Câu chuyện không hồi kết về ngành công nghiệp đẻ thuê ở Thái Lan

Thứ Bảy, 27/09/2014, 09:00

Đối với khách du lịch, đất nước Thái Lan xinh đẹp chưa bao giờ đánh mất đi vẻ hấp dẫn của một thiên đường du lịch châu Á. Song những năm gần đây, sự xuất hiện của một loại hình du lịch mới lạ - du lịch sinh sản - lại khiến dư luận thế giới hoang mang và phẫn nộ.

Nỗi cay đắng của người mẹ đẻ thuê

“Du lịch sinh sản” thực chất là hình thức quảng cáo cho dịch vụ đẻ thuê ở Thái Lan. Nắm bắt được tâm lý của những cặp vợ chồng hiếm muộn hoặc vô sinh đến từ châu Âu, chủ yếu là Úc, nhiều bệnh viện và trung tâm sinh sản đã mọc lên để đáp ứng nhu cầu cấp thiết này một cách chuyên nghiệp. Họ cho đăng hình những đúa trẻ xinh đẹp trong vòng tay cha mẹ và những dòng quảng cáo hấp dẫn về công nghệ thụ tinh trong ống nghiệm, đẻ thuê thương mại và lựa chọn giới tính thai nhi.

Ngay từ giữa năm 2010, dư luận thế giới đã chấn động bởi hàng loạt bài báo phanh phui đường dây đẻ thuê ngầm quy mô lớn, Baby 101, từ Đài Loan, Trung Quốc, Myanmar đến Thái Lan, với nạn nhân là 15 cô gái người Việt ở độ tuổi còn rất trẻ từ 19-26. Họ bị lừa đưa sang Thái Lan với lời hứa về một tương lai tươi sáng hơn, với mong ước lao động chân chính sẽ giúp họ thoát khỏi cảnh nghèo. Song, thay vì nhận được việc làm, họ bị giam lỏng, bị ép “đẻ thuê” hay “mang thai hộ” bằng cách cấy bơm phôi thai hay tinh trùng, đứa trẻ sinh ra sẽ được bán cho những cặp vợ chồng có nhu cầu, mỗi một lần sinh như vậy, họ sẽ được trả 5.000 đô la.

Những tưởng sau khi cảnh sát Thái Lan triệt phá đường dây Baby 101, loại hình kinh doanh vô nhân đạo này sẽ bị giám sát chặt chẽ, nhưng mới đây câu chuyện về cậu bé Gammy – kết quả của một giao dịch mang thai hộ thất bại đã một lần nữa thổi bùng lên sự quan tâm của dư luận thế giới yêu cầu giới chức trách Thái Lan mạnh tay hơn trong việc xoá bỏ ngành công nghiệp đẻ thuê thương mại này.

Pattaramon Janbua, 21 tuổi, sống cách thủ đô Bangkok khoảng 60 dặm, là một phụ nữ trẻ sinh ra trong một gia đình nghèo khó. Cô là nhân viên bán hàng cho một cửa hàng thực phẩm, với đồng lương ít ỏi, cô không thể trang trải nổi cuộc sống cho gia đình nhỏ bốn người của mình, bao gồm chồng cô và hai đứa con nhỏ. Janbua chấp nhận mang thai hộ bởi cô cần tiền để sống và trả nợ, hơn nữa công việc này không yêu cầu cô phải quan hệ với người đàn ông khác. Khách hàng của Janbua là một cặp vợ chồng người Úc hiếm muộn, họ đồng ý trả cho cô 9.000 bảng Anh để sinh con. Khi biết Janbua mang song thai, họ đã rất vui mừng. Tuy nhiên, mọi việc thay đổi khi kết quả xét nghiệm cho biết một trong hai bào thai có khả năng mắc hội chứng down, cặp vợ chồng đó yêu cầu cô phá thai. Janbua từ chối yêu cầu vô nhân đạo đó, cô quyết định sinh con nhưng bị đe dọa sẽ không nhận được tiền nếu tiết lộ vụ việc với Đại sứ quán Úc tại Bangkok.

Gammy và người mẹ đẻ thuê Janbua.

Cặp song sinh một trai một gái ra đời, ngay lập tức, đứa bé gái khoẻ mạnh được “bố mẹ” mang đi và bỏ lại bé trai bệnh tật. Janbua không nỡ bỏ rơi đứa trẻ, dù sao đó cũng là con trai của cô, cô chấp nhận nuôi dưỡng đứa bé bất chấp cảnh ngộ éo le của mình. Nhà nát còn gặp đêm dông, khó khăn càng chồng chất khi Janbua không những phải nuôi thêm một đứa trẻ mà còn phải lo lắng chữa trị cho căn bệnh tim bẩm sinh của cậu bé. Cực chẳng đã, bà mẹ trẻ đã lên tiếng kể cho cả thế giới về hoàn cảnh đáng thương của Gammy và trông đợi vào một phép mầu.

Những động thái chậm chạp của giới chức trách Thái Lan

Câu chuyện về cậu bé Gammy 7 tháng tuổi đang dấy lên nhiều cáo buộc, phẫn nộ đối với cặp vợ chồng người Úc. Trong khi chưa có những động thái chính thức liên đới trách nhiệm của “bố mẹ” Gammy, giới chức trách Thái Lan đang nỗ lực xử lý những đối tượng có liên quan đến giao dịch mang thai hộ này. Theo ông Sampandh Komrut, Tổng thư ký Hội đồng Y tế Thái Lan, cho biết hai bác sĩ giao bé Gammy và em gái song sinh cho cặp vợ chồng người Úc sẽ bị điều tra vì hành vi vi phạm những quy định y tế. Họ có thể bị thu hồi giấy phép hành nghề.

Ngay cả chính Janbua cũng đang lo sợ mình sẽ phải đối mặt với án phạt khi báo chí Thái trích lời một quan chức cho rằng cô đã vi phạm pháp luật khi mang thai hộ cặp vợ chồng người Úc, Wendy và David Farnell. Giám đốc Bộ Hỗ trợ y tế Thái, Bonruang Triruangworawat nói rằng họ sẽ áp dụng luật buôn bán người để xử lý hành vi kinh doanh trái đạo đức này, trong khi đó Quốc hội nước này sẽ nhanh chóng thảo luận và soạn thảo bộ luật mới để chấm dứt vĩnh viễn sự bùng nổ ngành công nghiệp với lợi nhuận khổng lồ mỗi năm này. Ông cũng cho biết: “Những bà mẹ mang thai hộ có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý được quy định trong các điều luật về hành vi buôn bán người bởi rõ ràng họ được trả tiền để sinh ra những đứa trẻ”.

Bà Pattharamon (Goy), người đã cho phép Gammy xuất viện ở huyện Chonburi, đã kiên quyết phản đối nỗ lực của một tổ chức chính phủ muốn đưa Gammy vào trại trẻ mồ côi. Bà đã nhận được hàng tá tin nhắn tiêu cực và bị gọi là kẻ dối trá bởi Kamonthip Muskawong, người môi giới cho Goy và gia đình Farnells. Trả lời phỏng vấn tờ Londons Telegraph, bà Kamonthip nói rằng Pattharamon đã tuyển những người phụ nữ mang thai hộ qua Facebook, điều này đã được xác nhận bởi chính Pattharamon, song bà ta cũng cho biết mình đã dừng việc tuyển người qua Facebook một thời gian.

Hai trong số những đứa trẻ được tìm thấy trong một chung cư ở Bangkok.

Giới chức trách Thái Lan chưa có bất cứ động thái gì sau khi nhận được đơn khiếu nại từ Úc về việc tại sao họ lại cho phép khoảng 150 cặp vợ chồng Úc, những người đã đặt hàng mang thai hộ tại nước này, đem những đứa trẻ về Úc. Hàng tá trẻ sơ sinh có thể bị mang đi bởi sự lỏng lẻo trong luật pháp Thái Lan, cũng như sẽ dẫn đến hậu quả ước mơ của những cặp cha mẹ sinh học có nguy cơ tan vỡ.

Thứ bảy tuần trước, một cặp vợ chồng Queensland đã từng gặp khó khăn khi mang con mình bay về nước từ Bangkok. Được biết, người phụ nữ được thuê mang thai đã cực kì bất hợp tác và không muốn đến sân bay để giúp đỡ cặp “bố mẹ” người Queensland.

Một trường hợp liên quan khác, cặp “bố mẹ hợp đồng” người Úc đã không thể liên lạc với người phụ nữ Thái họ thuê mang thai một cặp song sinh, sau khi các cơ quan chức năng đột ngột ập đến phòng khám và lấy đi toàn bộ tài liệu. Họ cho biết họ không thể kiểm tra tình trạng của bà mẹ và những đứa trẻ, cũng như không biết liệu họ có cơ hội đưa hai đứa trẻ về Úc hay không.

Các tổ chức chính phủ Úc đã thiết lập một ủy ban để tiến hành vận động hành lang cho phép một hội đồng tư vấn thành lập vào ngày 22/5.Theo những điều luật mới, một trẻ sơ sinh sẽ là một đứa con hợp pháp khi được mang thai, không xét đến việc thụ thai từ tinh trùng hay trứng của bố mẹ. Chánh văn phòng Xúc tiến và Bảo vệ trẻ em, thanh niên, người cao tuổi và người dễ bị tổn hại, cho biết: “Điều luật này đi ngược lại mối quan hệ di truyền và đôi khi dẫn đến xung đột giữa những bà mẹ mang thai hộ và những cặp bố mẹ uỷ thác (những cặp bố mẹ trả tiền để thuê)”.

Theo luật, những người có liên quan đến việc kinh doanh sinh sản này sẽ phải đối mặt với mức án tối thiểu 10 năm tù giam và phải nộp phạt. Các tổ chức, những nhà quảng cáo hoặc những người tuyển dụng phụ nữ đẻ thuê sẽ chịu mức án 5 năm tù giam và nộp phạt theo quy định.

Hiện nay ở Thái có đến 44 phòng khám và viện nghiên cứu với 24 bác sĩ được cấp phép sử dụng công nghệ sinh sản, sử dụng những phương pháp nhân tạo để thụ thai. Cảnh sát cho biết họ đã phát hiện thêm nhiều “vườn trẻ sơ sinh”, nơi nuôi dưỡng những đứa trẻ sinh ra dưới hình thức kinh doanh này, ở một vùng ngoại ô Thái Lan sau khi tìm thấy 9 đứa bé trong một ngôi nhà được thuê bởi một doanh nhân triệu phú người Nhật.  Cảnh sát cũng đã điều tra một người đàn ông 24 tuổi, Shigeta Mitsutoki, được biết là người cha sinh học của 9 đứa trẻ ở độ tuổi từ 6 tháng đến 1 năm kể trên, cũng là người môi giới mang thai hộ.

Tờ Bangkok Nation cho biết có một vài lần camera an ninh tại sân bay Bangkok đã ghi lại việc Mitsutoki mang theo một đứa trẻ khi rời Thái Lan. Luật sư của Mitsutoki giải thích với cảnh sát rằng đó là do thân chủ của ông ta muốn đưa những đứa trẻ về Nhật để tiếp quản công ty sau khi chúng trưởng thành. Các quan chức Cục Xuất nhập cảnh cho biết Mitsutoki đã đến Thái 65 lần trong vòng hai năm qua và vừa rời Thái hôm thứ năm. Cảnh sát Thái Lan hiện đang điều tra xem liệu hành vi của anh ta có hợp pháp theo luật pháp nước này không

PV
.
.
.