Cảnh giác với quần áo "Si Đa"

Thứ Tư, 17/09/2014, 07:00

Các bác sĩ chuyên khoa về da liễu cho rằng, nếu quần áo cũ chưa qua xử lý có thể mang theo những ký sinh trùng, nấm mốc gây hại cho da. Không những vậy, các kiện hàng dù đã qua xử lý cũng nguy hiểm không kém bởi chẳng ai kiểm soát được các loại hóa chất tẩy được sử dụng có nguồn gốc xuất xứ từ đâu và khi nào.

"Cũ người mới ta" là câu cửa miệng của những môn đồ yêu chuộng hàng "Si Đa" (hàng thùng). Quần áo hàng thùng là loại hàng hóa dễ mua, giá phải chăng, tuy vậy nó có dễ mặc, đảm bảo vệ sinh hay không là câu hỏi chẳng mấy ai trả lời được. Liệu mấy ai biết những mặt hàng xếp thành đống, bán theo cân kia có nguồn không xuất xứ từ đâu? Nguy cơ tiềm ẩn đằng sau nó là gì? Người bán vẫn bán, người mua vẫn cứ mua dường như chẳng mấy ai quan tâm đến Thông tư 04/2014/TT- BCT mới đây có quy định: Đây là mặt hàng cấm nhập khẩu vào Việt Nam.

Khắp các con ngõ, cửa hàng, quần áo được đổ thành đống, khách hàng thỏa sức lựa chọn, người qua kẻ lại tấp nập đã trở thành hình ảnh quen thuộc của phố Đông Tác - kinh đô mua sắm hàng "Si Đa" ở Hà Nội. Theo quan sát của chúng tôi, các ki ốt bán quần áo cũ ở đây có đến vài trăm cái, nằm liền kề nhau. Hằng ngày khu chợ này thu hút rất nhiều khách hàng ở mọi lứa tuổi. Mặc dù đây là mặt hàng đã qua sử dụng nhưng khách thì chưa bao giờ vắng, họ đến với hai lý do: Rẻ và Độc.

Bạn Phương Linh (sinh viên Đại học Hà Nội) chia sẻ: "Em và các bạn thường xuyên đến đây "săn" quần áo. Đơn giản chỉ vì giá cả phải chăng, đặc biệt là rất độc đáo. Với mức tiền của sinh viên bọn em nếu cứ vào shop mua sắm hàng hiệu là không thể. Ví dụ ở đây, thường thường áo hoặc quần chỉ vài chục nghìn. Loại chất lượng tốt nhất cũng chỉ hơn 100 nghìn đồng. Kiểu dáng lại rất đặc biệt và thời trang". Cùng chung quan điểm đo,á bác Nguyễn Thị Hiền nói: "Những người ngoại cỡ như chúng tôi vào đây mua là hợp lý, có rất nhiều loại áo chúng tôi mặc vừa. Vào đây mua hàng đâu chỉ những người nghèo, không có điều kiện. Quan trọng là mua sắm ở đây thấy rất ưng ý, giá lại rẻ nên rất nhiều người quan tâm".

Ngoài việc bán lẻ, các ki ốt ở đây thường bán theo cân, xếp theo kiện, đổ đống ngày này qua ngày khác, tuy nhiên người mua chẳng mấy ai quan tâm đến chuyện này. Những người có sở thích "lùng" hàng quần áo cũ chuyên nghiệp lại tỏ ra thích thú khi sở hữu 1 món đồ ưng ý cả về giá lẫn kiểu dáng, chất lượng.

Qua khảo sát, trên địa bàn Hà Nội ngoài phố Đông Tác còn có khu Nghĩa Tân, Bách Khoa, Đào Duy Anh, Hoàng Tích Chỉ… cũng là những nơi được coi là tụ điểm bán hàng "Si Đa" vào bậc nhất. Tùy từng loại mặt hàng, độ mới và màu sắc giá cả cũng có chút khác nhau. Ví dụ các mẫu váy đơn giản của chị em phụ nữ chỉ có giá khoảng 20.000 đồng đến 50.000 đồng. Còn các loại áo váy kiểu cách, áo vest, áo sơ mi có chất lượng vào dạng khá nằm trong khoảng 100.000 đồng đến 150.000 đồng.

Hỏi về nguồn gốc xuất xứ của những mặt hàng này, một chủ cửa hàng tỏ vẻ cảnh giác: "Ở đâu thì ở miễn sao dùng được thì thôi, có phải rẻ lau đâu". Sau khi ngỏ ý muốn mua số lượng lớn về bán tại các khu có sinh viên, chủ cửa hàng này mới tiết lộ: "Đây đều là những hàng có xuất xứ từ Trung Quốc. Sau khi tập kết cả container sẽ đổ buôn cho các thương lái nhỏ về bán lẻ". Tuy nhiên vẫn với câu hỏi này, một chủ cửa hàng khác tên Minh lại cho rằng: "Đây toàn là hàng xịn như Hàn Quốc, Mỹ… nói chung khắp trên thế giới đổ về Campuchia hay Trung Quốc. Đã là hàng nước ngoài thì hàng nào cũng xịn hơn hàng của Việt Nam cả. Giá lại thấp, tội gì mà không dùng".

Như vậy đến những chủ các ki ốt cũng còn rất mập mờ về nguồn gốc xuất xứ của những mặt hàng mình đang bán. Nguy cơ tiềm ẩn bệnh tật từ những đống quần áo cũ đó là không thể tránh khỏi. Còn những người mua thì đều mang 1 quan điểm, đồ mua về mang giặt sạch đồng nghĩa với việc đã được tiệt trùng. Và tất nhiên người sử dụng sẽ tránh được hết các bệnh ngoài da lây lan qua quần áo cũ.

Tuy vậy, các bác sĩ chuyên khoa về da liễu cho rằng, nếu quần áo cũ chưa qua xử lý có thể mang theo những ký sinh trùng, nấm mốc gây hại cho da. Không những vậy, các kiện hàng dù đã qua xử lý cũng nguy hiểm không kém bởi chẳng ai kiểm soát được các loại hóa chất tẩy được sử dụng có nguồn gốc xuất xứ từ đâu và khi nào.

Ông Nguyễn Công San, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội chia sẻ, mặt hàng quần áo đã qua sử dụng là mặt hàng cấm nhập khẩu. Thường thì không có nhãn mác để chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Chính vì vậy đấu tranh tiếp cận những loại quần áo cũ này do người dân mặc cũ họ mua bán lại hay nó được nhập lậu từ biên giới là một điều rất khó khăn.

Quang Ngọc
.
.
.