Hơn 20 năm chưa có hộ khẩu
Ít ai biết giữa trung tâm Thủ đô hơn 20 năm nay có đến hàng trăm hộ dân phải sống trong cảnh không sổ đỏ, không hộ khẩu. Người dân lâm vào cảnh bế tắc, cùng quẫn khi sống trên chính mảnh đất của mình nhưng không dám xây nhà. Khó khăn lớn nhất vẫn là việc học, thủ tục hành chính của con em họ. Tất cả chỉ vì sự tắc trách của "quan phụ mẫu" trước đây. Hơn 20 năm qua, có hàng trăm lá đơn gửi đến rất nhiều cơ quan công quyền. Thế nhưng, kết quả họ nhận được lại là những cái lắc đầu bó tay.
"Bỏ thì thương, vương thì nợ"
Gần ba trăm hộ dân, cả nghìn con người ở khu Đầm Hồng, Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) hơn hai mươi năm chưa ngày nào bình yên. Trên mảnh đất tưởng chừng như của mình ấy (hằng tháng vẫn đóng thuế nhà đất đầy đủ) lại không thể dựng một căn nhà tử tế. Chính mảnh đất cha ông ở hơn 20 năm ấy không có được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Như vậy người dân khó khăn cho việc làm sổ hộ hậu, kéo theo biết bao hệ lụy: học hành của con cái, giấy khai sinh rồi hàng loạt những thủ tục hành chính khác. Họ đang lâm vào cảnh bỏ thì thương, vương thì tội. Có đất nhưng cũng chẳng ở yên, bỏ đi thì sợ sẽ mất đất.
Người đầu tiên dám xây một ngôi nhà kiên cố, cao tầng ở khu Đầm Hồng là ông Trương Phúc Cường. Ông Cường bảo, trong quá trình ông xây nhà, chính quyền quận đã gọi ông lên làm việc tới ba lần. Thế nhưng, trước những lập luận chắc chắn và có pháp lý của ông Cường, chính quyền đành chịu bó tay. Tuy nhiên, không phải người dân nào ở đây cũng làm được như ông Cường. "Tôi ở đây hơn hai mươi năm rồi. Nhà cũng đã xây kiên cố rồi nhưng lại không thể nhập hộ khẩu, chỉ vì người ta chưa cấp sổ đỏ cho gia đình tôi. Sống ở Khương Đình nhưng hằng tháng tôi vẫn phải về khu tập thể lắp ghép ở Trương Định để lĩnh lương. Sinh hoạt Đảng cũng phải về đó" - ông Cường chia sẻ.
Không chỉ riêng mình ông phải chịu cảnh khổ sở, mà những đứa con, đứa cháu của ông cũng nhiều lần khóc mếu vì những thủ tục hành chính. Ông Cường kể: "Các con của tôi cũng phải nhập hộ khẩu ở Trương Định. Con cái chúng nó đẻ ra thì nhập hết hộ khẩu ở nhà ngoại. Trong sổ hộ khẩu mà tôi là chủ hộ thì chẳng có đứa cháu nào cả. Nếu chúng mà nhập theo tôi thì học hành trái tuyến, xin xỏ vào trường cũng kho,á mà chi phí lại cao".
Cũng giống hoàn cảnh của ông Cường, nhưng ông Nguyễn Trung Thực thì còn bi đát hơn. Gia đình ông Thực cũng là một trong những hộ chuyển đến định cư ở khu Đầm Hồng sớm nhất. Thế nhưng, bây giờ hộ khẩu của ông vẫn nằm ở Sơn Tây. Hằng tháng ông Thực vẫn phải về Sơn Tây để lĩnh lương và sinh hoạt Đảng. Các con của ông lấy vợ đều phải xin nhập hộ khẩu bên nhà ngoại.
Rất nhiều ngôi nhà tạm bợ được xây dựng lên để giữ đất. |
Vì không được xây nhà kiên cố nên hầu hết các hộ gia đình ở Đầm Hồng chỉ dựng nhà theo kiểu lán trại, sau đó lợp ngói proximang. Nhìn những ngôi nhà lụp xụp, tạm bợ đó ít ai có thể tin rằng nó đang ngự ngay giữa Thủ đô. Nhiều hộ gia đình không chịu nổi cuộc sống tạm bợ nên đã phải đi thuê nhà. Tuy nhiên, vì chi phí thuê quá cao nên họ cũng chỉ duy trì được một thời gian, sau đó lại buộc phải quay về "cái máng lợn". "Trước gia đình tôi cũng đi thuê nhà rồi nhưng chi phí đắt đỏ quá, đại gia đình không kham nổi nên lại phải quay về nhà chui tạm trong cái ổ chuột này thôi. Chúng tôi làm gì có lỗi trong chuyện này. Việc chúng tôi đến đây khai hoang là do chính sách của Nhà nước. Người ta còn cấp cho chúng tôi cả giấy cho phép sử dụng đất làm nhà ở thế mà sao lại không cho chúng tôi xây dựng. Những người dân thấp cổ bé họng như tôi phải chịu cảnh khổ sở này đến bao giờ đây?" - bà Hoa nói mà như khóc. Còn ông Thực thì bức xúc nói: "Việc chính quyền không cấp sổ hộ khẩu cho chúng tôi là cố tình kéo tụt sự phát triển cả về kinh tế lẫn văn hóa của những người dân nơi đây. Không có hộ khẩu, con cái chúng tôi đi học gặp biết bao nhiêu khó khăn. Nhà nào quyết tâm thì cố chạy vạy cho con học trái tuyến, nếu không thì tìm cách cho con nhập khẩu vào nhà người quen nào đó quanh khu vực. Nhưng có nhiều hộ gia đình khi thấy mọi thủ tục quá phức tạp nên đã buông xuôi việc học hành của con cái. Thất học thì chúng nó chỉ có đi làm việc xấu, rồi nghiện ngập đầy ra. Về kinh tế cũng thế, "an cư mới lập nghiệp". Đằng này chúng tôi lo đi viết đơn thỉnh đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì còn thời gian đâu, tâm trí đâu mà lo làm ăn kinh tế nữa".
Cũng chung bức xúc như ông Thực, ông Trịnh Xuân Vũ bày tỏ: "Cơ quan quản lý nhà nước phải có quan điểm rõ ràng, làm được hay không làm được phải nói rõ ra, chứ không thể cứ hứa với thề mãi được. Mua đất từ khi còn là vợ chồng trẻ, giờ có con có cháu đầy nhà rồi mà vẫn phải ở trong cái túp lều lụp xụp thế thì chúng tôi biết sống thế nào?".
Quan làm sai, dân phải chịu
Điều khiến người dân bức xúc nhất chính là sự tắc trách của lãnh đạo chính quyền xã Khương Đình (cách đây hơn 20 năm). Gần 300 hộ dân (800 người) tại đây phản ánh: Vào ngày 12/2/1992, Chủ tịch UBND xã Khương Đình, huyện Thanh Trì (nay là phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) đã triệu tập họp liên tịch để bàn về việc bán đất trên địa bàn với giá khoảng 8.000 đồng/m2 đối với người trong xã và 10.000 đồng/m2 với người ngoài xã. Ngày đó khu vực này còn là một bãi đất nằm trên đường vành đai, còn hoang sơ, dày đặc dây thép gai và bom mìn. Biết có chủ trương như vậy nhưng không phải ai cũng dám đến đây mua đất sử dụng. Ông Trương Phúc Cường (người dân khu Đầm Hồng) chia sẻ: "Quả thực lúc đó không phải ai cũng dám đến đây để mua đất, xây nhà. Bởi đây là khu vực nổi tiếng hoang sơ với rất nhiều dây thép gai, bom mìn mà chiến tranh để lại. Thậm chí, lúc chúng tôi mới đến còn rất nhiều mồ mả".
Câu chuyện chỉ dừng lại ở đây thì không có gì đáng nói, nhưng đến năm 1995, cơ quan điều tra đã phát hiện hành vi vi phạm của chính quyền xã, cụ thể là ông Nguyễn Sĩ Sơn (Chủ tịch xã Khương Đình). Ông Sơn và đồng phạm ngay sau đó đã bị truy tố trước pháp luật. Bản án 757 ngày 28-29/9/1995 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội truy tố bị cáo Nguyễn Sỹ Sơn (Chủ tịch xã Khương Đình) và đồng phạm về hành vi vi phạm các quy định và quản lý đất đai quy định tại khoản 2 điều 180 Bộ luật Hình sự. Bản án này còn quyết định thu hồi toàn bộ số đất đai mà các bị cáo tiến hành bán bất hợp pháp. Tuy vậy bản án này còn mập mờ là không chỉ rõ mốc giới, diện tích thu hồi là bao nhiêu. Điều khiến người dân bức xúc là khi diễn ra phiên xét xư,ã người dân hoàn toàn không được biết, không có ai liên quan được triệu tập và không ai được tham gia quá trình tố tụng. Ông Cường nói: "Khi vụ án được đưa ra xét xử nhân dân khu vực này chẳng hề hay biết. Sau này chúng tôi mới ngã ngửa ra là số đất mà chúng tôi được mua, có dấu đỏ đàng hoàng lại trở thành đất phi pháp và bị thu hồi. Hơn nữa lại không biết thu hồi chỗ nào, cụ thể bao nhiêu".
Điều đáng nói là có rất nhiều ngôi nhà kiên cố ở đây vẫn được xây dựng mà không gặp phải sự phản ứng nào của chính quyền địa phương. |
Chính vì sự mập mờ của Bản án 757 đó mà gây ra quá nhiều khó khăn cho người dân sống trong khu vực Đầm Hồng. Ông Cường nói thêm: "Sự bất cập này đã có trong giải trình của UBND thành phố Hà Nội trước Hội đồng nhân dân thành phố tại kỳ họp thứ 14 ngày 12/6/2008".
Mấu chốt của vấn đề tại khu vực Đầm Hồng chính là Bản án 757 hơn 20 năm về trước. Chính sự mập mờ này khiến dân cư khu vực này luôn sống trong sự thấp thỏm lo âu. Người có đất thì không được làm nhà, người có nhà kiên cố từ khi mua thì chưa có sổ đỏ. Những con ngõ bê tông hóa sạch đẹp cũng tự túc người dân đóng tiền xây dựng lên. Rồi những số nhà, tên ngõ đều được người dân tự phát đặt ra. Hàng trăm trẻ nhỏ làm giấy khai sinh khó khăn, hàng chục đôi trai gái không làm được giấy đăng ký kết hôn…
Không chỉ dừng lại ở đó, hiện tượng lấn chiếm đất, xây dựng bừa bãi kiểu giang hồ đã xuất hiện. Ông Cường nói: "Đây là địa bàn rất phức tạp, thực tế đã có nhóm giang hồ đến đây cứ thế là xây dựng nhà cửa. Họ kéo nhau cả mấy chục người ngang nhiên làm nhà vào khu đất của nhân dân. Chúng tôi đều là những cán bộ về hưu, người dân lương thiện, làm gì được họ?". Rồi những ngôi nhà cao tầng vẫn được xây dựng lên nhưng chẳng cơ quan nào ngó ngàng. Trong khi nhiều hộ dân xây tạm ngôi nhà cấp 4 cũng bị san phẳng. Nếu chính quyền địa phương tại đây không có phương cách giải quyết, kết thúc câu chuyện của Bản án 757 sớm sẽ ngày càng mất lòng tin của người dân.
Ông Đặng Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: Thực sự người dân ở khu vực Đầm Hồng đang là những người bị hại. Câu chuyện ở đó đã kéo dài hơn 20 năm nay, chúng tôi cũng đang tích cực kiến nghị lên cấp trên xem xét. Chúng tôi đã mời Sở Tư pháp, Phòng thi hành án về làm việc cụ thể về bản án này. Lúc đó thì Phòng thi hành án có lên một kế hoạch để thực hiện bản án này. Tuy nhiên, bản án không thể thực hiện được vì lý do là không có mốc giới. Chính vì thế hiện nay rất khó khăn trong việc quản lý đất đai, quản lý nhân khẩu. |
Ông Lê Thanh Hùng, nguyên Viện trưởng Viện phúc thẩm 1, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao: Bây giờ phải có ý kiến của Quốc hội, của Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước với Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, với Chánh án tòa án Nhân dân Tối cao để xem xét, giải quyết lại vụ án cho đúng pháp luật, đúng bản chất của sự việc. Không thể để vì cái làm sai của cơ quan Tư pháp để rồi gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhân dân như vậy mà không được sửa chữa. |