Khai man lý lịch để được hưởng trợ cấp hàng trăm triệu đồng
Tiến hành khám xét nơi ở của Quý, lực lượng Công an thu giữ nhiều bộ quân phục bộ đội cùng những huân huy chương mà Qúy làm giả để chứng tỏ mình từng là bộ đội tham gia kháng chiến.
1. Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đang dần hoàn thiện pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Trong khi vẫn còn một số người từng gửi một phần xương máu nơi chiến trường để giành nền độc lập cho đất nước vì nhiều lý do khác nhau vẫn còn chưa kịp bổ sung các loại giấy tờ để có đủ điều kiện được xác nhận là những người có công và được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước thì ở tỉnh Đồng Nai xảy ra vụ việc khiến dư luận hết sức bất bình.
Một kẻ mang trên mình đến 11 tiền án, tiền sự, bằng nhiều thủ đoạn khác nhau đã cố tình khai man lý lịch và lọt qua nhiều vòng thẩm định để hưởng lợi hàng trăm triệu đồng tiền hỗ trợ đối với người có công với Cách mạng và những người tham gia Cách mạng bị nhiễm chất độc hóa học từ ngân sách Nhà nước.
Đi tù từ năm 1973 đến đầu năm 1983 mới được tha tù, nhưng trong hồ sơ đề nghị được khen thưởng và hưởng chế độ trợ cấp, Quý khai: Ngày 16/2/1959 nhập ngũ và chiến đấu tại đơn vị C3D7E5 Bộ Tư lệnh 350 đóng tại Hải Phòng, đến tháng 3/1960 được về học tập tại Trường Sỹ quan Lục quân I - Hà Tây.
Cơ quan Cảnh sát điều tra tống đạt quyết định bắt khẩn cấp đối với Qúy. |
Năm 1963 về phục viên và đến năm 1965 thì tái ngũ phục vụ trong đơn vị C5D8E66F304 đóng tại Tây nguyên với chức vụ Trung đội phó. Từ tháng 1/1972 tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, được thăng chức Trung đội trưởng. Năm 1975, do yêu cầu tăng cường chi viện quân cho chiến trường miền Nam, hắn cùng đồng đội được chỉ huy đơn vị yêu cầu hành quân dọc tuyến đường Trường Sơn, vừa di chuyển, vừa đánh giặc nên đến giữa năm ấy mới tiến quân vào đến TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai rồi đánh thọc sâu vào Sài Gòn.
Khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra hắn được điều động lên đường và sau đó tình nguyện sang làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Campuchia cho đến tháng 2/1979 được thăng chức đội phó, trở về nước tiếp tục công tác trong đơn vị cho đến ngày được phục viên vào năm 1980. Trong thời gian này, Quý lần lượt giữ các chức vụ Trung đội trưởng, Đại đội phó.
Ngoài ra Quý còn khai man rằng do lập được nhiều thành tích xuất sắc trong chiến đấu, hắn được Hội đồng cố vấn Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng thưởng các loại huân chương chiến công giải phóng hạng nhất, nhì, ba, tất cả đều trong năm 1975.
Tuy nhiên, theo những tài liệu mà cơ quan Cảnh sát điều tra thu thập được thì Quý là đối tượng hình sự, từng có 11 tiền án, tiền sự về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, giả mạo các loại giấy tờ, đặc biệt có đến 5 lần giả mạo giấy tờ quân nhân. Trong kháng chiến, Quý từng được gọi đi bộ đội nhưng ngay khi đơn vị chuẩn bị hành quân vào chiến trường thì Quý tìm cách đào ngũ trở về địa phương và nói dối với chính quyền rằng mình không đủ sức khỏe nên được cho về an dưỡng chẩn bị cho lần sau.
Do thời kỳ chiến tranh, điều kiện liên lạc còn hạn chế nên chính quyền địa phương đành chấp nhận lời giải thích của Quý. Lần tiếp theo khi được gọi nhập ngũ tham gia chiến trường miền Nam, Quý tiếp tục đảo ngũ nhưng không về địa phương mà tìm cách lừa đảo nên đến năm 1973, Quý bị tòa án Quân sự - Quân khu Tả Ngạn xử phạt 10 năm tù về tội giả danh quân nhân phục viên và sỹ quan tình báo tìm cách tái phục vụ trong quân đội để lừa đảo
Thời gian sau này mặc dù vẫn đang trong giai đoạn thụ án tù tại trại giam nhưng trong hồ sơ Quý vẫn khai là bộ đội phục viên tại xã Láng Lớn, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để sau khi ra tù mà cụ thể là từ năm 2009 đến nay, Quý được hưởng số tiền hàng trăm triệu đồng.
Tại thời điểm lực lượng Công an cùng các cấp chính quyền địa phương tiến hành tống đạt quyết định bắt khẩn cấp, Quý đã trưng ra tấm bằng khen do Chủ tịch nước trao tặng và lớn tiếng thách thức: "Các anh không được tự tiện bắt người có công với Cách mạng… Bằng khen đây, các huân huy chương đang treo trên tường kia, các anh xem đi rồi rời khỏi nhà tôi…". Chỉ đến khi cơ quan điều tra đưa ra các bằng chứng về việc giả mạo giấy tờ, khai man lý lịch thì Quý mới xuống giọng năn nỉ và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.
2. Trao đổi với chúng tôi về vụ việc này, ông Hồ Văn Lộc - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh & Xã hội tỉnh Đồng Nai tỏ ra rất bức xúc: Không chỉ riêng vụ việc Phạm Văn Quý mà trước đây, Sở đã siết chặt công tác quản lý tiêu chuẩn xác định người có công. Quan điểm của chúng tôi là phải bằng mọi cách xác minh thật chính xác để khi làm thủ tục phải đúng người, đúng chế độ.
Hiện nay còn tồn đọng hơn chục hồ sơ khai báo còn nhiều mập mờ, có dấu hiệu không minh bạch mà chủ yếu liên quan đến các loại giấy tờ chứng nhận nhiễm chất độc hóa học trong thời kỳ chiến tranh.
Trong chiến đấu các đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong trong từng giai đoạn khác nhau đã thay đổi tên gọi nhằm đảm bảo bí mật, có nhiều tên đơn vị mà sau này cán bộ của chúng tôi phải mất vài năm trời, gặp gỡ nhiều vị chỉ huy mới lần ra được nhưng cũng có những đơn vị không tìm ra được bởi hầu hết những người có khả năng xác nhận được đều đã hy sinh hoặc qua đời do bệnh tật. Lợi dụng những khó khăn trong khâu xác định đơn vị cũ, đã có nhiều đối tượng tìm cách làm giả các loại giấy tờ một cách hết sức tinh vi hòng chiếm đoạt tiền trợ cấp của Nhà nước.
Bằng khen, giấy khen, quân phục mà Quý phù phép, dán đầy nhà để lòe hàng xóm. |
Trong số hồ sơ đó có cả những hồ sơ về thương binh, bệnh binh nên chúng tôi phải bỏ ra rất nhiều thời gian rà soát thật kỹ nhằm tránh xảy ra oan sai. Nếu hồ sơ nào đảm bảo thì tiến hành ngay công tác trợ cấp, còn những hồ sơ nào còn nghi ngờ thì trả lại yêu cầu bổ sung và hồ sơ nào có dấu hiệu giả mạo, sẽ được chuyển lên cơ quan Cảnh sát điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật".
Cũng theo ông Lộc, những năm qua, các cơ quan, đơn vị địa phương đã quan tâm, chăm sóc đối với những người có công với Cách mạng, làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa mẹ Việt Nam anh hùng, các thương binh, bệnh binh.
Tuy nhiên hiện nay quy định điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người có công còn một số điểm chưa cụ thể, chưa hoàn toàn phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội. Bên cạnh đó, bản hướng dẫn thực hiện chế độ ưu đãi có nội dung không còn phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay dẫn đến việc một số đối tượng chưa thật sự thỏa mãn.
Ông hy vọng rằng với những sửa đổi trong pháp lệnh về ưu đãi đối với người có công với Cách mạng tới đây thì gia đình, những chiến sỹ đã từng cống hiến cho độc lập tự do của Tổ quốc sẽ được đền ơn, đáp nghĩa xứng đáng với những hy sinh, mất mát của mình.
Trung úy Nguyễn Đức Thọ - chiến sỹ Z23, Lữ đoàn 316, Bộ Tổng tham mưu Miền chia sẻ: "Sau khi hoàn thành nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, tôi được phục viên về quê hương lập nghiệp bằng nghề làm nông. Do sức khỏe có hạn, lại bị ảnh hưởng đôi chút sức ép bom đạn trong lúc còn tham gia chiến đấu nên năng xuất lao động thấp kém. Đang trong lúc gia đình gặp nhiều chật vật, khó khăn thì tôi được nhận chế độ ưu đãi của Nhà nước. Cũng nhờ đó mà đến nay cuộc sống của vợ chồng chúng tôi khá ổn định, các cháu cũng có điều kiện học hành tử tế.
Tôi rất bức xúc trước việc ông Quý không tham gia chiến đấu ngày nào, lại có nhiều tiền án, tiền sự mà vẫn cố tình khai man lý lịch để được nhận số tiền trợ cấp lớn như vậy trong khi vẫn còn nhiều chiến sỹ mà nhất là các đồng đội của tôi vì nhiều lý do khác nhau vẫn chưa được nhận chế độ ưu đãi. Có nhiều người khi về phục viên bị thất lạc giấy tờ, nhiều người sau khi miền Nam được giải phóng vì quá vui nên quên nhận các loại giấy tờ.
Qua đây chúng tôi cũng mong Nhà nước tạo điều kiện để những chiến sỹ đã bỏ một phần xương máu cho độc lập tự do của dân tộc được hưởng một phần chế độ ưu đãi của Nhà nước, đồng thời cũng mong các đơn vị có thẩm quyền cần mạnh tay hơn nữa trong công tác xử lý những đối tượng khai man lý lịch giống như Phạm Văn Quý để trục lợi gây ảnh hưởng không tốt cho xã hội".
Hiện vụ việc đang được cơ quan Cảnh sát điều tra khẩn trương hoàn tất hồ sơ để đưa Phạm Văn Quý ra xét xử trước pháp luật trong thời gian sớm nhất.