Tại sao các quốc gia Bắc Âu luôn nằm trong top hạnh phúc bậc nhất thế giới?

Thứ Tư, 01/09/2021, 10:53

Bên cạnh chất lượng giáo dục thì hệ thống phúc lợi y tế được xem là những nhân tố quan trọng hàng đầu giúp các quốc gia Bắc Âu luôn nằm trong top đầu hạnh phúc nhất thế giới.

Trong chính sách phúc lợi xã hội của các quốc gia bao gồm rất nhiều những thành tố mà yếu tố phát triển con người và chăm sóc sức khỏe người dân luôn được đặt lên hàng đầu. 

Hệ thống phúc lợi y tế tại các quốc gia Bắc Âu 

Các hoạt động phúc lợi xã hội tại các quốc gia Bắc Âu thường có một đặc điểm chung là đều do nhà nước và chính quyền địa phương mang lại cho từng cá nhân, gia đình. Mô hình này đảm bảo một hệ thống hạ tầng vững mạnh các dịch vụ xã hội với khả năng đáp ứng tốt nhu cầu của người dân đi kèm với chất lượng dịch vụ cao.

Tại sao các quốc gia Bắc Âu luôn nằm trong top hạnh phúc bậc nhất thế giới? -0
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)

Mọi cá nhân đều được hưởng phúc lợi không phụ thuộc vào việc người đó đóng góp như thế nào. Mô hình này gần như không quan tâm đến thị trường mà mong muốn xây dựng một sự đoàn kết toàn diện tạo sự đồng thuận xã hội. Tất cả mọi lợi ích đều mang tính phụ thuộc và tính thanh toán bắt buộc. Nhà nước chịu trách nhiệm cho toàn xã hội và cho các gia đình. 

Phúc lợi trong tài chính y tế ở những quốc gia Bắc Âu cao nhất thế giới (thấp nhất là 6,2% GDP và cao nhất là 12,2% GDP năm 2005). Chính phủ đặc biệt dành rất nhiều quan tâm tới người dân với các chính sách khám chữa bệnh ban đầu và chăm sóc bà mẹ trẻ em miễn phí.  

Mức phúc lợi khiến mức hưởng thụ của người dân ở mức cao 

Các quốc gia Bắc Âu cũng sở hữu một hệ thống y tế đồ sộ với số y tá bình quân trên 1000 người dân là 12,9 người. Nhờ được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe một cách hoàn hảo, tuổi thọ của người dân Bắc Âu liên tục tăng nhanh. 

Năm 2006, tuổi thọ bình quân của phụ nữ Đan Mạch là 80,7 tuổi, Na Uy và Thụy Điển là 82,9 tuổi. Tuổi thọ bình quân của nam giới Đan Mạch là 76,1 tuổi, của Na Uy là 78,2 tuổi và Thụy Điển là 78,7 tuổi. 

Tại các quốc gia Bắc Âu, phụ nữ sinh con được nghỉ 18 tháng có lương, trong đó có 12 tháng đầu hưởng 100% lương và các tháng sau là 90%. Nếu trẻ em ốm đau, ngoài việc được miễn phí chữa trị tại bệnh viện, bố mẹ còn được trợ cấp tiền mặt và nghỉ có lương để chăm sóc con.  

PGS.TS. Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, mô hình phát triển kinh tế - xã hội của khối Bắc Âu nói chung đã đạt được những thành tựu to lớn về sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc, hệ thống phúc lợi xã hội tiên tiến, bảo vệ môi trường và gìn giữ, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa đã và đang có giá trị tham khảo hữu ích cho các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Các nước Bắc Âu gồm Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển và Iceland hiện đang được đề cao như một trong những mô hình quản trị hiệu quả nhất trên thế giới.

Hiệu quả của chính sách phúc lợi của các nước Bắc Âu, trong đó có hệ thống phúc lợi y tế đã khiến các nước Bắc Âu hiện là nhóm nước có chỉ số phát triển con người cao nhất trên thế giới. Trong tổng số 189 nước được xếp hạng năm 2018: Na Uy xếp thứ nhất, Thụy Điển: 7, Đan Mạch: 11 và Phần Lan: 15. Nếu xét về chỉ số bất bình đẳng thì các nước Bắc Âu cũng thuộc nhóm có chỉ số bất bình đẳng thấp nhất trên thế giới. Xét về chỉ số hạnh phúc, theo Báo cáo về chỉ số hạnh phúc năm 2019, các nước Bắc Âu nằm trong top các nước người dân hạnh phúc nhất: Phần Lan xếp thứ nhất, Đan Mạch: 2, Na Uy: 3 và Thụy Điển: 7. 

Tuy nhiên, để có thể áp dụng và duy trì một hệ thống phúc lợi y tế hùng hậu như vậy, các quốc gia Bắc Âu đều sở hữu một nền kinh tế lớn cùng mức thu nhập cao.  

Ví dụ, tại Thụy Điển, một người lao động bình thường có thể kiếm được 26.633 USD/năm, cao hơn mức trung bình 22.387 USD/năm của OECD. Tại nước láng giềng Phần Lan, thuế thu nhập cá nhân tại đây cao thứ 9 thế giới với mức  49,2% (trước khủng hoảng là 53,5%) đối với những người có thu nhập ít nhất 87.222 USD/năm.

Đối với Na Uy, quốc gia này lại nổi tiếng ở tỷ lệ thất nghiệp cực thấp và lương trung bình cao. Tỷ lệ thất nghiệp ở Na Uy tính tới tháng 11/2012 là 3,2% và chưa từng vượt quá mức 3,3% trong năm 2012. Lương trung bình trên giờ tại Na Uy cũng thuộc hàng cao nhất thế giới với 42,38 USD/giờ, đặc biệt, khoảng cách lương giữa người công nhân có thu nhập thấp nhất và người quản lý cao cấp nhất ở công ty là rất thấp.

Hồng Ánh
.
.
.