Bê bối trong ngành giáo dục Campuchia:

Bệnh thành tích và tham nhũng

Thứ Tư, 03/09/2014, 13:30

Bộ Giáo dục Campuchia đang tích thực hiện cải cách, đổi mới nhằm mục đích phòng chống nạn tham nhũng, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông trung học, đại học tạo nguồn tri thức trẻ giúp xây dựng và phát triển đất nước.

"Bệnh thành tích" từng "giúp" nền giáo dục Campuchia đạt "thành tích cao"

Trong suốt những năm qua, học sinh Campuchia có thể mang điện thoại di động và "phao cứu nguy" vào phòng thi. Giáo viên sẽ ra giá để tiết lộ đáp án, học sinh dồn tiền cục "tạ ơn" giám thị để họ ngắm mắt làm ngơ tiếp tay cho hành vi gian lận của thí sinh và thậm chí bên ngoài phụ huynh nhốn nháo, í ới gọi và đua nhau ném đáp án in trên giấy bọc gạch, đá nhỏ bay qua cửa sổ rồi rơi lộp bộp như mưa rào phả vào phòng thi.

Nhưng kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (làm căn cứ xét tuyển đại học) năm nay đã có sự khác biệt. Các bản sao đề thi được giữ bí mật tuyệt đối, lược lượng cảnh vũ trang được triển khai ở mọi địa điểm thi, học sinh được nhắc nhở không dưới 3 lần khi họ bước vào phòng thi và quan trọng hơn, cơ quan phòng chống tham nhũng Campuchia đã thuê hàng ngàn tình nguyện viên làm các nhà giám sát độc lập. Do đó, kết quả thi năm nay đạt tỉ lệ rất thấp.

Giám thị kiểm tra kỹ học sinh của một trường THPT ở Phnompenh trước khi bước vào phòng thi.

Ông Preap Kol - Giám đốc điều hành tổ chức Minh bạch Quốc tế-văn phòng Campuchia nhận xét: "đó là kỳ thì hoàn toàn khác biệt so với các kỳ thi tốt nghiệp trung học, đặc biệt lớp 12 trước đây".

Theo Bộ Giáo dục Campuchia, lần đầu tiên trong lịch sử, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay đạt kết quả đáng thất vọng, trước đây nhờ "bệnh" thành tích, nên các trường luôn "tạo điều kiện" cho học sinh đỗ tốt nghiệp với tỉ lệ rất cao.

"Bệnh thành tích" giáo dục Campuchia có "mắt xích" chặt chẽ với tham nhũng?

Tổ chức Minh bạch quốc tế xếp Campuchia hạng 160/177 quốc gia về chỉ số tham nhũng, ông Kol cho biết tham nhũng trong nền giáo dục Campuchia rất có "hệ thống". Điều này đồng nghĩa ngay từ khi học mầm non, học sinh đã học trong môi trường phải trả tiền "lót tay" không chỉ theo "qui định" mà còn phải làm hài lòng giáo viên.

 "Giả dụ bạn hãy quan sát một trường tiểu học công lập, khi học sinh nhập học, các cháu sẽ bị giáo viên vòi tiền bằng hình thức hoặc mua giáo trình hoặc thay cho lời "cảm ơn". Hằng tháng, giáo viên gửi sổ điểm tới tay phụ huynh và khi học sinh trở lại trường học, giáo viên chắc mẩm sẽ thu được một ít tiền", ông Kol nói về "nghệ thuật" làm tiền của giáo viên Campuchia.

Nhiều giáo viên cũng bòn nhặt từng đồng từ học sinh mỗi ngày, và sẽ thường xuyên chỉ dạy từng phần trong giáo trình để ép lớp học phải trả "chi phí phát sinh" ngoài học phí nhiều hơn.

Một nghiên cứu của tổ chức Hợp tác Giáo dục (phi chính phủ) cho biết các bậc phụ huynh Campuchia phải chi trung bình khoảng 108USD/năm cho chi phí không chính thức để có thể giúp con cái học tiểu học hoặc trung học cơ sở công lập, số tiền đó chiếm 8,6% thu nhập trung bình của gia đình. Tuy nhiên,  nhiều giáo viên phàn nàn rằng do được trả lương quá thấp, họ không còn có lựa chọn nào khác có thể đủ nuôi sống gia đình.

Trong khi nhiều đời bộ trưởng giáo dục Campuchia đã cố thanh lọc, làm sạch các kỳ thi cấp quốc gia trước đây chỉ để nhìn thấy chúng tiếp tục sa vào vũng lầy tham nhũng, tuy nhiên, tân bộ trưởng giáo dục Hang Chuon Naron đang rất quyết tâm thực hiện những thay đổi vĩnh viễn.

"Kết quả thi cho phép chúng tôi sửa chữa hệ thống giáo dục, bởi vì chúng tôi có thể nhận ra điểm mạnh và điểm yếu rõ ràng. Cải cách là rất cần thiết vì chúng tôi không thể để tình trạng như hiện nay tiếp tục xảy ra, nếu không nền giáo dục của chúng tôi sẽ sinh ra số lượng lớn sinh viên tốt nghiệp sẽ không có khả năng tìm được việc làm", ông Hang Chuon Naron dõng dạc tuyên bố

Phạm Hữu Tùng
.
.
.