Đi tù vì buôn pháo, nam sinh mong mỏi sớm trở về tiếp tục đi học
Với suy nghĩ trước sau rồi cũng phải trả án trong khi việc học hành đã phải dừng lại, Nam nộp đơn xin đi tù sớm với mong muốn sau này không bỏ lỡ cơ hội quay lại trường học. Tâm sự với chúng tôi, Nguyễn Xuân Nam, sinh năm 1995, ở phân trại số 2, Trại giam Ninh Khánh cho biết sẽ quyết tâm theo đuổi ước mơ giảng đường dù biết ngoài bản án 18 tháng tù giam, anh ta còn mất một thời gian thử thách nữa mới được xóa án tích.
Đi tù vì nghịch dại
Gương mặt thanh thoát, nước da trắng, Nam chẳng có gì đáng để người khác ấn tượng về một tên tội phạm. Tội của Nam là thích làm một trái pháo “đùng” cho thật ra trò để chơi tết nên tìm mua thuốc nổ song vì lượng quá lớn nên dính vòng lao lý. Đọc lý lịch của Nam, chúng tôi thầm tiếc cho một thiếu niên sinh ra trong một gia đình căn bản, nền nếp, chỉ vì nghịch dại mà chuyện học hành đứt đoạn nửa chừng.
Nam sinh ra trong một gia đình công chức ở huyện Tiền Hải, Thái Bình, được mọi người trong vùng biết đến vì cả hai chị em Nam đều ngoan và học giỏi. Chị gái Nam sau khi tốt nghiệp phổ thông đã thi đỗ vào trường Đại học Thương nghiệp với số điểm cao chót vót khiến Nam không chỉ hãnh diện về chị gái mà còn đặt mục tiêu để tự phấn đấu. Nam bảo dự định sau này sẽ thi vào Trường Đại học Ngoại giao, phải ngang ngửa với chị gái, đâu ngờ đang học lớp 10 thì rẽ lối vào trại giam.
- Làm sao em bị bắt?- tôi hỏi Nam.
Cậu ta trả lời:
- Em mua thuốc nổ về làm pháo.
- Phải mua lượng lớn thuốc nổ mới bị bắt. Em làm pháo để dùng hay để bán lại?
- Em định làm pháo để dùng chơi mấy ngày tết thôi.
- Em bị bắt quả tang mua bao nhiêu thuốc nổ?
- Dạ 17kg thuốc nổ ạ.
- Làm pháo chơi tết thì đâu cần dùng nhiều thuốc nổ thế?
- Không. Em chỉ đủ tiền mua 5kg thuốc nổ thôi còn lại là của mọi người, mỗi người nhờ mua một ít nên mới nhiều thế.
- Ở trường có được phổ biến về quy định cấm đốt pháo, tàng trữ pháo không?, Có biết tàng trữ bao nhiêu pháo thì bị xử lý không?
- Năm nào nhà trường cũng thông báo vào những buổi lễ chào cờ đầu tuần, dịp gần tết. Em cũng do dự khi thấy mọi người gửi mua hộ nhưng khi hỏi lại thì ai cũng bảo là lần đầu đi mua thuốc nổ, nếu bị bắt chỉ phải nộp phạt rồi về nên em mới liều.
- Hôm bị bắt có run không, tối đó có ngủ được không?
- Em sợ lắm, giờ nghĩ lại vẫn còn sợ. Các chú Công an vào nhà dẫn em ra trụ sở lấy lời khai rồi cho về, ở nhà mà em vẫn thấy run.
- Thế bố mẹ có nói gì không?
- Mẹ em thì khóc còn bố tức quá rút thắt lưng quật em một trận lằn hết người nhưng em không thấy đau, cảm giác chiếc còng số 8 bám vào cổ tay gai gai khiến em chẳng còn tâm trí nào để nghĩ đến trận đòn của bố nữa.
Tang vật bị thu giữ. |
Theo lời Nam tâm sự thì không phải cậu ta không biết tàng trữ thuốc nổ, pháo lậu là phạm pháp nhưng khi mấy đứa chơi thân với nhau ngồi tranh luận thì khăng khăng cho rằng bị bắt lần đầu chỉ bị phạt hành chính, lần sau mới phạt nặng nên cậu ta mới tặc lưỡi, đâu ngờ vừa bị đuổi học vừa phải đi tù.
“Hôm bị bắt em run lắm, chẳng biết nước mắt nhiều hay mồ hôi đổ ra nhiều nữa”, Nam kể. Được tại ngoại cho đến ngày hầu tòa nên Nam chưa hình dung nổi cảm giác của mình sẽ thế nào khi sống trong buồng giam cùng nhiều kẻ phạm tội khác. Tuy nhiên, nghĩ đến tương lai của mình trước sau rồi cũng phải học lại để kiếm một cái nghề nên khi cầm bản án 18 tháng tù giam, Nam mong muốn được thụ án sớm để quay về học tiếp. Quyết định của Nam khiến cả nhà sững sờ nhưng đều nhất trí. Vậy là Nam về Trại giam Ninh Khánh cải tạo bản án 18 tháng tù.
Hỏi Nam cảm giác ngày đầu vào trại giam thấy thế nào, cậu ta thành thật: “Em sợ lắm vì thấy xung quanh toàn người lạ, ai cũng gườm gườm nhìn mình. Có anh hất hàm hỏi tội gì rồi buông 1 câu: “Ngu!”, người khác thì lắc đầu cười nhạt. Vừa sợ vừa lạ nên tối đầu tiên em không dám ngủ nhưng giờ thì đỡ hơn rồi”.
Không thi đỗ đại học, em sẽ đi học nghề
Theo lời tâm sự của Nam thì ngày còn đi học, cậu ta rất thích môn tiếng Anh và ước mơ sau này thi đỗ vào Trường Đại học Ngoại giao. Không chỉ nuôi hoài bão làm phiên dịch, Nam còn mơ ước sau này nếu có điều kiện sẽ ra nước ngoài học tập để nâng cao kiến thức rồi xin vào làm việc tại một cơ quan bộ, ngành nào đó. Vì đi tù khi đang học dở dang lớp 10, Nam bảo sẽ quyết tâm học lại để có tấm bằng văn hóa rồi đi thi đại học.
“Bố mẹ em thế, chị em thế, em không thể là kẻ lông bông, thất học được. Em tin là em sẽ làm được, lần vi phạm vừa rồi cho em một bài học đắt giá nhưng lỗi của em không đến nỗi bị mọi người miệt thị, chê cười”, Nam tâm sự.
Vào trại giam cải tạo khi chưa đến tuổi vị thành niên nên công việc hàng ngày của cậu ta là quyét dọn và sắp xếp lại sổ sách ở thư viện. Thông minh và nhanh nhẹn nên Nam giúp cán bộ quản giáo rất nhiều việc như ghi chép, vào sổ sách, chấm công các phạm nhân trong đội lao động. Nói về công việc của mình, Nam bảo từ ngày vào trại giam cải tạo, được giao nhiều việc, có việc phải hoàn thành ngay trong ngày đã tạo cho cậu ta tác phong khẩn trương, nghiêm túc và cẩn thận. Theo Nam đó là một thói quen tốt và cậu ta sẽ giữ thói quen ấy khi trở về với đời.
Hỏi Nam có dự định gì nếu không được đi học tiếp, cậu ta sững lại một giây nhưng rồi trấn tĩnh rất nhanh: “Tất nhiên là sẽ rất buồn vì hoài bão của mình không đạt được nhưng thực tế nó vậy đành phải chấp nhận thôi. Không được học tiếp, em sẽ đi học nghề và sẽ cố gắng làm nghề đó thật giỏi để bằng chị bằng em”. Mặc dù nói thế nhưng hỏi Nam cụ thể là định học nghề gì thì cậu ta ngắc ngứ: “Nghề gì thì em chưa nghĩ đến, bất ngờ quá nhưng em sẽ cố gắng chấp nhận”.
Chăm chỉ, ngoan ngoãn và chấp hành tốt, 18 tháng cải tạo của Nam rút ngắn xuống còn 16 tháng. Dịp 2-9 vừa qua, Nam được đặc xá trước thời hạn. Nam bảo cứ tưởng chỉ những người lớn tuổi, bệnh tật và án dài mới được đặc xá, đâu nghĩ mình cũng có tên trong danh sách đó. Đến khi biết chắc mình đủ tiêu chuẩn, Nam xin cán bộ cho báo tin về gia đình và kể từ hôm đó, lúc nào Nam cũng cười và hồi hộp. “Em mừng lắm, báo tin thì mẹ òa lên khóc”, Nam kể, khẽ hất mớ tóc mái kiểu Hàn Quốc. Theo tâm sự của Nam thì sau khi ở đây về, cậu ta sẽ đi học tiếp để hoàn thiện chương trình phổ thông, nếu không được chấp nhận sẽ đi học nghề.
“Vào trong này được học đan cót, em nhớ trường lắm. Bạn cùng lớp hay viết thư vào kể chuyện ở nhà, ở trường làm em càng ân hận. Nếu không vì điên rồ với mấy quả pháo thì giờ này em đã tốt nghiệp rồi, biết đâu thi đỗ đại học như chị gái cũng nên”, Nam kể. Ngày Nam bị bắt về tội mua bán vật liệu nổ, người chị đang học ở Hà Nội tất tả trở về, hai chị em ôm nhau khóc vì ân hận. Nam hứa sẽ đi học lại, nếu không được vào trường phổ thông thì theo học hệ bổ túc hoặc trung tâm giáo dục nào đó, nếu không được chấp nhận mới phải đi học nghề.
Rồi Nam nhắc đến mẹ, đến bố và chị gái và thật hồn nhiên, cậu ta bật khóc nhưng nhanh chóng toe toét cười. Nam bảo từ lúc biết sắp được về, cứ nghĩ được gặp bạn bè là vui lắm