 triệu phụ nữ ở nước này đang phải điều trị vô sinh và cũng có rất nhiều phụ nữ dù đã kết hôn lâu nhưng vẫn chưa thể sinh con. Đây có lẽ là một trong những lý do khiến Mỹ trở thành "khách hàng tiềm năng" của nghề cho thuê bụng ở Ấn Độ.
Theo bác sĩ Jeffrey Steinberg, một nhà cung cấp dịch vụ đẻ thuê ở Mỹ cho hay, những người mang thai hộ được trả từ 28.000 - 35.000 USD trong tổng chi phí đẻ thuê dao động từ 75.000 - 120.000, con số này có thể cao hơn nếu xuất hiện biến chứng trong quá trình mang thai. "Người mang thai hộ ở Ấn Độ chỉ được trả tiền bằng ¼ ở Mỹ nhưng số tiền đó đủ để chu cấp cho một gia đình có ba con học đại học tại Ấn Độ", ông Steinberg nói.
Phòng khám của ông Steinberg hiện có văn phòng tại rất nhiều nơi như Los Angeles, New York, Guadalajara và ngay cả Ấn Độ. Văn phòng đầu tiên ở Mumbai được khai trương vào tháng ba năm ngoái và hiện vẫn có khoảng 30 người chờ tìm được người mang thai hộ thích hợp. Người mang thai hộ phải trải qua rất nhiều khâu kiếm tra sức khoẻ như y tế, tâm lý, bệnh truyền nhiễm, lịch sử sản khoa, các xét nghiệm ma túy và rượu. Theo ông Steinberg thì tháng trước, Ấn Độ đã cho phép đưa phôi đông lạnh vào nước này. Đây là một quy định rất "hấp dẫn" với các bác sĩ sản khoa như ông. "Điều này cho phép các bậc cha mẹ tương lai thoải mái hơn vì toàn bộ quá trình y tế có thể được thực hiện ở Mỹ và Ấn Độ chỉ cần cung cấp những người mang thai hộ".
Những góc khuất
Theo kết quả khảo sát được công bố vào cuối năm ngoái của Trung tâm nghiên cứu xã hội New Delhi thì "ngành công nghiệp đẻ thuê" ở Ấn Độ không phải là một bức tranh màu hồng mà cũng có rất nhiều rủi ro với phụ nữ. Theo đó, nhiều người phụ nữ đẻ thuê không được thanh toán tiền sòng phẳng, không được cung cấp hợp đồng bằng văn bản, một số thậm chí còn phải nạo phá thai bằng nhiều cách không an toàn.
Phụ nữ đẻ thuê luôn có tâm lý bị đối xử không công bằng. Hầu hết mọi phụ nữ đều cảm thấy sự kết nối tự nhiên với đứa trẻ mà mình mang trong chín tháng. Seita Thapa, bác sĩ sản khoa trong một bệnh viện ở New Delhi cho biết, phòng khám của bà phải tổ chức các khóa học "chuẩn bị tinh thần cho thực tế đứa trẻ không phải là con mình". Mamta Sharma, một người phụ nữ đang mang thai hộ ở những ngày cuối kỳ sinh nở chia sẻ rằng, cô có thể mua ngôi nhà mới sau khi đẻ thuê. "Tất cả mọi thứ trong cuộc sống của tôi đã thay đổi với số tiền tôi có", Mamta Sharma nói. Mặc dù gia đình cô coi đẻ thuê là điều đáng xấu hổ, Manisha Parmar đang sắp xếp để trở thành một phụ nữ đẻ thuê tại phòng khám của bác sĩ Patel ở Gujarat nói, "họ cần con còn tôi cần tiền, chỉ đơn giản là như vậy"