Bóng ma cúm H5N1 đã trở lại!
Virus (tiếng La tinh là chất độc), virus cúm gia cầm H5N1là loài cực độc có nhiều điểm tương đồng với virus cúm gia cầm biến thể đã từng gây ra trận đại dịch năm 1918 tại Tây Ban Nha khiến 50 triệu người chết. Loại virus mà sự tồn tại dai dẳng của nó được ví như một bóng ma. Âm thầm lặng lẽ nhưng mỗi lần với sự hiển diện của nó lại làm không ít quốc gia… rối tinh. Có vẻ như những tháng đầu năm 2012 đang là thời điểm thuận lợi cho sự quay trở lại của nó. Sau gần 20 tháng vắng bóng tại Việt Nam, khi người chăn nuôi vừa đủ thời gian tạm quên đi những cay đắng và nước mắt vì những lần đàn gia cầm bỗng chốc bị tiêu hủy, thì đầu năm 2012 tới nay với 3 ca nhiễm cúm A/H5N1 trên người, 2 đã tử vong, một ca vừa thoát chết trong gang tấc là những ghi nhận đủ để báo hiệu "bóng ma" H5N1 đã thực sự quay trở lại.
Kinh hoàng vì ăn vịt "chạy… H"
H ở đây ý chúng tôi muốn nói tới con virus cúm A/H5N1. Cho tới ngày 3-3, sau 10 ngày điều trị, bệnh nhân tên T.P.Sơn (22 tuổi, ngụ tại Hoằng Hóa, Thanh Hóa) làm việc tại Bình Dương tuy đã được rút máy thở, ăn được miếng cháo song phổi do bội nhiễm vì virus H5N1 nên có lẽ phải uống thuốc suốt đời. Sau 3 lần được xét nghiệm máu, ngày 5/3, bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt Đới đã cho biết kết quả âm tính. Cũng là ca nhiễm cúm A/H5N1 trên người đầu tiên được điều trị thành công của năm 2012 tại Việt Nam.
Chúng tôi đã tiếp xúc với anh N.C.Chính (chú vợ của anh Sơn), người cùng ngồi chung mâm "thưởng thức" món thịt vịt với anh T.P.Sơn mua tại khu vực Củ Chi, cho tới giờ phút này anh N.C.Chính vẫn còn chưa hết bàng hoàng vì chứng kiến cháu trai mắc bệnh nhưng còn "bán tin, bán nghi": "Chính tôi là người giết mổ, làm lông con vịt ấy mà sao tôi không bị? Trong mâm có hơn 10 người cùng ăn vẫn khỏe mạnh cả!?".
Cũng theo lời anh Chính, dịp Tết Nhâm Thìn, Sơn ra thăm cha mẹ tại Thanh Hóa. Nhà có nuôi 20 con ngan. Cũng đúng dịp này tại Thanh Hóa đang có hiện tượng gà, vịt chết ở một số hộ chăn nuôi gia cầm. Lo dịch lây tới đàn ngan trong nhà, gia đình Sơn bảo nhau thịt đàn ngan ăn "cấp tập". Cứ cách ngày gia đình lại có "tiệc ngan" với nhiều món: rang gừng, nấu măng, riêng món tiết canh ngan thì hôm nào cũng có.
Ngày 10/2 khi trở lại Bình Dương đi làm, trên đường từ nhà anh Chính (tại Củ Chi - Sơn gọi bằng chú) về Bình Dương, thấy đoạn đường Tỉnh Lộ 8 có bán vịt, Sơn tạt vào chọn mua một con đem về Bình Dương để "lai rai". Ngay trong bữa ăn này Sơn đã có triệu chứng uể oải, sốt nhẹ, bỏ bữa cơm giữa chừng. Những ngày sau đó sốt cao, đau họng, đau mình mẩy, uống thuốc không đỡ, và nhập viện Bệnh Nhiệt Đới (BNĐ) khi tình trạng đã khó thở, phổi bội nhiễm, suy sụp cơ thể, phải thở máy. Lúc này ở cả Bình Dương và Củ Chi những ai ngồi trong bữa tiệc thịt vịt ấy đều toát mồ hôi hột, có người tự đo thân nhiệt hàng ngày.
Ngày 29/2, tức sau 6 ngày nhập viện Bệnh Nhiệt Đới, Sơn đã có 2 lần được Viện Pasteur và BV BNĐ làm xét nghiệm, kết quả vẫn "chưa sạch" virus H5N1 thì lúc này lực lượng y tế dự phòng Củ Chi mới "tá hỏa" cho người xuống "truy lùng" địa chỉ của gia đình anh N.C.Chính tại Củ Chi. Trong lúc cán bộ y tế thực hiện đo thân nhiệt cho 5 người trong nhà gồm 2 vợ chồng, 2 đứa con và một bà cụ trên 60 tuổi nhà anh Chính, thì lực lượng thú y Củ Chi cùng chính quyền địa phương tổ chức phun thuốc, khử trùng xung quanh khu vực có bán gia cầm sống, điều tra từng hộ kinh doanh gia cầm tại Tỉnh lộ 8.
Đồng thời, tại Bình Dương, YTDP tỉnh tới gia đình anh Hậu (anh "cọc chèo" với anh Chính nơi anh Sơn ở cùng, tại KP.8, phường Phú Lợi, thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương) thực hiện tiêm phòng cho toàn bộ số người tiếp xúc gần với Sơn, thực hiện sát khuẩn, khử trùng quanh khu vực ở. Viện Pasteur TP HCM cấp kỳ gửi cho Sở Y tế Bình Dương 300 viên thuốc Tamiflu phát cho những người nghi có tiếp xúc với bệnh nhân.
Thở phào vì giờ mới tin chắc gia đình đã "thoát" khỏi con virus đáng sợ, anh Chính thành thật: "Ngày 5/3 nghe tin cháu Sơn sẽ được xuất viện, cả họ đều mừng. Chẳng bù mấy hôm trước, gia đình đã bàn tới chuyện nếu có mệnh hệ gì đưa nó về quê!".
Cho tới thời điểm hiện tại, chưa có cơ quan chức năng nào xác định chính xác nguồn lây nhiễm trong ca bệnh T.P.Sơn là từ đâu: Thanh Hóa, Bình Dương hay Củ Chi nhưng ngay lập tức bộ máy phòng chống dịch đã hoạt động khẩn trương cho thấy vùng "phủ sóng" của H5N1 là rất lớn. Nhìn lại đợt dịch trước, cúm gia cầm xuất hiện tại Việt Nam vào năm 2003 có 3 ca người nhiễm thì 3 ca tử vong; năm 2004: 29 ca, 20 ca tử vong; 2005: 61 ca, 19 ca tử vong; năm 2006 thật may mắn không có ca nào, qua năm 2007 bắt đầu tái trở lại với 8 ca mắc, tử vong 5; năm 2008: 5 ca mắc, tử vong cả 5.
Đợt dịch năm 2008 gần tương tự như dịch đang diễn ra năm nay. Đáng lo ngại hơn khi vào trung tuần tháng 2/2012 vừa qua Cục Y tế dự phòng Việt Nam đã chính thức công bố về trường hợp một bệnh Nhi đầu tiên 2 tuổi ngụ tại Cần Đước - Long An được xét nghiệm nhiễm cúm A (H3N2), có nguồn gốc từ lợn. Ngày 13/2/2012 kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của bệnh Nhi này từ phòng xét nghiệm của Tổ chức Y tế thế giới chính thức xác nhận. Ca bệnh này cũng đưa Việt Nam vào danh sách quan tâm đặc biệt của thế giới về bệnh truyền nhiễm lây từ động vật qua người.
Vì ghi nhận vào năm 2009 tại Mỹ từ Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) đã phát hiện 18 người nhiễm virus cúm A (H3N2) có nguồn gốc từ lợn. Năm 2011 tiếp tục phát hiện 10 ca nhiễm chủng virus cúm mới có tên: S-OtrH3N2. Qua phân tích mẫu gen cho thấy chủng virus cúm mới là sự tái tổ hợp từ virus cúm A (H1N1) - gây đại dịch năm 2009 và cúm A (H3N2) có nguồn gốc từ lợn.
Và điều tra dịch tễ trên những bệnh nhân nhiễm cúm mới trên của CDC cho biết: 7/10 trường hợp nhiễm virus cúm đầu tiên tại các bang Pennsylvania, Maine và Indiana có tiền sử tiếp xúc với lợn hoặc tiếp xúc gần với người có tiếp xúc với lợn.
Nhưng 3/10 trường hợp nhiễm virus cúm mới tại bang Iowa (từ ngày 10-13/11/2011) lại không có tiền sử tiếp xúc với lợn; bệnh nhân thứ 2 và thứ 3 có tiếp xúc với bệnh nhân đầu tiên khi bệnh nhân này có biểu hiện triệu chứng cúm. Chi tiết này là yếu tố khiến tổ chức CDC đang tiếp tục thực hiện các điều tra để có thể đưa ra kết luận chính xác về có nguy cơ lây truyền từ người sang người của chủng virus cúm mới này hay không đồng thời đang đẩy mạnh nghiên cứu tìm ra vaccine phòng chủng cúm S-OtrH3N2 trên người.
Cảnh báo từ "fao"
Hiện dịch cúm gia cầm đã lây lan tới 13 tỉnh thành tại Việt Nam, Cục Thú y đang xúc tiến nhập thêm 60 triệu liều vaccine để cấp cho các địa phương chủ động phòng chống dịch. Tuy nhiên, cái khó nhất hiện nay là vaccine nhập về chỉ có tác dụng với chủng virus cũ đang tập trung chủ yếu ở các tỉnh Nam Bộ, còn đối với chủng virus mới (hiện diện tại miền Bắc và miền Trung) có tác dụng bảo hộ rất thấp.
Liên quan đến chủng virus mới trên gia cầm, được biết, vào cuối năm 2010, Cục Thú y đã theo dõi sát sao chủng virus Clade 2.3.2 khi chúng nhanh chóng biến đổi và phát triển thành 2 nhánh phụ có sự khác biệt lớn về kháng nguyên: nhánh phụ 1 gọi là 2.3.2-A lưu hành rộng rãi ở hầu khắp các tỉnh, còn nhánh phụ 2 gọi là 2.3.2-B (Tổ chức FAO gọi là H5N1 - 2.3.2.1) chưa có vaccine phòng chống hữu hiệu. Và lo ngại của FAO về nguy cơ có thể bùng phát dịch cúm gia cầm mới từ nhánh này.
Một thí nghiệm mới đây trên nhánh virus Clade 2.3.2-B mà Cục Thú y Việt Nam cảnh báo: sau khi được "công cường độc lực": 100% gà chết trong vòng 3 ngày và 20% vịt chết trong vòng 7 ngày. Như vậy, nhánh virus mới này cực độc với gà và đang lưu hành ở hầu khắp các tỉnh miền Bắc, duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.
Tổ chức FAO cũng đã từng cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm trên đàn vịt tại khu vực ĐBSCL Việt Nam. Theo các nghiên cứu của FAO vào năm 2010 cho biết, virus H5N1 tồn tại rất dai dẳng trong nguồn nước sông hồ, kênh rạch chằng chịt tại ĐBSCL và chủ yếu trong nguồn chất thải gia cầm. Trong khi đó tại ĐBSCL, 35% lượng phân vịt thải ra kênh, ruộng và 65% phân thải ra nơi nuôi nhốt vịt. Riêng vịt chăn thả tự do, 100% phân được thải ra kênh, ruộng. Vịt lại có đặc điểm có thể bị nhiễm virus cúm gia cầm nhưng không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng, mức độ lây nhiễm cực nhanh.
Ở Việt Nam ngoài những cơ sở chăn nuôi giết mổ tập trung vẫn tồn tại rất nhiều những đàn gia cầm nhỏ lẻ trong mỗi hộ dân nhất là sự tồn tại ở những đàn vịt nuôi chạy đồng. Dẫn chứng tại Quảng Trị tuần qua, đã có trên 3.000 con vịt phải tiêu hủy vì nhiễm virus H5N1.Từ một hộ ban đầu ở xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng đã lan sang các hộ khác ở xã Hải Ba kế bên, sau đó chạy sang xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong và đang tiếp tục lây lan sang các huyện khác.
Liên hệ về 2 trường hợp người tử vong do cúm A/H5N1 từ đầu năm đến nay đều là nông dân vùng ĐBSCL (Kiên Giang và Sóc Trăng), trong đó nạn nhân tên Danh Ni quê Kiên Giang làm nghề chăn vịt thuê ở Cần Thơ đã xác định được nguồn lây: nhiễm virus H5N1 từ đàn vịt chạy đồng.
Kinh nghiệm cho thấy, trong bối cảnh chưa có vaccine đặc hiệu thì ý thức chủ động phòng chống dịch của chính quyền, thú y và người dân chính là những liều vaccine hữu hiệu khống chế dịch. Việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để phát hiện sớm nguồn lây nhằm tổ chức bao vây dập tắt các ổ dịch ngay khi mới nhen nhóm, công tác tiêu độc sát trùng kỹ càng tại các cơ sở chăn nuôi, các chợ đầu mối buôn bán gia cầm sống; đồng thời kiên quyết xử lý việc vận chuyển, buôn bán gia cầm lậu; tăng cường khuyến cáo đến từng thôn xóm để dân không mua bán, giết mổ, ăn thịt gia cầm bị bệnh.
Trong đó như ông Nguyễn An Hòa - Phó Chánh Thanh tra Chi cục Thú y TP HCM nói: " Địa phương là quan trọng nhất. Nếu như người dân nói không biết nên mua, ăn phải gia cầm bệnh thì chỉ bị trách 1, nhưng cán bộ địa phương, chính quyền không thấy, không nhận biết cúm gia cầm thì phải "trách 10".
Các biện pháp trên đều là những việc đã làm trong những đợt dịch từ năm 2003-2005 nhưng dịch vẫn tới đều mỗi năm. Cục Thú y đã từng đặt mục tiêu tới năm 2008, sẽ kiểm soát và dừng hẳn dịch cúm gia cầm, tới năm 2010 thì thanh toán hoàn toàn dịch và sẽ không tiêm phòng vaccine cúm gia cầm nữa. Song thực tế việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam có thể nói đang bị rơi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan". Chủ trương rút dần khỏi tiêm vaccine đã không thể thực hiện, bởi dừng cũng có nghĩa "bóng ma" cúm gia cầm sẽ đến hẹn lại lên. Để đảm bảo an toàn, người dân không gì hay hơn là hãy tự nâng "kỹ năng sống chung với cúm gia cầm" lên thành "nghệ thuật" mà điều tiên quyết chính là đừng bao giờ ăn gia cầm …"chạy H".
Sáng ngày 7/3, bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt Đới TP HCM, cho biết BV này đang cách ly, điều trị tích cực cho bệnh nhân(BN) N.Đ.T. (sinh 1981, ngụ Đắk Lắk) có đầy đủ những triệu chứng lâm sàng của bệnh cúm A/H5N1.Theo kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của BN này tại Viện Pasteur TP HCM ngày 7/3 cho biết dương tính với H5N1. Bệnh nhân N.Đ.T. trước lúc phát bệnh có trực tiếp làm thịt gà và ăn thịt gà chết nuôi tại gia đình. Sau đó, BN có biểu hiện ho và sốt cao , gia đình đưa vào điều trị tại BV Đắk Lắk nhưng không đỡ, được chuyển tới BV Bệnh Nhiệt Đới TP HCM. Hiện tại BN đang được dùng kháng sinh, thuốc Tamiflu theo đúng phác đồ điều trị cúm A/H5N1. Như vậy đây là ca nhiễm cúm A/H5N1 thứ 4 trong cả nước từ đầu năm 2012 đến nay trong đó 2 trường hợp đã tử vong. (H.N.) |