Phát hiện thêm một chủng người cổ đại chưa từng được biết tới

Thứ Hai, 30/08/2021, 14:50

Các nhà khoa học Anh vừa phát hiện một bộ xương hóa thạch có niên đại 7200 năm tuổi thuộc về một chủng tộc chưa từng được biết tới trên đảo Sulawesi, Indonesia, theo Dailymail.

Bộ xương 7200 năm tuổi này được tìm thấy trong một hang động có tên gọi là Leang Panninge (Hang Dơi) trên đảo Sulawesi, Indonesia.

Phát hiện thêm một chủng người cổ đại chưa từng được biết tới -0
 Bộ xương được bảo quản gần như nguyên vẹn cho đến khi được tìm thấy ở Leang Pannige. (Ảnh: Dailymail)

Các nhà nghiên cứu cho rằng bộ xương hóa thạch này thuộc về một thiếu nữ khoảng tầm 17 – 18 tuổi, được chôn cất trong tư thế bào thai và một phần bị đá che phủ. Tại nơi chôn cất của người phụ nữ này, các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy một số công cụ bằng đá, đất son đỏ (loại đá giàu sắt được sử dụng để làm bột màu) và xương động vật.

Bộ xương của người thiếu nữ là một hóa thạch "di truyền hiếm gặp" chưa từng thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới và có khoảng một nửa cấu tạo gene thuộc nhóm người thổ dân Australia bản địa, người thổ dân ở New Guinea và ở một số đảo Tây Thái Bình Dương.

Thông qua phương pháp xác định niên đại bằng carbon phóng xạ, các nhà nghiên cứu xác định niên đại của hóa thạch này là từ 7200 năm và có thể lên tới 7300 năm.

Được biết, bộ xương hóa thạch được phát hiện cùng các đồ tạo tác của người Toalean. Giáo sư Adam Brumm thuộc Đại học Griffith, bang Queensland (Australia) - đồng trưởng nhóm nghiên cứu trên, cho biết người Toalean là tộc người săn bắt hái lượm sơ khai sống ẩn dật trong các khu rừng ở Nam Sulawesi từ khoảng 8000 đến 1500 năm trước. Họ săn bắt lợn rừng và các động vật có vỏ ăn được từ các con sông.

Hiện vẫn chưa rõ điều gì đã xảy đến với những người Toalean và nền văn hóa của họ. Cư dân sinh sống ở Sulawesi ngày nay chủ yếu có nguồn gốc từ những cư dân thời kỳ đồ đá mới, đến hòn đảo này từ Đài Loan vào khoảng 3500 năm trước.

Nguyễn Trung Thành
.
.
.