Đột phá công nghệ nhận dạng tội phạm bằng trí tuệ nhân tạo

Chủ Nhật, 17/09/2017, 22:07
Tờ DailyMail (Anh) đưa tin, một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Cambridge mới giới thiệu phần mềm sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) có thể nhận dạng khuôn mặt ngay cả khi đeo mạng che mặt hoặc đeo kính. Phần mềm này hứa hẹn sẽ tạo ra "cuộc cách mạng" trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trên thế giới.


"Ứng dụng của DFI  vượt ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi"

Phần mềm có tên gọi là "Hệ thống Nhận diện khuôn mặt ngụy trang" (DFI) sử dụng trí tuệ nhân tạo, phân tích hình ảnh, thiết lập dữ liệu và đưa ra danh tính của nhân vật trong ảnh. DFI được đánh giá là sẽ tạo ra "cuộc cách mạng" trong công tác phòng chống tội phạm, giúp các cơ quan chức năng xác định danh tính tội phạm, người biểu tình, hoặc bất cứ ai che giấu danh tính bằng cách che mặt bằng mặt nạ, khăn choàng hoặc đeo kính râm.

Amarjot Singh, một nhà nhà nghiên cứu tại Đại học Cambridge, người tham gia công trình nghiên cứu DFI  nói với phóng viên Inverse rằng, "kết quả này có ý nghĩa hết sức to lớn đối với các cơ quan thực thi pháp luật trong việc truy bắt, nhận dạng tội phạm. Ứng dụng của DFI  vượt ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi".

Phần mềm DFI có thể nhận dạng khuôn mặt ngay cả khi khuôn mặt đó bị che khuất bằng mạng che mặt hay đeo kính râm.

DFI sử dụng trí tuệ nhân tạo và để có cơ sở dữ liệu phân tích, nhận dạng hình ảnh, phần mềm này được cập nhật rất nhiều hình ảnh của con người trong các trạng thái, tình huống khác nhau. AI xác định danh tính một người bằng cách đo khoảng cách và lập "bản đồ điểm" trên khuôn mặt. Theo đó, AI sẽ xác định 14 điểm mấu chốt trên khuôn mặt, 10 điểm mấu chốt trên mắt, 3 điểm trên môi và một điểm trên mũi.

Từ "bản đồ điểm" này, AI sẽ ước lượng cấu trúc khuôn mặt ẩn, so sánh với những hình ảnh trong cơ sở dữ liệu để xác định danh tính đích thực của người đó. Trong các thử nghiệm ban đầu, thuật toán xác định chính xác những người có khuôn mặt bị che khuất bởi mũ hoặc khăn với tỷ lệ 56%. Độ chính xác này giảm xuống còn 43% khi người trong ảnh đeo thêm kính râm. "Phần mềm vẫn tiếp tục được hoàn thiện và AI cần phải được cung cấp thêm nhiều dữ liệu hình ảnh hơn nữa trước khi đưa vào áp dụng trong thực tế", ông Singh nói.

Quyền riêng tư của con người sẽ bị xâm phạm?

Mặc dù mới trong giai đoạn thử nghiệm, chưa được triển khai trong thực tiễn nhưng công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học Cambridge đã gây ra tranh cãi. Một số nhà khoa học bày tỏ lo ngại rằng, quyền riêng tư của con người sẽ bị xâm phạm khi phần mềm phải cập nhật liên tục hình ảnh của con người để có cơ sở dữ liệu phân tích trên thực tế.

Tiến sĩ Zeynep Tufekci, một nhà xã hội học tại Đại học North Carolina đã đăng tải một bài viết lên Twitter cho rằng, DFI sử dụng AI là "độc đoán". "Việc phân tích, nhận dạng khuôn mặt khi người đó che kín mặt hoặc đeo kính đòi hỏi phải có cơ sở dữ liệu rất lớn. Điều này có thể xâm phạm nghiêm trọng đến quyền riêng tư của con người", Tiến sĩ Zeynep Tufekci nhận định.

Được biết, nhóm nghiên cứu DFI sẽ trình bày công trình nghiên cứu này tại Hội nghị Quốc tế về công nghệ máy tính (IEEE) được tổ chức ở Venice, Italia vào tháng tới.

Mới đây, các nhà nghiên cứu của Đại học Stanford (Mỹ) giới thiệu phần mềm nhận diện khuôn mặt có thể phân biệt được người đồng tính và người dị tính. Theo đó, các nhà nghiên cứu đã xây dựng thuật toán khảo sát, phân tích ảnh của hơn 14.000 người Mỹ da trắng lấy từ một trang web hẹn hò. Các nhà nghiên cứu cho phần mềm nhận dạng, phân tích từ một đến năm hình ảnh của mỗi người và so sánh, đối chiếu với xu hướng tình dục mà người đó tự khai trên trang web hẹn hò.

Các nhà nghiên cứu cho biết, phần mềm đưa ra kết quả khá chính xác về giới tính nam, nữ, đồng tính nam, đồng tính nữ qua những bức ảnh được khảo sát. Những người đàn ông đồng tính có khuôn mặt hẹp và mũi dài hơn. Trong khi đó, những người đồng tính nữ thường có phần xương hàm lớn hơn so với những người phụ nữ dị tính.

Công trình nghiên cứu mới công bố này đã làm dấy lên cuộc tranh luận giữa những nhà nghiên cứu và nhóm hoạt động bảo vệ quyền cho người thuộc cộng đồng thế giới thứ ba (LGBT). Đã có người lên tiếng chỉ trích rằng, công trình nghiên cứu này "rất nguy hiểm", là "khoa học rác".

Tường Phạm (tổng hợp)
.
.
.