Sau tết, cả làng hoang mang, đập nhà, bỏ chạy vì sợ "ma" tự sát ở huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam:

Dân làng quá mê tín và hoang tưởng

Thứ Sáu, 28/02/2014, 11:30

Sự việc bắt đầu từ cái chết do treo cổ tự vẫn của anh A Lăng Nghĩa (SN 1980) ở thôn Bút Tưa đúng ngày mùng 4 tết âm lịch 2014. Rồi liên tục 2 ngày sau, do tin vào lời nguyền ma quỷ của thầy Giàng phán, không khí hoang mang lo sợ "con ma rừng" lại về hại người cứ u uất, bao trùm khắp các nóc nhà của đồng bào Cơtu. Và kể từ sáng ngày mùng 6 tết âm lịch đến nay, có đến 16 hộ dân tổ 2 của thôn Bút Tưa đã vội vã dỡ bỏ nhà cửa, bàn thờ tổ tông, dắt díu, bồng bế nhau bỏ làng, trốn ma rừng.

Để kịp thời ngăn chặn những đối tượng xấu lợi dụng mê tín hòng trục lợi và bảo vệ tài sản cho người dân, ngày 15, 16/2 lực lượng Công an, lãnh đạo chính quyền địa phương huyện Đông Giang đã khẩn cấp họp dân, trực tiếp vận động người dân trở về bản  yên tâm ổn định cuộc sống...

Bất thường bốn đàn ông treo cổ trong cùng một thôn

Sáng ngày 16/2, khi PV của chuyên đề CSTC tìm về thôn Bút Tưa để tìm hiểu thực hư sự việc người dân bỏ trốn vì "làng bị ma ám" này. Cảnh tượng trống huơ trống hoắc, cùng tang hoang nham nhở vì bị đập phá, dỡ bỏ của những căn nhà Gươl, nhà từng xây kiên cố ở khắp thôn Bút Tưa. Ngay tại ngôi làng chúng tôi chỉ gặp được 4 thanh niên đang cố "vớt vát" những vật dụng có giá trị còn xót lại trong các ngôi nhà trống và đặt bẫy bắt gà về uống rượu. Anh A Lăng Cam (35 tuổi, trú thôn Đào) đi trong tốp 4 thanh niên "mót của" cho biết: Người dân nơi đây bỏ nhà đi hết hơn tuần nay rồi. Thậm chí còn một số vật dụng họ dọn đi chưa hết nhưng đến sáng 15/2 vẫn không ai dám quay lại lấy.

Đây là lần đầu tiên tôi thấy cảnh dân làng "sợ ma" lũ lượt đập phá nhà cửa, bỏ đi nơi khác. Chị A Lăng Thị Cứu (40 tuổi) người dân tổ 1, thôn Bút Tưa thì tỏ ra sợ sệt chia sẻ. Hiện nhà tôi đang có mẹ con chị A Lăng Bí, vợ của A Lăng Nghĩa tá túc, ở nhờ vì mới chạy ma trên thôn hai về. Sợ lắm, lúc trước dân thôn cũng biết chuyện con ma rừng ám làng rồi. Nhưng đến khi thằng A Lăng Nghĩa, đang thanh niên trai tráng, vừa mới cưới vợ, sinh con thì tự nhiên phát bệnh điên. Hàng ngày thay vì ngủ ở trên giường, nó lại đu mình lên sà nhà mà ngủ.

Cách đây mấy tháng vì Nghĩa tự nhiên vác dao đuổi, chém cả mẹ ruột và cứ rình nấp trong bụi hễ ai đi ngang qua là dọa nạt, đuổi đánh gây thương tích nên buộc người nhà phải đóng cũi nhốt Nghĩa vào trong. Con A Lăng Bí đã nhiều lần đưa chồng xuống bệnh viện tỉnh để điều trị mà không bớt bệnh. Hôm ngày Tết cổ truyền, vì thương chồng nên Bí đưa Nghĩa về nhà để cùng ăn Tết với gia đình. Nào đâu, hôm mùng 4 tôi nghe vợ nó chạy về báo nó tự treo cổ chết rồi...

Cảnh tượng tan hoang, không bóng người tại khu vực tổ 2, thôn Bút Tưa sau một tuần dân làng "bỏ trốn" vì sợ "ma rừng".

"Con ma rừng nó bắt đàn ông, trai tráng trong làng phải chết thôi. Đã có đến bốn đàn ông trai tráng của thôn gồm hai anh em ruột A Lăng Tưa (chết năm 1984) và em A Lăng Nhứt (chết năm 2007); A Lăng Tròn (chết 21/12/2013) và A Lăng Nghĩa (chết mùng 4 Tết âm lịch 2014) đều bị ma hại, phải treo cổ mà chết. Dân thôn sợ lắm, dân phải trốn con ma rừng kẻo lại có thêm người chết nữa..."! - cụ A Lăng Đan (72 tuổi) một người già của thôn Bút Tưa lo lắng kể với phóng viên CSTC. Trưởng thôn Bút Tưa, anh A Lăng Điêu (SN 1983) thì chia sẻ: Nhiều năm trước khi dự án thủy điện sông Kôn triển khai, hàng chục hộ dân đã được di dời lên tái định cư tại khu đồi đất cao nằm ngay sát bên cạnh con đường bê tông liên xã. Toàn bộ số tiền đền bù giải tỏa nhận được từ Ban dự án cũng đều được người dân sử dụng xây nhà ngói, lợp tôn, hoặc dựng nhà Gươl (nhà sàn truyền thống được dựng từ gỗ, tre rừng của đồng bào Cơtu - PV) để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên không lâu sau, những nóc nhà tái định cư trên khu gò đất này bỗng nhiên xảy ra nhiều chuyện lạ kỳ. Ban đêm đàn chó nhà cứ tru vọng vào rừng thảm thiết. Hai anh em nhà A Lăng Tưa, và A Lăng Nhứt đang đàn ông rất khỏe mạnh, là lao động chính làm rẫy cho cả gia đình, lại có vợ con đề huề, bỗng tự dưng hết anh trai rồi đến em trai đều tìm đến cái chết bằng treo cổ tự vẫn khiến dân làng đã lo lắng bất an. Còn đàn ông trong thôn, từ hồi xảy ra cái chết của anh em nhà Tưa và Nhứt cũng tỏ ra chán nản, uống rượu mà không chịu lên rẫy, làm lúa.

Vì theo suy nghĩ, tập tục của đồng bào Cơtu, ở trong làng nếu có người chết không đúng với tự nhiên "sinh, bệnh, già, tử" thì họ sẽ hóa thành ma quay về bắt tiếp những người còn lại. Tuy nhiên, sau một thời gian dài không thấy thêm ai "bị ma bắt" nên sự việc cũng nguôi ngoai, trôi dần vào quên lãng. Cho đến cuối năm 2013, ở thôn Bút Tưa lại tiếp tục xảy ra vụ thanh niên A Lăng Tròn đang yên đang lành cũng treo cổ tự vẫn mà chết. Thấy nhiều cái chết của đàn ông trong thôn trùng hợp lạ kỳ, một số người mê tín trong thôn vội đi xem thầy Giàng (thầy bói - PV).

Người dân thôn Bút Tưa đã dần ổn định tâm lý, quay lại sản xuất, ổn định cuộc sống.

Bói ra ma, quét nhà ra rác, khi nghe thầy phán khu đất của người dân dựng nhà đó không sạch sẽ và đã bị nguyền rủa, ma ám, dân thôn Bút Tưa lại càng lo lắng, hoang mang hơn. Chẳng là theo đồn đại của dân làng, trên khu đất tái định cư này thời còn thằng Mỹ, thằng Ngụy đã có rất nhiều người của làng bị sát hại, nên những người bị chết oan, bị giết hại đã hóa ma rừng và thề nguyền sẽ "đoạt mạng" đàn ông của làng. Ban đầu chỉ là lời xì xào, lo lắng âm ỉ của một số gia đình trong thôn, cho đến đúng ngày mùng 4 Tết, khi đồng bào đang quây quần bên bếp lửa hồng trong nhà Gươl ở chính giữa làng, thì vợ của A Lăng Nghĩa (SN 1980) hớt hải chạy vào báo: Nghĩa chết ở trong nhà, với sợi dây siết cổ treo trên đầu đung đưa...

Việc Nghĩa chết như tiếp thêm mồi lửa cháy bùng sự hoang mang, nghi kị của người dân trong thôn từ bấy đến nay.... Vậy là ngay trong ngày mùng 6, mùng 7 Tết âm lịch, bà con trong tổ 2 của thôn hoảng sợ đua nhau dỡ mái, đập nhà. Đàn bà, trẻ nít thì vơ vội những vật dụng sinh hoạt cần thiết dắt nhau "chạy ma", tá túc nhờ vào khắp các gia đình người thân khác. Một số gia đình còn nháo nhào dựng cả lều, lán, trại ở các điểm đất trống khu tổ 1 (thuộc thôn Bút Tưa), cách nơi sinh sống gần 1km để  trú ẩn và cất giữ đồ đạc khiến cuộc sống của cả làng như bị đảo lộn...

Chính quyền chức năng nhanh chóng vào cuộc, vận động người dân trở lại làng

Sau hơn môt tuần "vườn không nhà trống", một số thanh niên của thôn đã quay trở lại làng.

Ngay sau nhận được thông tin hàng chục gia đình người dân ở xã Sông Kôn bỏ "vườn không nhà trống" để trốn ma rừng. Suốt hai ngày 15 và 16/2014 lãnh đạo huyện Đông Giang, cùng lực lượng Công an, chính quyền xã Sông Kôn trực tiếp có mặt tại thôn Bút Tưa để trấn an, động viên các hộ dân đã đập nhà ra đi vì cho rằng làng có "ma ám". Đồng thời phối hợp với các già làng, trưởng thôn giải thích, vận động tất cả đồng bào dân tộc Cơtu ở tại thôn Bút Tưa cần giữ bình tĩnh để ổn định sinh sống. Lãnh đạo huyện Đông Giang cũng yêu cầu UBND xã Sông Kôn cần sớm triển khai lực lượng Công an xã, dân quân địa phương để giúp dân gom tất cả tài sản có giá trị của các hộ dân chưa chuyển đi kịp về một điểm để canh giữ cho dân, tránh bị kẻ xấu lợi dụng trộm cắp tài sản.

Trưởng Công an xã Sông Kôn, đồng chí Arak Trung khẳng định: Lời nguyền "Con ma rừng" bắt đàn ông phải chết là hoàn toàn không có thật. Một đồn mười, mười đồn trăm khiến sự việc vô tình trở thành dư luận xấu. Thực hư sự việc cũng đã được xác định chỉ là sản phẩm mê tín dị đoan và tập tục cố hữu của người dân. Cộng thêm tin vào những lời bói toán nhảm nhí, dựa vào sự trùng hợp của những cái chết do tự tử của một số đàn ông trong thôn khiến người dân càng thêm hoang mang, lo lắng... Riêng hai nạn nhân chết do tự tử là A Lăng Tròn và A Lăng Nghĩa đều có tiền sử bệnh thần kinh có một thời gian được điều trị trên bệnh viện tuyến tỉnh, hoàn toàn không phải do ma rừng ám như lời đồn thổi. Và việc 16 hộ dân ở tổ dân cư số 2 (thôn Bút Tưa, xã Sông Kôn, Đông Giang, Quảng Nam) tự ý đập phá, dỡ bỏ nhà cửa, bỏ cả ruộng vườn, kéo nhau tá túc ở nhà người thân tại các khu vực lân cận vì cho rằng làng đã bị… ma ám là một việc làm bộc phát, gây ảnh hưởng đến ANTT của địa phương. Thậm chí, mặc dù chính quyền địa phương, lực lượng Công an xã đã ra sức tuyên truyền, vận động nhưng đến 16 /2  người dân thôn Bút Tưa và cả thôn Sơn lân cận vẫn không ai dám đến gần, hay đồng ý trở lại khu vực mình đã sinh sống. Vì theo quan niệm của đồng bào một khi đã bỏ làng đi là sẽ không thể quay về... Nếu sự việc này cứ kéo dài thêm, mọi công việc đồng áng, nương rẫy bị gián đoạn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân thôn Bút Tưa.

Trao đổi với các phương tiện truyền thông về vụ việc trên, ông Huỳnh Ngọc Thanh - Bí thư Đảng ủy xã Sông Kôn cũng tỏ ra tiếc nuối vì sự việc xảy ra quá nhanh, ngoài tầm kiểm soát của chính quyền xã. Việc những ngôi nhà kiên cố, những căn nhà Gươl được dựng bằng gỗ quý có trị giá hàng trăm triệu đồng đã bị người dân đập phá tan hoang, tháo dỡ hoặc bỏ trống đã gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế. Nhận được tiền đền bù từ Dự án thủy điện sông Kôn, hầu hết người dân đã đổ cả vào những ngôi nhà đó, bây giờ đập phá tang hoang không biết lấy gì để xây lại cái mới. Vì vậy, việc tiếp theo chính quyền địa phương hiện nay là an dân, bố trí đất, hỗ trợ dân dựng lại nhà tại tổ 1 của thôn Bút Tưa. Đồng thời, sẽ họp các già làng, trưởng thôn lại để họ cho ý kiến về những tập tục, và phản ánh những mong muốn của bà con xung quanh sự việc này. Ngoài ra, sẽ tiếp tục làm công tác tư tưởng để trấn an, giải thích rõ để giúp dân sớm quay trở lại làng, tiếp tục yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.

Hoài Thu
.
.
.