Cúng sao giải hạn: Nỗi bất an mơ hồ?

Thứ Hai, 24/02/2014, 11:00

Cứ đến hẹn lại lên, các khóa lễ cầu an, dâng sao giải hạn với hàng nghìn lượt người từ khắp nơi đổ về chùa, đền, phủ, điện để cúi rạp trước thần linh, cầu mong một năm mới nhiều điều tốt lành. Tình trạng này diễn ra thường xuyên trong suốt nhiều năm qua và càng ngày càng có dấu hiệu khó kiểm soát khi niềm tin tôn giáo của mỗi người dân ngày càng "vỡ òa"….

Liệu pháp tinh thần của những nỗi bất an mơ hồ

Sở dĩ người ta tìm đến nghi lễ dâng sao giải hạn là để cầu mong một năm mới tốt lành. Trong các cách giúp họ vượt qua được nỗi bất an thường trực, có lẽ cũng chẳng tìm được cách nào khác?

Theo tìm hiểu của PV, có 3 cách giải hạn. Thứ nhất là giải hạn tại nhà, gia chủ mời đàn đến, và ít nhất phải bỏ từ 10 - 100 triệu. Thứ 2, giải hạn tại chùa, giá tùy theo từng chùa đưa ra nhưng mỗi chùa đều có bảng giá cố định, có chùa 100 - 200.000 đồng nhưng cũng có những chùa 1 -2 triệu, thậm chí hơn. Thứ 3, giải hạn tại đền, do gia chủ tự bỏ tiền ra, có bao nhiêu tiền thì nhảy bấy nhiêu, dao động ở mức vài chục triệu tới cả trăm triệu đồng và những "ông đồng bà cốt" sẽ làm khóa lễ một cách bài bản và chu toàn. Trong ba cách trên thì cách cổ kính và nhiều người vẫn dùng nhất vẫn là giải hạn tại chùa. Tuy nhiên, chùa không phải là nơi sinh ra nghi lễ này mà chỉ là nơi tiếp nối của Đạo giáo cho nên giải hạn tại đây mang màu sắc tâm linh kết hợp giữa Phật giáo và Đạo giáo. Sau khi tụng kinh từ 2 giờ 30 phút tới 3 giờ sẽ là tụng thánh, dâng sao đọc tên, cuối cùng là đốt hình nhân thế mạng.  

Buổi giải sao La Hầu tại chùa Phúc Khánh diễn ra vừa qua.

Tại chùa Phúc Khánh, một trong những trọng điểm về việc dâng sao giải hạn hằng năm ở Hà Nội thì ngay từ những ngày đầu năm, lượng người đến đăng ký làm lễ cầu an và dâng sao giải hạn rất đông. Tại sảnh chùa, một tấm bảng lớn ghi rõ ngày giờ lễ sao giải hạn. Xung quanh các cột chùa là những bảng tính sao hạn nam nữ hằng năm để người đi lễ dễ dàng đối chiếu tuổi của mình trong năm Giáp Ngọ có phải tuổi hạn hay không. Và những sao xấu như La Hầu, Thái Bạch, Kế Đô đã được nhà chùa đánh dấu cẩn thận bằng cách tô màu hồng, xanh, vàng để người xem dễ dàng phân biệt. Khi PV có ý muốn đăng ký được làm lễ cầu an và dâng sao giải hạn thì một bà ngồi ghi danh sách cho hay: "Phải ghi đầy đủ tên, tuổi, địa chỉ và sao chiếu mệnh của người làm lễ. Nếu làm lễ giải hạn thì ghi hết tên, tuổi, sao chiếu mệnh của người có sao hạn. Mỗi người là 100.000 đồng. Cháu ra ngoài cột nhìn rõ tuổi nào sao nào hạn thì đăng ký vào tờ giấy này". Và điều đặc biệt là dường như thành phần đi lễ dâng sao giải hạn đang ngày càng trẻ hóa khi mà rất đông các bạn trẻ cũng tham gia.  

Bảng ghi rõ thời gian của lễ dâng sao giải hạn.

Chị H. (Long Biên, Hà Nội) cho hay: "Nhà tôi đi lễ dâng sao giải hạn và cầu an ở chùa Phúc Khánh gần chục năm rồi. Nhà xa nhưng vì chùa Phúc Khánh vốn rất thiêng, nên dù xa mấy tôi cũng đi. Năm nào cũng đăng ký danh sách cho cả đại gia đình luôn. Nhà tôi cả bố mẹ, các con các cháu gần 20 người cơ, hết cả bạc triệu nhưng mình thấy tâm thanh thản, nhẹ nhàng là được".

Phiếu đăng ký cúng sao tại chùa Phúc Khánh (Hà Nội).

Khác với chùa Phúc Khánh thu phí theo đầu người, chùa Quán Sứ thu phí 300.000 đồng mỗi gia đình, không hạn chế số người. Nhà chùa tổ chức giải sao, cầu an vào ngày mùng 4 và mùng 9 Tết. So với các chùa khác, chùa Trấn Quốc có mức chi phí dâng sao, giải hạn thấp hơn, nhà chùa thu mỗi gia đình 200.000 đồng, không hạn chế số người. Chính vì thế, số lượng khách viếng thăm và xin giải hạn đông nghìn nghịt, bãi đỗ xe kín cả vỉa hè đường Thanh Niên. Lượng người đến đền, phủ, điện để làm lễ cũng không kém các chùa. Nhà nhà, người người kéo nhau đi "thỉnh" thần linh. Và tất cả đều phó mặc lời "thỉnh" cho những người làm công việc gọi là thực hành tâm linh. Ở chùa thì các nhà sư, ở đền phủ thì là các "ông đồng bà cốt". Người dân chỉ có việc bỏ tiền ra là xong.

Phật không dạy dâng sao giải hạn

Vậy là, trong dòng người kéo nhau đi "thỉnh" thánh thần ấy, mấy ai biết được rằng Phật giáo không nói về những ngôi sao chiếu mạng mà chỉ nói về luật nhân quả, gieo nhân nào thì gặt quả nấy. Trong các nghi lễ Phật giáo cũng không có nghi lễ nào gọi là cúng sao giải hạn. Đầu năm, các Phật tử đến chùa chỉ có một lễ duy nhất là lễ cầu an. Quan niệm và cả nghi thức dâng sao giải hạn có nguồn gốc từ Đạo giáo. Và ngày xưa, nghi thức tôn giáo này chỉ diễn ra ở các đền, miếu, phủ và ngã ba đường lớn, không diễn ra tại chùa.

Theo đó, trên trời có 24 ngôi sao do 24 vị thần chủ có ảnh hưởng đến số phận con người, trong đó 9 ngôi sao sáng nhất sẽ luân phiên chiếu mệnh mỗi năm. Đó là các sao La Hầu, Thổ Tú, Thủy Diệu, Thái Bạch, Thái Dương, Vân Hớn, Kế Đô, Thái Âm, Mộc Đức. 9 sao này có sao tốt và có cả sao xấu, phối trí theo các phương, sắp xếp theo 12 chi và ngũ hành. Năm nào bị sao xấu chiếu mệnh, con người sẽ gặp phải chuyện không may, tai nạn, ốm đau, bệnh tật… gọi là vận hạn, là sao chiếu mạng (nặng nhất là "Nam La Hầu, nữ Kế Đô" là loại ám hư tinh vì 2 sao này chẳng thấy được mặt trời). Vì vậy, mỗi năm gặp các sao tốt phải cúng đón các vị, nếu gặp sao xấu phải cúng lễ để các vị hung tinh bớt tác oai tác quái.

Mặc dù có nguồn gốc từ Đạo giáo nhưng hiện nay, dâng sao giải hạn không chỉ diễn ra ở đền, miếu, phủ mà còn diễn ra cả ở chùa. Thậm chí, ở chùa còn áp đảo và rầm rộ hơn. Hầu như chùa nào cũng có dâng sao giải hạn. Cũng bởi dân mình có tâm lí đi chùa dù sao cũng hơn đi phủ cho nên mới có hiện tượng trà trộn và lẫn lộn tôn giáo như hiện nay. Mặt khác, các chùa cũng "nhập nhằng" khi không có những lời giải thích rõ ràng về nghi thức này để các phật tử hiểu rõ hơn, tránh đi sự cuồng tín, mê tín dị đoan của dòng người "hồi hương" kéo nhau về đất Phật như một đội quân rô-bốt di động, giải hạn như một trào lưu nhưng thực tế lại không hiểu gì về bản chất của nghi thức này.

Thành phần tham gia nghi thức cúng sao giải hạn đang ngày càng trẻ hóa.

Có hay không cái gọi là dâng sao giải hạn? Có hạn thật không và có giải được không hay chỉ là liệu pháp tinh thần để vỗ về những bất an, lo lắng thường nhật trong lòng của mỗi người - điều đó chẳng ai trong chúng ta có thể khẳng định được. Cái hữu hình nhất có thể nói ra được ở đây là niềm tin của con người, thực ra lại là một thứ không hữu hình nhất. Và niềm tin, cũng dăm bảy đường niềm tin. Có lẽ vì thế, mạnh ai người nấy tin và họ coi niềm tin là con đường giác ngộ của chính mình. Tin mình cũng như tin vào thánh thần, cũng là một cách giúp họ dễ dàng đi qua những lo lắng, những "cơn đau tim" trong cuộc sống của mình.

Điều đó, không chỉ chúng ta mà ngay cả những người "chân tu" cũng không khẳng định được. Khi hỏi sư thầy Thích Đàm Nguyên, trụ trì chùa Thanh Nhàn (Hà Nội) về việc dâng sao giải hạn đầu năm, vị sư trụ trì này cho biết rằng: "Các Phật tử có nhu cầu thì nhà chùa làm thôi. Còn việc nó có hóa giải được mọi bi kịch hoặc hiểm họa trong cuộc đời hay không thì tôi không dám chắc. Đó giống như một liều thuốc an thần mà thôi".      

"Có thờ có thiêng, có kiêng có lành". Ai biết trước được điều gì sẽ xảy ra trong cuộc đời mình? Thôi thì, đầu năm làm một cái lễ, cứ coi như là lễ tạ để cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, gia đình ấm yên, có tai bay vạ gió gì cũng theo đó mà êm xuôi. Có điều, đừng biến thành những kẻ ngộ nhận tâm linh để rồi từ đó nô lệ, mua dây buộc bụng, cuồng tín cho những điều mà chính mình cũng không biết rõ. Thông qua bài viết này, hi vọng chúng ta hiểu rõ hơn về cội nguồn của vấn đề để rồi từ đó có một sự lựa chọn tốt hơn cho mình. 

GS.TS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, Phó Chủ tịch Hội đồng Folklore châu Á, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam:

"Dâng sao giải hạn" có nguồn gốc từ Đạo giáo chứ không phải là Phật giáo. Về sau này, cùng với sự hội nhập và giao thoa thì một số nhà chùa cũng làm lễ giải hạn. Theo quan niệm của Đạo giáo, con người sinh ra đều có sự tương tác với vũ trụ, và nó ứng với sao bản mệnh của mình. Tùy theo từng năm mà ngôi sao nào mang lại điều may mắn tốt đẹp hay là không tốt. Nếu không tốt thì người ta mới làm một cái động tác để hạn chế, gọi là dâng sao giải hạn… Theo đó, ứng với từng sao thì làm 1 nghi lễ, tạo cho mình niềm tin.

Tuy nhiên, không ai khẳng định có mối quan hệ giữa con người và ngôi sao. Cũng không ai đó nói điều đó là không đúng. Tất cả xuất phát từ niềm tin của con người, do con người mà nên. Trong điều kiện xã hội bây giờ, cấm cũng không được, hãy để họ tự giác. Đây cũng không phải là chuyện gì đó ghê gớm, để từ đó có những hành động quá đáng. Đó là ước vọng của con người, cầu sự an lành, cầu sự yên ổn và một năm không có gì tai bay vạ gió. Ước muốn đó từ người có vị trí cao nhất tới những người có vị trí thấp nhất trong xã hội đều như nhau. Ai cũng ước vọng và không ai có quyền cấm đoán chuyện đó được. Có điều đừng cuồng tín quá là được.

Tuy nhiên, điều đáng nói là hiện nay, có nhiều nơi lợi dụng niềm tin này để trục lợi, buôn thần bán thánh. Bản thân những người thực hành chuyện tâm linh đó họ không làm theo luật của giới mình. Tất nhiên, khi xã hội phát triển, chúng ta cũng không thể đòi hỏi họ như xưa nhưng ít ra họ cũng phải có phẩm chất của người đi tu. Có vậy thì họ mới giáo hóa được người khác"

Đ.Dung- Ng. Trâm
.
.
.